Hà Nội có nguồn tài nguyên thiên nhiên, di sản, làng nghề, văn hóa phong phú, đa dạng, được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, tạo nên sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn tới tình hình chung của các ngành kinh tế, trong đó có ngành du lịch. Hi vọng, dịch Covid-19 sớm dập, Hà Nội sẽ “đánh thức” tiềm năng du lịch cộng đồng phát triển.
Cũng như nhiều tỉnhthành phố trong cả nước “du lịch cộng đồng” được phát triển là điểm nhấn, đặc trưng, hấp dẫn, thu hút du khách. Tại Hà Nội, du lịch cộng đồng đã hình thành từ nhiều năm nay ở một số huyện, thị xã, như: Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu vực chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức)…, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Thủ đô.
Làng cổ Đường Lâm, Thị xã Sơn Tây - điểm đến lý tưởng Du lịch cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Trọng An- Phó Trưởng ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm: hiện có khoảng 10% gia đình ở Làng cổ Đường Lâm làm du lịch, phục vụ lưu trú cho du khách nghỉ qua đêm. Từ tháng 9-2020, Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm cùng các chuyên gia đã họp với các gia đình để bàn việc tổ chức lại cách làm du lịch cộng đồng tại Làng cổ Đường Lâm. Khi chuyển sang làm du lịch cộng đồng, đời sống của bà con khấm khá hơn. Nhiều gia đình thấy được lợi ích của việc làm này, đã ý thức hơn trong việc giữ gìn nhà cổ và văn hóa của làng.
Tuy đã triển khai mô hình du lịch cộng đồng ở nhiều nơi tại Thủ đô Hà Nội, song sự phát triển không đồng đều, vẫn đang gặp không ít khó khăn, hạn chế. Theo ông Nguyễn Đức Anh- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Ba Vì có rất nhiều lợi thế về thiên nhiên, đa dạng dân tộc sinh sống để phát triển du lịch cộng đồng, thế nhưng hình thức du lịch này vẫn ở giai đoạn manh nha hình thành. Còn theo ông Mai Văn Ngần- Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) chia sẻ: Xã Hồng Vân được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố từ năm 2018, có “đặc sản” thu hút du khách là làng nghề sinh vật cảnh, song việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn còn rất mới mẻ. Hay ngay cả làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) với các di tích cổ, làng nghề lâu năm, sản phẩm đa dạng thu hút nhiều du khách nhưng theo ông Phạm Huy Khôi- Chủ tịch UBND xã Bát Tràng: việc phát triển du lịch cộng đồng vẫn mang tính tự phát, thiếu cơ sở lưu trú qua đêm cho du khách.
Vậy nên, hướng phát triển du lịch cộng đồng cần được đầu tư đúng hướng hơn nữa. Trong Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30-9-2020 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội, du lịch cộng đồng là một trong những mũi nhọn được tập trung đầu tư để tăng tính hấp dẫn cho du lịch Thủ đô. Thực hiện kế hoạch này, thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã tổ chức hàng chục hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng, giúp người dân hiểu hơn về cách triển khai du lịch cộng đồng.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ: thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức đoàn khảo sát với sự tham gia của những đơn vị lữ hành để tăng thêm tính kết nối trong việc quảng bá, tạo các tour, tuyến du lịch... từ đó có thể “đánh thức” tiềm năng, thế mạnh cũng như khai thác hiệu quả du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.