Ngày 09/6/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Phiên họp chuyên đề tháng 6/2021. Tham dự có đồng chí Đỗ Minh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng các đồng chí: Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên UBND tỉnh; Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng các Đoàn thể, Giám đốc các Sở, ngành cấp tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày các báo cáo, đề án
Mở đầu phiên họp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày các báo cáo, đề án: Cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025. Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, giai đoạn 2021 – 2030.
Theo báo cáo, nội dung Cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 – 2025, sẽ có 11 chính sách hỗ trợ trọng tâm, gồm: 1. Hỗ trợ du nhập, khảo nghiệm các giống cây trồng mới; 2. Hỗ trợ sản xuất rau an toàn và hoa; 3. Hỗ trợ sản xuất cây ăn quả tập trung; 4. Hỗ trợ phát triển rừng trồng thâm canh, tập trung; 5. Hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên; 6. Hỗ trợ máy dò cá ngang cho các tàu làm nghề lưới vây, chụp khai thác hải sản xa bờ; 7. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ vật liệu mới trong đóng mới, nâng cấp hầm bảo quản sản phẩm khai thác hải sản cho các tài cá đánh bắt, hậu cần đánh bắt xa bờ; 8. Hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; 9. Hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất tập trung; 10. Hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê cấp IV, cấp V, đê chưa phân cấp trên địa bàn tỉnh; 11. Hỗ trợ phát triển sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu ý kiến tại phiên họp
Với báo cáo này, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Đây là chương trình trọng điểm của tỉnh, liên quan đến toàn bộ sự phát triển lĩnh vực nông nghiệp. Nên khi ban hành cơ chế cần phải làm rõ, đi sâu phân tích từng chính sách cụ thể. Ví dụ như chính sách đầu tiên, phải chú trọng vấn đề cơ chế hỗ trợ, mức hỗ trợ cần phù hợp với tình hình thực tiễn, nhưng nằm trong khoảng 1/3 số tiền đầu tư dự án. Chính sách thứ 2, cần phải làm rõ từng điều kiện cụ thể, thỏa mãn được các yêu cầu hỗ trợ. Chính sách thứ 3, cần phải hoàn tất bản đồ phong hóa để có căn cứ ban hành chính sách… Ngoài ra, đơn vị soạn thảo cần liệt kê các chính sách về sự hỗ trợ phát triển nông nghiệp của Trung ương đã ban hành mà Thanh Hóa đang được thụ hưởng. Làm rõ các chính sách trên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020 không còn phù hợp, cần chấm dứt; những chính sách nào vẫn còn hiệu quả có thể tiếp tục triển khai. Từ đó, có định hướng ban hành những cơ chế, chính sách của tỉnh phù hợp với giai đoạn 2021 – 2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, hoàn chỉnh lại báo cáo, trình UBND tỉnh xem xét trong thời gian tới. Giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang phụ trách, rà soát lại báo cáo và cho ý kiến, thẩm định để UBND tỉnh trình BTV Tỉnh ủy xem xét.
Đại diện lãnh đạo Sở Tài chính phát biểu ý kiến
Với Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, giai đoạn 2021 – 2030, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp thu ý kiến tại hội nghị, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh hoàn chỉnh lại báo cáo đề án. Trong đó, cần xác định rõ các tiêu chí của các sản phẩm chủ lực, trên cơ sở đó, ban hành 13 sản phẩm chủ lực. Ngoài ra, cần sắp xếp các sản phẩm chủ lực thành 3 nhóm chủ yếu, gồm: Nhóm sản phẩm trồng trọt, nhóm sản phẩm chăn nuôi và nhóm sản phẩm thủy hải sản.
Chiều cùng ngày, Giám đốc Sở Xây dựng trình bày báo cáo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Với nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với nội dung của chương trình đề ra. Đồng chí, yêu cầu Sở Xây dựng hoàn thiện lại Tờ trình UBND tỉnh, trong đó có giải thích thêm trong phần đầu về sự cần thiết của Chương trình, để từ đó có căn cứ cần thiết ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Về giải pháp, cần sắp xếp lại cho phù hợp, trong đó cần đưa giải pháp về kiến trúc, quy hoạch lên hàng đầu, đồng thời bổ sung thêm giải pháp về quản lý nhà nước về quy hoạch.
Đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho ý kiến tại phiên họp
Tiếp đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày báo cáo Đề án thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025. Theo đề án, trong giai đoạn 2021 - 2030, Thanh Hoá phấn đấu kêu gọi thu hút và triển khai được từ 31 dự án theo phương thức PPP trở lên với tổng vốn đầu tư khoảng 58.520 tỷ đồng trở lên; trong đó ưu tiên các lĩnh vực: giao thông, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải…
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh cùng hội nghị thống nhất với nội dung đề án do Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng. Giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi rà soát hoàn chỉnh lại đề án để trình BTV Tỉnh ủy xem xét.
Tiếp đó, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trình bày Kế hoạch thực hiện sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận phiên họp
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh đây là Kế hoạch thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở tổng thể của đề án; UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ làm căn cứ phê duyệt phương án sắp xếp các trường trên địa bàn huyện. Sở Giáo dục và Đào tạo hoàn chỉnh lại đề án, báo cáo UBND tỉnh xem xét phê duyệt./