27/04/2024 lúc 20:13 (GMT+7)
Breaking News

Thành phố Nam Định hướng đến đô thị văn minh, hiện đại

Thời gian qua, triển khai theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 6 chức năng trung tâm vùng, tỉnh Nam Định đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, coi đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm phát triển đô thị theo hướng hiện đại, văn minh.

Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa của tỉnh, có vị trí quan trọng và thuận lợi của vùng tam giác kinh tế, nơi tiếp giáp với nhiều đầu mối giao thông trong và ngoài tỉnh. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với các giải pháp có tính đột phá, cụ thể hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tập trung xây dựng, phát triển thành phố giai đoạn 2021-2025 theo hướng hiện đại, đồng bộ và giữ gìn bản sắc văn hóa, tỉnh Nam Định đã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, mở rộng phát triển không gian; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển thành phố trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ…

Trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nam Định tăng 10,19%, cao nhất từ trước đến nay (đứng thứ 6 toàn quốc). Thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt hơn 9.700 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Đến nay, toàn tỉnh đã có 191/204 xã, thị trấn (bằng 93,6%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đặc biệt, từ sự quan tâm của tỉnh và bằng các nguồn lực của thành phố, diện mạo đô thị của thành phố Nam Định ngày càng thay đổi rõ rệt theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp hơn. Hàng loạt các dự án khu đô thị mới, khu tái định cư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị đang được triển khai xây dựng trong nội thành và ven đô kỳ vọng mang lại diện mạo mới hiện đại, đồng bộ, văn minh hơn cho đô thị cổ Thành Nam, tạo thêm những cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của Nhân dân.

UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo lập, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, bổ sung và xây dựng mới nhiều quy hoạch như: Chương trình phát triển đô thị giai đoạn 2021 - 2030; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030; kế hoạch sử dụng đất năm 2022; danh mục các dự án thu hồi đất, các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha thuộc kế hoạch sử dụng đất năm 2022; lập quy chế quản lý kiến trúc thành phố; điều chỉnh quy hoạch phân khu các phường, xã…  đáp ứng công tác xây dựng, phát triển thành phố. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tập trung cho các công trình trọng điểm, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, giao thông, thoát nước… làm thay đổi rõ nét hạ tầng, cảnh quan, tạo điều kiện phát triển toàn diện các lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Cụ thể, tỉnh Nam Định đã đầu tư xây dựng trong nhiều dự án lớn, góp phần tạo điểm nhấn cảnh quan hiện đại, khang trang như tập trung hoàn thành và đưa vào vận hành, khai thác dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD, đây là Cụm công trình kênh nối thủy lớn nhất Việt Nam; hoàn thành công trình Quảng trường Hòa Bình, thành phố Nam Định; Tỉnh lộ 485B; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh. Bên cạnh đó, một số không gian công cộng trong thành phố cũng được đầu tư như khu vực Nhà Văn hóa 3-2 của tỉnh, hồ Vị Xuyên, khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo, sân vận động Thiên Trường, Nhà thi đấu Trần Quốc Toản, Bảo tàng tỉnh, Cột cờ Nam Định… tạo cảnh quan đẹp và không gian xanh mát xen giữa truyền thống và hiện đại mang những nét đặc trưng riêng. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Nam Định đã hoàn thành xây dựng, triển khai đầu tư hàng loạt tuyến đường giao thông chiến lược, không chỉ bảo đảm kết nối liên thông giữa các huyện, thành phố trong tỉnh mà còn kết nối đến các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực, góp phần khơi thông nguồn lực từ các thành phần kinh tế.

Thành phố Nam Định là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa của tỉnh.

Hướng tới năm 2024, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, cụ thể tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,5 - 10,5%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 12.030 tỷ đồng... tỉnh Nam Định xác định xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba đột phá chiến lược, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, tỉnh tập trung phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo và 5 hành lang kinh tế động lực; phát triển đột phá khu vực kinh tế biển và ven biển, đưa khu vực ven biển trở thành một trọng tâm phát triển. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; thực hiện toàn diện các mục tiêu đề ra, nhất là vấn đề tăng thu ngân sách, chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm tạo nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.

Đặc biệt, tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững, trong đó công nghiệp tăng cao, xuất khẩu nhiều, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch nhằm tạo không gian phát triển mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy hiệu quả lĩnh vực chuyển đổi số vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.