Sau gần 6 năm thực hiện, chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã nằm trong top dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm và tạo ra những tác động tích cực đến nền kinh tế - xã hội trong tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung. Cho thấy chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất theo tập quán, nhỏ lẻ sang sản xuất kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống ở khu vực nông thôn theo các quy định của pháp luật... Chương trình OCOP cũng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 54 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó có 53 sản phẩm 03 sao và 01 sản phẩm 04 sao (miến gạo Thăng Long, huyện Nông Cống); có 43 sản phẩm thực phẩm, 06 sản phẩm đồ uống, 03 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 01 sản phẩm thảo dược, 01 sản phẩm sinh vật cảnh của 49 chủ thể sản xuất (gồm: 08 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã, 01 tổ hợp tác, 24 hộ sản xuất kinh doanh).
Lũy kế từ khi triển khai chương trình OCOP đến tháng 7 năm 2024, toàn tỉnh có 517 sản phẩm OCOP, trong đó: có 459 sản phẩm 3 sao, 57 sản phẩm 4 sao, 01 sản phẩm 5 sao (sản phẩm Mắm tôm Lê Gia, Công ty TNHH thực phẩm và TMDV Lê Gia, huyện Hoằng Hóa); có 402 sản phẩm thực phẩm, 34 sản phẩm đồ uống, 57 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 23 sản phẩm thảo dược, 01 sản phẩm sinh vật cảnh của 384 chủ thể sản xuất (gồm: 76 doanh nghiệp, 116 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác và 181 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh). Trên cơ sở khảo sát đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả về quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng (khoảng 15-20%/năm). Riêng 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 54 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó có 53 sản phẩm 03 sao và 01 sản phẩm 04 sao (miến gạo Thăng Long, huyện Nông Cống); có 43 sản phẩm thực phẩm, 06 sản phẩm đồ uống, 03 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 01 sản phẩm thảo dược, 01 sản phẩm sinh vật cảnh của 49 chủ thể sản xuất (gồm: 08 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã, 01 tổ hợp tác, 24 hộ sản xuất kinh doanh).
Hiện nay, tại 27 huyện, thị xã, thành phố có 304 xã, phường, thị trấn đã xây dựng được sản phẩm OCOP; trong đó: 06 địa phương có từ 30 sản phẩm OCOP trở lên (gồm: huyện Thọ Xuân và huyện Yên Định mỗi địa phương 38 sản phẩm, huyện Nga Sơn 37 sản phẩm, huyện Hoằng Hóa 36 sản phẩm, thành phố Thanh Hóa 33 sản phẩm, huyện Thiệu Hóa 30 sản phẩm); có 07 địa phương có từ 20 đến dưới 30 sản phẩm (gồm: huyện Triệu Sơn 29 sản phẩm, huyện Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn mỗi địa phương 26 sản phẩm, các huyện: Nông Cống, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Như Xuân mỗi huyện 20 sản phẩm); có 08 địa phương có từ 10 đến dưới 20 sản phẩm (gồm: huyện Thạch Thành 19 sản phẩm, huyện Hậu Lộc 17 sản phẩm, huyện Đông Sơn 15 sản phẩm, các huyện: Như Thanh, Ngọc Lặc mỗi huyện 13 sản phẩm; các huyện Thường Xuân, Cẩm Thủy mỗi huyện 11 sản phẩm, huyện Bá Thước 10 sản phẩm); có 06 địa phương có dưới 10 sản phẩm OCOP (gồm: huyện Quan Sơn 09 sản phẩm; thành phố Sầm Sơn 07 sản phẩm; các huyện Quan Hóa, Lang Chánh mỗi huyện 06 sản phẩm; huyện Mường Lát 04 sản phẩm; thị xã Bỉm Sơn 03 sản phẩm).
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP luôn được tỉnh quan tâm; từ đầu năm 2024 đến nay, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 40 gian hàng OCOP tại sự kiện Tuần Văn hóa, Du lịch Điện Biên - Thanh Hóa, tổ chức tại thành phố Thanh Hoá; tổ chức không gian quảng bá sản phẩm OCOP tại Quảng Trường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa; tham gia 01 gian hàng Hội báo toàn quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh; tham gia 02 gian hàng ngày hội kết nối cung - cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn, giới thiệu sản phẩm OCOP tại tỉnh Thái Nguyên; tuyên truyền trên website và fanpage OCOP tỉnh Thanh Hóa; hầu hết các sản phẩm OCOP đều được quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử lớn như: Voso.vn, Posmart.vn, Shopee, Tiki,... Nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: Cói (huyện Nga Sơn), Quế Ngọc (huyện Thường Xuân), Bưởi Luận Văn, Bánh lá răng bừa, Bánh gai Tứ Trụ (huyện Thọ Xuân), Nước mắm Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), Cam Vân Du (huyện Thạch Thành), Chè lam Phủ Quảng (huyện Vĩnh Lộc), Tương Làng Ái ( huyện Yên Định)…
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 23 sản phẩm OCOP được xuất khẩu, như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; ống hút tre (Công ty VIBABO) xuất khẩu vào Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ; đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ cói của Công ty Việt Anh xuất khẩu trực tiếp và bán tại 40 siêu thị ở Hoa Kỳ; sản phẩm từ tre của công ty TNHH sản xuất và thương mại BambooVina xuất khẩu đi các thị trường Châu Âu, Đức, Mỹ; dứa, ngô ngọt đóng hộp Trường Tùng xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia…
Đáng chú ý, một số địa phương còn hỗ trợ để các thành phần kinh tế xây dựng cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP, như: Huyện Hoằng Hóa, huyện Vĩnh Lộc, huyện Nông Cống, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa... Cụ thể, thị xã Nghi Sơn đã khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng được cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các phường trên địa bàn. Qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo thêm cơ hội để người dân tiếp cận, sử dụng những sản phẩm OCOP trong, ngoài tỉnh.
Để thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có Nghị quyết 185/2021/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025. Theo đó, quy định hỗ trợ một lần, với mức 75 triệu đồng/sản phẩm để hỗ trợ quảng bá, tuyên truyền; thiết kế mẫu mã, mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Cùng với đó, các địa phương cũng xây dựng những cơ chế riêng để hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn cho khoảng hơn 10 nghìn lượt lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, đoàn thể các cấp, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất; hỗ trợ các chủ thể đưa sản phẩm OCOP tham gia các sự kiện tổ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Ðể phát triển sản phẩm OCOP bền vững, trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chú trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh... Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP./.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.