20/01/2025 lúc 05:01 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá tổng kết Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020

Chiều 31/12/2020, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì Hội nghị tổng kết chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đọan 2018 - 2020 và triển khai Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.

Chiều 31/12/2020, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì Hội nghị tổng kết chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đọan 2018 - 2020 và triển khai Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.

Toàn cảnh Hội nghị

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương, cán bộ văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương; Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa; các sở, ngành, đơn vị liên quan, các huyện, thị xã, thành phố và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Tại Hội nghị, đồng chí Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh báo cáo tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Theo đó, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Đồng chí Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh báo cáo Tổng kết Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2018 – 2020

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2018. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, góp phần quan trọng vào hoàn thành thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để nâng cấp, hoàn thiện và phát triển sản phẩm, ngoài các giải pháp nâng cao năng lực cho chủ thể, tỉnh đã chủ động bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ các chủ thể đổi mới, nâng cấp công nghệ, máy móc, hỗ trợ công bố chất lượng, chứng nhận chất lượng.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 69 sản phẩm OCOP của 47 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ sản xuất, kinh doanh được xếp hạng, đạt 172,5% kế hoạch. Trong đó, có 17 sản phẩm đạt 4 sao (2 sản phẩm nước mắm, mắm tôm Lê Gia đang đề xuất Trung ương công nhận đạt chất lượng 5 sao) và 52 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến GMP, VietGap, Hữu cơ, ISO, HACCP để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị

Công tác quảng bá, xúc tiến thương mại rất được các ngành, địa phương quan tâm, đến nay đã tổ chức cho nhiều doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh tham gia một số hội chợ trong và ngoài tỉnh. Theo đó, Thanh Hoá là 01 trong 48 tỉnh, thành phố trong cả nước có sản phẩm OCOP; 01 trong 14 địa phương có sản phẩm đề xuất chất lượng 5 sao và có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 10 trong cả nước.

Đại diện Văn phòng Điều phối NTM Trung ương trao Chứng nhận sản phẩm OCOP khu vực đặc biệt khó khăn cho các chủ thể

Ngoài ra, có nhiều sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã vươn ra thị trường quốc tế, như mắm tôm, mắm tép của Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; Sản phẩm ống hút tre xuất khẩu của Công ty TNHH VIBABO xuất khẩu sang thị trường các nước Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty CP Sản xuất - Chế biến cói xuất khẩu Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 64 siêu thị ở Hoa Kỳ; các sản phẩm Đá mỹ nghệ Vĩnh Lộc; sản phẩm thủ công từ bèo, bẹ ngô của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nông Phú; thảo dược của cơ sở Đông y Quang Anh đã được bán tại thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc.

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho các chủ thể

Thực hiện Chương trình OCOP và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP đã góp phần quang trọng để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa trong từng nhóm sản phẩm đặc thù của từng địa phương; đồng thời phát huy tính sáng tạo của các chủ thể OCOP để nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, cùng với đó các chủ thể OCOP cũng đã nhận thức và quan tâm hơn đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà cả trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ bán hàng.

Từ những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có thêm ít nhất 3 sản phẩm OCOP 5 sao, trên 100 sản phẩm đạt 3 đến 4 sao; Có 5 mô hình du lịch cộng đồng; hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP; mỗi huyện thị xã, thành phố có ít nhất một điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Đồng chí Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho các chủ thể

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về những giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP cấp tỉnh và chiến lược thực hiện mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo, kinh nghiệm về hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2021-2025; tác động của Chương trình OCOP đến phát triển kinh tế khu vực nông thôn; kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm bản địa; phát triển OCOP gắn với khai thác thương hiệu cộng đồng; kinh nghiệm phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu và cộng đồng địa phương.

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng điều phối NTM Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Chương trình OCOP của tỉnh đạt được trong giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời nhấn mạnh: Thời gian tới, Chương trình OCOP cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định chương trình là giải pháp quan trọng phát triển sản xuất ở nông thôn, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về Chương trình OCOP, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP. Tiếp tục tập trung rà soát, lựa chọn, quản lý, giám sát chất lượng và nâng cấp thứ hạng sản phẩm OCOP. Chúng tôi hoàn toàn có niềm tin vào sản phẩm OCOP Thanh Hóa chắc chắn vươn xa hơn để thực sự mỗi chủ thể sản phẩm OCOP tự hào về sản phẩm xứ Thanh xứng đáng đứng ở những gian hàng, quầy hàng lớn tại các siêu thị Co.opmart, Big C. Mong rằng, sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa sẽ còn vươn xa hơn nữa không chỉ phục vụ người dân Thanh Hóa mà còn phục vụ dân nhân trong cả nước và trên thế giới.

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của Chương trình, đồng thời khẳng định Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng trong xây dựng NTM và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Về việc thực hiện mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh tiếp thu các ý kiến thảo luận tại hội nghị, đặc biệt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương, xây dựng Chương trình trong 5 năm tới để điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu của Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, toàn tỉnh phải có ít nhất 15 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao, 559 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 3 sao trở lên; Phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan kiện toàn bộ máy điều hành phát triển Chương trình OCOP các cấp. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ cho các chủ thể có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP trong giai đoạn tiếp theo.

Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP đã được nhận Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lồng ghép các nội dung của Chương trình mục tiêu Quốc gia trong cơ cấu tái nông nghiệp mỗi xã một sản phẩm với thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp nhằm khuyến khích ứng dụng các tiến bộ công nghệ vào sản xuất, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp. Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các ngành, các huyện, các chủ thể làm tốt công tác xúc tiến thương mại.

Cùng với phát triển sản phẩm mới, các địa phương cần quản lý tốt sản phẩm OCOP đã được công nhận; có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các chủ thể, bố trí nhân lực quản lý chuyên trách về OCOP; tuyên truyền rộng rãi để nhân dân hiểu rõ vai trò ý nghĩa của chương trình trong phát triển kinh tế nông thôn. Các sở, ngành liên quan cùng phối hợp để nâng cao toàn diện chất lượng Chương trình OCOP trong giai đoạn tới.

Nhân dịp này, đại diện Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn cho 3 sản phẩm gồm: Ống hút tre (Thường Xuân), Chè xanh sạch Bình Sơn và Mật ong nguyên chất bốn mùa Bình Sơn (Triệu Sơn); UBND tỉnh đã trao 69 giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cho 47 chủ thể có sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2020. Ngoài ra, 10 tập thể, 22 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Chương trình đã được nhận Bằng Khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Đại diện các chủ thể OCOP và các đơn vị phân phối đã ký kết ghi nhớ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Tại Hội nghị, đại diện các chủ thể OCOP và các đơn vị phân phối đã ký kết ghi nhớ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm OCOP./.