Ngày 17/6/2021, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 8435/UBND-KTTC về việc triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh
Hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết mọi mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế; trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Với quan điểm là các Tổ chức tín dụng phải đồng hành cùng với người dân và doanh nghiệp vượt qua khó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa và các Tổ chức tín dụng phối hợp thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa
- Tiếp tục chỉ đạo các Tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động.
- Tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích Tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp; tiếp tục chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
- Chỉ đạo, đôn đốc các Tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và thiên tai theo quy định. Kiểm tra giám sát chặt chẽ việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân vay vốn gặp khó khăn chưa trả được nợ vay do đại dịch Covid-19.
- Tăng cường kết nối đối thoại nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân, doanh nghiệp để phục hồi, ổn định sản xuất; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn; chủ động xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai của các Tổ chức tín dụng.
- Phối hợp với chính quyền địa phương để chỉ đạo, triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh xử lý đối với các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
2. Các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh
- Bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí cho vay mới…
- Thực hiện cắt giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng, người dân, doanh nghiệp. Từng Tổ chức tín dụng căn cứ năng lực, khả năng tài chính của mình để tính toán thực hiện giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các biện pháp hỗ trợ khác; đồng thời công khai công bố mức lãi suất hỗ trợ, các biện pháp, chính sách hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp được biết.
- Tích cực, chủ động phối hợp các sở, ban, ngành và các khách hàng trên địa bàn để tìm hiểu nhu cầu, đáp ứng kịp thời vốn tiêu thụ nông sản, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; không để xảy ra tình trạng chậm tiêu thụ nông sản, gián đoạn chuỗi sản xuất, cung ứng do không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.
- Tăng cường triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, để khách hàng không phải trực tiếp đến ngân hàng giao dịch, góp phần hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh./.