26/06/2024 lúc 17:37 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Phát huy tiềm năng, hiệu quả các sản phẩm OCOP

Thanh Hóa là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, ngành nghề và du lịch nông thôn gắn với điều kiện sản xuất, văn hóa truyền thống đề phát triển Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Các sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Thanh Hóa được giới thiệu và quảng bá

Động lực phát triển kinh tế nông thôn 

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chương trình đã khơi được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm đặc trưng vùng miền của các địa phương. Sản phẩm OCOP đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần giúp chủ thể tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Các sản phẩm OCOP 3 sao

Đến nay Thanh Hóa đã có 485 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao, 57 sản phẩm 4 sao và 427 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác được thế mạnh địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể như: Cói Nga Sơn, quế Ngọc Châu Thường, bánh lá răng bừa Xuân Lập, bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân), cam Vân Du (Thạch Thành), tương Làng Ái (Yên Định), nước mắm và mắm tôm Lê Gia (Hoằng Hóa), miến gạo Thăng Long (Nông Cống)… Với kết quả này, tỉnh Thanh Hóa chỉ xếp sau thành phố Hà Nội và vươn lên đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.

Trong số 485 sản phẩm OCOP, hiện nay tỉnh Thanh Hóa có trên 23 sản phẩm OCOP xuất khẩu 17 nước như: thị trường Châu Âu; Đức, Mỹ, Úc, Nga, Pháp, Trung Quốc, Australia, Thụy sĩ, Thụy điển, Canada, Bồ Đào Nha…. Đây là minh chứng cho những nỗ lực trong việc triển khai Chương trình OCOP ở Thanh Hóa”

Có được kết quả trên, trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP Thanh Hóa luôn chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá. Cụ thể là đã đa dạng công tác truyền thông với các hình thức tiếp cận khác nhau: truyền hình, báo chí Trung ương và địa phương, giới thiệu các sản phẩm OCOP qua từng năm và bản tin sản xuất, thị trường và tiêu thụ sản phẩm OCOP Thanh Hóa, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn… Nhờ đó các sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa được nhiều khách hàng tiếp cận. Bên cạnh đó Thanh Hóa còn chú trọng chương trình xúc tiến thương mại, phát triển các điểm bán hàng, tổ chức các hội nghị, hội chợ, lễ hội, xây dựng các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm. Vì thế, nhiều chủ cơ sở kết nối được cung cầu, cung ứng các sản phẩm của mình cho khách hàng một cách hiệu quả nên doanh thu ngày càng tốt hơn. Thanh Hóa phấn đấu đến cuối năm 2024 đạt thêm 120 sản phẩm như kế hoạch đề ra.

Sản phẩm OCOP thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân. Sau khi thực hiện chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, được thị trường ưa chuộng như: Bánh gai tứ trụ, Bánh răng bừa, Miến gạo Thăng Long, nước mắm... Một số sản phẩm đã được chế biến sâu bằng ứng dụng công nghệ cao tạo giá trị gia tăng cao như: Bộ dụng cụ nhà bếp, Ghế tre thư giãn cao cấp, Xe đạp BamVina, Đĩa đựng rau Salad Việt Anh…. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đã khẳng định vai trò quan trọng đối với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương và được xem như kết quả cuối cùng của tiêu chí tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xã NTM. 

Để chương trình OCOP lan tỏa và hiệu quả hơn nữa 

Chương trình OCOP tiếp tục khẳng định là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí nâng cao thu nhập, tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương, đồng thời tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, góp phần triển khai thành công chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.  

Theo quy định của chương trình, thời hạn công nhận sản phẩm OCOP là 36 tháng kể từ ngày được cấp có thẩm quyền ký quyết định công nhận. Do đó, bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, ngành nông nghiệp và các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để các chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP và có trách nhiệm đối với việc đề nghị đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP. Các chủ thể cần chủ động, tích cực cân đối nguồn lực, tiếp tục đăng ký đánh giá lại đối với các sản phẩm sắp đến hạn 36 tháng để duy trì và khẳng định thương hiệu, góp phần xây dựng hệ sinh thái sản phẩm OCOP chất lượng, hiệu quả, bền vững. 

Có thể nói, Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Chương trình OCOP đã trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn, thúc đẩy trách nhiệm và năng lực sản xuất, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm của các chủ thể, nhất là các tổ chức kinh tế, HTX, Doanh nghiệp trong tổ chức. Đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế “xanh”, phát triển các vùng sản xuất nông sản “sạch”, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, trọng tâm là tăng cường rà soát, khuyến khích, hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp sản phẩm mới, thực hiện tư vấn hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất, quản lý chất lượng, hoàn thiện nhãn mác, bao bì, hồ sơ sản phẩm để đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp huyện, tỉnh. Tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung thực hiện tốt chủ trương phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp như hợp tác xã, tổ hợp tác để kích thích quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, giúp tăng thu nhập và phát triển đời sống của người sản xuất”./.

Ngọc Thể - Đỗ Thanh