VNHN - Hầu hết những người trẻ khởi nghiệp đều nhận định, thành phố Hồ Chí Minh là mảnh đất “màu mỡ”, đúng nghĩa “đất lành chim đậu”. Hiện chính quyền thành phố đang thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thu hút những người có hoài bão, góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt.
Từ một người bán hàng thời trang online (trực tuyến), Lê Thành Vân (sinh năm 1986) chỉ mất 4 năm để xây dựng thương hiệu thời trang Gumac với chuỗi 80 cửa hàng trên cả nước (riêng thành phố Hồ Chí Minh có 20 cửa hàng). Nói về yếu tố “địa lợi” trong khởi nghiệp kinh doanh, Lê Thành Vân chia sẻ: “Tôi nhận thấy thành phố Hồ Chí Minh đúng là mảnh đất “màu mỡ” để những người trẻ khởi nghiệp. Ngoài việc là trung tâm kinh tế lớn, năng động, dân số đông, những năm qua chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu trong năm 2020, Gumac sẽ có 50 cửa hàng ở thành phố Hồ Chí Minh”.
Còn Hồ Đức Hoàn (sinh năm 1990) là một du học sinh đã quyết định quay về Việt Nam khởi nghiệp. Bước ngoặt của Hồ Đức Hoàn chính là tham dự cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thông qua Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC). Nhờ BSSC cùng những lời khuyên của người đi trước, Hồ Đức Hoàn phát triển dự án Edu2Review - chuyên đánh giá tín nhiệm lĩnh vực giáo dục và đặt chỗ khóa học đầu tiên tại Việt Nam. Giữa năm 2019, dự án của Hồ Đức Hoàn đã gọi vốn thành công từ hai quỹ đầu tư đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) và Canada với định giá lên tới hàng triệu USD.
Nói về môi trường khởi nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Đức Hoàn cho biết, nơi đây có rất nhiều người giỏi, nên rất dễ tìm “thầy”, đồng thời là môi trường đầy thử thách để khẳng định chính mình. Tương tự, doanh nhân Văn Trần (sinh năm 1985) - nhà sáng lập vexere.com là người hiếm hoi từ bỏ “giấc mơ Mỹ” sau khi du học tại Hoa Kỳ để về thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp. Nói về môi trường đầu tư, khởi nghiệp ở thành phố mang tên Bác, Văn Trần cho hay, Việt Nam phấn đấu năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp, riêng thành phố Hồ Chí Minh chiếm tới 50% (khoảng 500.000 doanh nghiệp) đã cho thấy môi trường khởi nghiệp hiệu quả của thành phố này.
Năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu có hơn 45.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Theo Văn Trần, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp là một trong những con số xác thực nhất để chứng tỏ nơi nào thật sự “đáng sống", bởi những doanh nghiệp khởi nghiệp đã góp phần tạo việc làm mới và tạo ra giá trị cho xã hội. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2019, thành phố có hơn 44.000 doanh nghiệp thành lập mới, với mức tăng trưởng vốn cao hơn 15% so với năm 2018. Năm 2020, thành phố phấn đấu đạt hơn 45.000 doanh nghiệp thành lập mới, xứng đáng là nơi “đất lành chim đậu”, thu hút những người trẻ có hoài bão, dám dấn thân, mong muốn đóng góp cho xã hội, cho sự phát triển của thành phố.
Nhận định về môi trường khởi nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho rằng, thành phố có cơ chế thông thoáng, là “lò” đào tạo về chuyên môn tốt nhất; đồng thời, lãnh đạo thành phố cũng định hướng rất rõ những lĩnh vực thu hút đầu tư, đặc biệt là khuyến khích những người trẻ khởi nghiệp sáng tạo. "Thành phố Hồ Chí Minh có hoạt động kinh doanh sôi động nhất và có truyền thống về khởi nghiệp; là môi trường tốt nhất để những người trẻ sáng tạo, có ước mơ thể hiện bản lĩnh, năng lực của mình”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định.
Theo báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” của Cơ quan Thương mại và Đầu tư (Australia), thành phố Hồ Chí Minh là “ngôi nhà” của gần 50% startup của Việt Nam và là thành phố có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế sáng tạo, năng động, phát triển nhanh nhất ở châu Á. Hiện chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng kế hoạch nhằm biến thành phố trở thành “thánh địa” của khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, thành phố đã ban hành nhiều chính sách như Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp; quy chế phối hợp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới tại thành phố có hai nguồn chính là khởi nghiệp và chuyển đổi từ hộ kinh doanh. Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp, vốn đầu tư là vấn đề gây trở ngại. Chính vì vậy, thành phố sẽ làm cầu nối để các doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng tiếp cận với ngân hàng, các tổ chức tín dụng, cũng như các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Bình quân hiện nay, vốn điều lệ của doanh nghiệp thành lập mới khoảng 16 tỷ đồng/doanh nghiệp, cao gấp hai lần so với năm 2016.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, trong năm 2020, thành phố xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp thành lập mới, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ, tạo giá trị gia tăng cao. Chính vì vậy, thành phố tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng, minh bạch.