26/04/2024 lúc 12:21 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá: Tạo điều kiện đồng bộ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu

Với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước, của tỉnh Thanh Hoá và sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi thay. Những con đường được mở mới, nối dài không chỉ giúp người dân thuận tiện hơn trong sản xuất, sinh hoạt, còn góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, giàu đẹp hơn.
Thanh Hoá chỉ đạo khẩn trương di chuyển cây cột điện nằm trong lòng đường để hoàn thiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mới.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đặc biệt là xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã huy động cả hệ thống chính trị - xã hội và Nhân dân vào cuộc để mở rộng lòng đường giao thông nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hộ gia đình dù khó khăn vẫn nhiệt tình tham gia đóng góp tiền của và ngày công lao động vì diện mạo chung của địa phương. Nhờ vậy, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa kiên cố, thông thoáng. Song đường lớn được mở, hè đã thoáng, tuy nhiên, toàn tỉnh đang phải đối mặt với thực trạng hàng nghìn cây cột điện trước đây nằm mép đường, nay nằm ngay giữa lòng đường, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến việc đi lại, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, mất an toàn. Thực trạng này cử tri các địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị nhưng các đơn vị liên quan vẫn chưa có phương án xử lý.

Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoàng 9.641 cột điện nằm trong lòng đường sau khi mở rộng đường giao thông, trong đó: số cột điện do Công ty Điện lực Thanh Hoá quản lý là 5.152 cột; số cột điện do các doanh nghiệp khác đang quản lý là 4.223 cột và HTX dịch vụ điện năng đang quản lý là 266 cột. Trước đây, khi hệ thống lưới điện trung thế và hạ thể được đầu tư xây dụng, các cột điện được đặt trên vỉa hè và lề đường giao thông; tuy nhiên, quá trình mở rộng đường giao thông nông thôn đã làm thay đổi hiện trạng hệ thống lưới điện ban đầu, dẫn đến vị trí các cột điện nằm trong lòng đường gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng an toàn vận hành lưới điện trung, hạ thế. 

Vừa qua, để giải quyết thực trạng trên, đảm bảo an toàn giao thông và cấp điện ổn định, an toàn cho nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản số 6357/ UBND-CN, ký ngày 10/5/2022, về việc xử lý cột điện nằm trong lòng đường trong quá trình mở rộng đường giao thông trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện một số nội dung công việc sau:

1. UBND các huyện, thị xã, thành phố: 

- Bố trí kinh phí và thực hiện di chuyển các cột điện trong lòng đường do quá trình mở rộng đường giao thông đối với các dự án đã hoàn thành do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư. 

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn:

+ Bố trí kinh phí và thực hiện di chuyển các cột điện trong lòng đường do quá trình mở rộng đường giao thông đối với các dự án đã hoàn thành do UBND xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư: 

+ Chủ trì, phối hợp với Điện lực cấp huyện, các tổ chức quản lý kinh doanh điện năng để xây dựng phương án di dời các vị trí cột điện trong lòng đường do quá trình mở rộng đường giao thông do nhân dân tự đóng góp. 

- Trong quá trình chuẩn bị đầu tư, yêu cầu phải đưa chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng các cột điện trong lòng đường sau mở rộng vào dự toán các công trình đường giao thông từ ngân sách nhà nước do UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn làm chủ đầu tư.

2. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh: 

Có văn bản yêu cầu các địa phương khi đăng ký xây dựng nông thôn mới (nâng cao, kiểu mẫu...) và lập kế hoạch xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn, phải có phương án di dời hệ thống cột điện hạ thế để không làm phát sinh thêm tình trạng cột điện hạ thế nằm trong lòng đường giao thông nông thôn; phối hợp với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện, Điện lực cấp huyện, các tổ chức quản lý kinh doanh điện năng để thống nhất phương án, nguồn vốn di chuyển những cột điện đang nằm trong lòng đường giao thông nông thôn do quá trình mở rộng đường giao thông từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

3. Công ty Điện lực Thanh Hóa: 

- Có văn bản báo cáo Tổng công ty Điện lực Miền Bắc bố trí kinh phí để thực hiện di dời các cột điện trung thế đang nằm trong lòng đường sau khi mở rộng đường giao thông. 

- Chỉ đạo Điện lực cấp huyện hỗ trợ kinh phí cùng nhân dân di chuyển cột điện ra khỏi lòng đường đối với dự án mở rộng đường giao thông do nhân dân tự đóng góp; phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương về giải pháp kỹ thuật, đóng cắt điện trong quá trình di chuyển các cột điện trên.

4. Các tổ chức quản lý kinh doanh điện năng: 

- Hỗ trợ kinh phí cùng nhân dân để di chuyển cột điện ra khỏi lòng đường đối với dự án mở rộng đường giao thông do nhân dân tự đóng góp. 

- Phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương về giải pháp kỹ thuật, đóng cắt điện trong quá trình di chuyển các cột điện trên. 

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty Điện lực Thanh Hóa và các tổ chức quản lý kinh doanh điện năng trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc di chuyển các cột điện nằm trong lòng đường trước ngày 30/11/2022; các đơn vị có văn bản báo cáo kết quả thực hiện về Sở Công Thương trước ngày 05/12/2022. 

Giao Sở Công Thương có văn bản thông báo cho các tổ chức quản lý kinh doanh điện năng trên địa bàn tỉnh nội dung nêu trên; tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, tổng hợp, bảo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 20/12/2022./. 

Hải Nam - Hoàng Trang