VNHNO - Những ngày qua, giá thanh long liên tục giảm sâu, các nhà vườn đau xót khi hàng trăm tấn thanh long đến độ chín rộ nhưng rớt giá thê thảm, nhiều nơi phải đổ bỏ vì giá bán như cho nhưng vẫn không có người mua.
Gia đình ông Dũng (Tiền Giang) cắt thanh long đổ đống nhưng thương lái chê không mua. Ảnh: Hoàng Nam.
Theo cách tính của người nông dân, bình quân giá thanh long ruột đỏ phải từ 10.000 đồng/kg trở lên thì mới mong có lãi.
Theo ông Nguyễn Văn Ba (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, 7 năm trồng thanh long ruột đỏ, ông chưa từng gặp cảnh giá rớt thê thảm như hiện nay. Đặc biệt, những vườn thanh long ruột trắng thì không ai ngó ngàng tới. Mọi năm, 400 gốc thanh long cho hơn 4 tấn quả, mang lại nguồn thu từ 100-150 triệu đồng thì nay ước chỉ thu được 6-8 triệu đồng, không đủ chi phí thuê công cắt quả.
Qua đây, ông Ba chia sẻ: "Cách đây nửa tháng, thương lái mua với giá 15.000-20.000 đồng/kg, đột ngột 3 hôm nay giảm xuống còn 1.500-2.000 đồng/kg nhưng phải năn nỉ mới có người chịu mua. Bây giờ, giá nào cũng phải bán, nếu không ba hôm nữa gặp trận mưa, thanh long lại bị nứt toác, thối rữa phải tốn tiền thuê người hái bỏ để dưỡng cây cho vụ tới".
Một thương lái chuyên đi thu mua thanh long tại các nhà vườn cho biết, tình hình thu mua thanh long cho nông dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang rất căng thẳng vì kho của các vựa ở Bình Thuận xuất đi Trung Quốc đã đầy. Hiện còn hàng trăm tấn thanh long ùn ứ ở vườn và những người thu mua đều phải chịu lỗ nhưng vẫn phải tìm cách bán cho nông dân để gỡ gạc phần nào.
"Tôi đánh xe thanh long loại đẹp nhất ra Phan Thiết bán với giá 5.000 đồng/kg nhưng không một vựa nào chịu lấy. Đến nửa đêm, vựa có người Trung Quốc thu mua trả 3.000 đồng/kg, lỗ nặng cũng phải bán", người này nói và cho hay, sáng nay, vựa báo cho thu mua giá 1.500 đồng/kg, mua lại với giá 2.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Phương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, toàn huyện hiện có gần 200 ha thanh long, tập trung chủ yếu ở 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng. Chính quyền địa phương cũng đang lo lắng khi liên hệ với một số nhà máy nhưng không thể nhận hàng do kho đã đầy./.