Thực hiện mục tiêu đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng bám sát thực tế, nhu cầu của nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thực hiện mục tiêu đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng bám sát thực tế, nhu cầu của nông dân. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông, kịp thời nắm bắt, tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cập nhật năng lực làm chủ các ứng dụng mới, kỹ năng sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là nền tảng quan trọng tạo cơ sở để việc chuyển giao cho người dân đạt hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu sản xuất, đáp ứng các mục tiêu phát triển. Trong đó, tập trung xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó chất lượng hoạt động khuyến nông ngày được nâng cao, giúp bà con nông dân, ngư dân phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa qua, Trung tâm Khuyên nông tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi cá hồng Mỹ, cá chẽm trong ao, hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm tại huyện Nga Sơn và TP Sầm Sơn với tổng diện tích nuôi 10.000m2. Theo đó, với hình thức nuôi cá hồng Mỹ, cá chẽm thâm canh cho ăn thức ăn công nghiệp 100%, sau 10 tháng nuôi cá đạt kích cỡ 900g - 1.200g. Khi cá đạt trọng lượng từ 1kg trở lên, giá bán dự kiến là 80.000 - 100.000 đồng/kg, doanh thu từ 700 triệu đến 800 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ 140 triệu đến 160 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi cá hồng Mỹ, cá chẽm tận dụng được các ao, hồ, nhất là các ao bỏ hoang, tận dụng được các đầm nuôi tôm đang bị ô nhiễm. Bên cạnh thức ăn công nghiệp viên nổi, nhiều hộ dân nuôi cá hồng Mỹ, cá chẽm sử dụng cá tạp làm thức ăn cho cá và cho hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả từ mô hình nuôi thương phẩm cá hồng Mỹ, cá chẽm trong ao/hồ gắn với tiêu thụ sản phẩm đã góp phần đa dạng đối tượng nuôi thủy sản mặn, lợ. Các hộ nuôi được ứng dụng kết quả của dự án đã tiếp cận với phương thức nuôi mới, phù hợp với xu hướng, hiệu quả khi tham gia mô hình nuôi cá hồng Mỹ, cá chẽm trong ao/hồ theo hướng thâm canh.
Hằng năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và các tổ chức đoàn thể, chính trị triển khai công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến bà con nông dân. Theo đó, từ đầu năm 2022 đến nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức xây dựng hơn 20 mô hình trình diễn ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật ở nhiều địa phương trong tỉnh nhằm phổ biến, chuyển giao các tiến bộ mới trong sản xuất. Tại hầu hết các mô hình, nông dân được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ về vật tư sản xuất, do đó năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 20% trở lên so với sản xuất truyền thống. Sau thời gian trình diễn mô hình, nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng, trở thành sinh kế của người dân.
Có thể nói, thông qua đào tạo, xây dựng mô hình trình diễn, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất mới về với bà con nông dân đã góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất cho nông dân, giúp nông dân thay đổi từ phương thức canh tác phân tán, nhỏ lẻ sang vùng sản xuất tập trung tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao. Việc lan tỏa những mô hình khuyến nông hiệu quả chính là đòn bẩy, khuyến khích nông dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, chỉ đạo và hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện xây dựng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP/VietGAHP; bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với chuyển đổi số; kinh tế thị trường, thúc đẩy liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi, kinh tế hợp tác; phát triển ngành nghề nông thôn theo chương trình OCOP.