24/11/2024 lúc 04:38 (GMT+7)
Breaking News

Thanh niên Êđê với khát vọng khởi nghiệp từ nông sản quê hương

VNHN - Để xây dựng thương hiệu cà phê mang bản sắc riêng Êđê, anh Y Pôt (Đắk Lắk) đã bỏ ra 100 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị và công nghệ sản xuất.

VNHN - Để xây dựng thương hiệu cà phê mang bản sắc riêng Êđê, anh Y Pôt (Đắk Lắk) đã bỏ ra 100 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị và công nghệ sản xuất.

Nhằm nâng cao chất lượng hạt cà phê, đưa sản phẩm cà phê sạch, nguyên chất đến với nhiều người tiêu dùng, anh Y Pôt Niê, ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã tích cực tìm hiểu, xây dựng thương hiệu Êđê Café, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Vừa hoàn tất những công đoạn cuối của mẻ rang cà phê thủ công, anh Y Pôt Niê liền tự tay kiểm đếm cẩn thận các thùng hàng để đảm bảo số lượng hàng đã đủ. Anh Y Pôt cho biết, những thùng hàng này sẽ chuyển đi giao cho khách để dùng trong dịp tết. Y Pôt Niê (sinh năm 1988), là Giám đốc công ty TNHH Êđê Café, ở buôn Kla, xã Drai Sap, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Tuy mới chính thức thành lập hơn nửa năm nay nhưng các sản phẩm của công ty đã được nhiều khách hàng biết đến từ trước đó khá lâu. Chia sẻ về cái duyên khởi nghiệp với thương hiệu Êđê Café, anh Y Pôt cho biết, năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Đà Nẵng, anh đã công tác tại một số bệnh viện ở TP HCM và Đắk Lắk. Một lần, anh mang những gói cà phê bột nhà mình tự làm ra để biếu một người bạn ở TP HCM và nhận được phản hồi tích cực từ người bạn đó. Người bạn còn đăng lên mạng xã hội Facebook giới thiệu cho bạn bè về cà phê của anh.

"Ban đầu tôi suy nghĩ, lấy hạt cà phê này rang trên lửa, rồi giã thủ công bằng cối và đem pha thử cho bạn bè mình uống. Sau đó, bạn bè tôi gọi điện phản hồi lại, họ khen cà phê rất ngon và nguyên chất 100%. Từ đó, bạn bè khuyên tôi nên mở hộ kinh doanh hoặc công ty để nhiều người biết đến thương hiệu cà phê bột này hơn. Xuất phát từ đó tôi tích cực tìm hiểu và dần cho ra đời sản phẩm của riêng mình" - anh Y Pôt chia sẻ. Làm thử nhưng kinh doanh thật, sản phẩm cà phê của anh được nhiều khách lạ quan tâm, hỏi mua.

Điều đó khiến Y Pốt suy nghĩ, tại sao mình không tự sản xuất số lượng nhiều hơn để nâng cao giá trị cà phê của người dân trong buôn làng mình. Nghĩ là làm, Y Pốt đã bỏ ra 100 triệu đồng để đầu tư trang thiết bị và công nghệ sản xuất. Đầu năm 2019, từ cà phê thu hoạch được trên rẫy của gia đình, anh Y Pôt cho ra đời mẻ cà phê bột đầu tiên. Anh mạnh dạn bán lẻ rồi lắng nghe phản hồi của khách hàng để hoàn thiện sản phẩm.

Theo Y Pôt, để cà phê có vị ngon, thơm đặc trưng thì khâu sơ chế, rang xay cần được chú trọng. Và cà phê phải sạch, nguyên chất, không trộn thêm bất cứ thứ gì khác. Tùy khẩu vị của từng độ tuổi mà cho ra sản phẩm với nhiệt độ rang khác nhau. Có thể rang vừa đủ khi chuyển sang màu nâu sậm. Người thích vị đắng đậm thì phải rang thành màu nâu đen. Rang thủ công trên bếp củi sẽ giúp cà phê giữ được hương vị nguyên bản hơn.

Y Pôt niê (giữa) cùng gian hàng giới thiệu sản phẩm Êđê Cafe tại hội chợ.

Để xây dựng thương hiệu cà phê mang bản sắc riêng, anh Y Pôt đã đến Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký độc quyền nhãn hiệu kinh doanh dòng sản phẩm nông sản sạch, không hóa chất “Êđê Café”. Cùng với đó, anh tích cực quảng bá trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo và tự mình đến các cửa hàng trong và ngoài tỉnh tiếp thị, tìm kiếm, kết nối khách hàng. Anh Y Pôt cho biết, gia đình anh chỉ có 3 ha cà phê. Do đó, để đảm bảo lượng cà phê cung ứng cho thị trường, anh đã liên kết với một số hộ dân trồng cà phê khác ở buôn Kla, nâng diện tích sản xuất cà phê sạch lên 10ha.

Đồng thời, tạo việc làm cho 5 lao động tại địa phương trong việc sơ chế, rang xay với mức thu nhập từ hai triệu rưỡi đến 4 triệu đồng một tháng. Sau những kiên trì, cố gắng, Y Pôt Niê đã tìm được những khách hàng tiềm năng, gồm cả khách lẻ và sỉ. Nguồn tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP HCM… giúp anh có được lượng tiêu thụ ổn định trung bình khoảng 4 tạ cà phê bột mỗi tháng. Thêm vào đó, nhờ đạt tiêu chuẩn về kiểm định chất lượng nên sản phẩm cà phê hạt Êđê Café đã được xuất khẩu sang thị trường Singapore trung bình từ 2 - 4 tạ mỗi tháng. Anh Y Pôt cho biết: "Đây là dòng cà phê sạch, cà phê hữu cơ organic nên ban đầu chúng tôi bán giá 250.000 đồng/kg.

Còn hiện nay với sự khan hiếm của cà phê hữu cơ nên giá bán đã được nâng lên mức 395.0000 đồng/kg. Và hiện tại thì dòng cà phê này rất được bạn bè và du khách ngoài nước quan tâm, ưa chuộng. Tuy mới thành lập nhưng Êđê Café đã bước đầu khẳng định được vị trí và thương hiệu. Trong năm 2019 vừa qua, Công ty TNHH ÊĐê Café đã nhận được danh hiệu “Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu danh tiếng năm 2019” (do Viện Đánh Giá Chỉ Số Cạnh Tranh, Liên hiệp khoa học phát triển doanh nghiệp Việt Nam cấp).

Chia sẻ về định hướng sắp tới, anh Y Pôt cho biết, sẽ tiếp tục chủ động đi tiếp thị sản phẩm tới các cửa hàng trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường. Cùng với đó, anh đang suy nghĩ mở rộng dòng sản phẩm sang tiêu, bơ, lúa để nâng tầm các loại nông sản của quê hương. "Trong thời gian tới, tôi sẽ cố gắng tìm kiếm, mở rộng thị trường quốc tế hơn để nhiều khách hàng ngoài nước biết đến sản phẩm cà phê Đắk Lắk là cà phê sạch.

Hiện nay, tuy mới hơn 6 tháng nhưng tôi thấy rất vui vì đã ký được hợp đồng với Singapore. Cùng đó thì tôi đang đàm phán với khách hàng tiềm năng tại Nhật Bản và Hàn Quốc" - anh Y Pôt cho biết. Sau nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, Y Pôt Niê đã tìm ra hướng đi phù hợp để khởi nghiệp. Tận dụng lợi thế với những nông sản tiêu biểu của quê hương, chàng trai Êđê này đã góp phần nâng tầm giá trị của các loại nông sản do chính những người dân địa phương làm ra.