24/12/2024 lúc 10:38 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hoá: Nên xem xét lại việc tồn tại của các DN trong CCN Bãi Bùi huyện Lang Chánh

VNHN - Kể từ khi CCN Bãi Bùi đóng trên địa bàn xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá đi vào hoạt động, cũng là lúc hàng loạt hệ luỵ kéo theo, khiến chính quyền và người dân nơi đây không khỏi đau đầu và luôn sống trong nỗi lo âu, bức xúc. Tuy cụm công nghiệp này có đóng góp một phần nhỏ trong việc thu ngân sách cũng như giải quyết công ăn việc làm và tiêu thụ nguồn nguyên liệu lâm sản cho địa phương.

VNHN -  Kể  từ khi CCN Bãi Bùi đóng trên địa bàn xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá đi vào hoạt động, cũng là lúc hàng loạt hệ luỵ kéo theo, khiến chính quyền và người dân nơi đây không khỏi đau đầu và luôn sống trong nỗi lo âu, bức xúc. Tuy CCN này có đóng góp một phần nhỏ trong việc thu ngân sách cũng như giải quyết công ăn việc làm và tiêu thụ nguồn nguyên liệu lâm sản cho địa phương.

Đường ống xả thải chưa qua xử lý của Công ty TNHH sản xuất Thương mại và Vận tải Tuấn Vinh

 

Sau khi được tỉnh Thanh Hoá chấp thuận về mặt chủ trương, năm 2011, UBND huyện Lang Chánh đã tiến hành lập và phê duyệt chi tiết xây dựng CCN Bãi Bùi, xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh, tại Quyết định số 846/QĐ-UBND, ngày 21/3/2011, với tổng diện tích là 21,7 ha và được điều chỉnh mở rộng thêm 20ha tại Nghị quyết số 60/2017/NQ-HĐND về việc quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện cụm công nghiệp này đã có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động, với nguồn ngân sách đóng góp hàng năm cho địa phương trên dưới 1 tỷ đồng, giải quyết một phần công ăn việc làm cho lao động  cũng như tiêu thụ một phần nguồn nguyên liệu từ cây luồng và lâm sản khác. Trong đó tập trung sản xuất, kinh doanh, chủ yếu ở lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản như: Chế biến nan thanh, chế biến tre, luồng làm ván sàn, sản xuất than hoạt tính, giấy vàng mã, tăm xiên.

 

Bể chứa nước thải của HTX chế biến Lâm sản Lang Chánh

 

Tuy nhiên cũng  kể từ khi các doanh nghiệp này đi vào sản xuất là hàng loạt hệ luỵ kéo theo như: Ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng giao thông, bởi hàng loạt xe tải nặng chở nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và việc xả thải khi chưa qua xử lý cùng những vụ việc được cho là  sự cố về môi trường, khiến người dân khốn đốn còn chính quyền thì đau đầu.

Đỉnh điểm là vào năm 2017, Công ty TNHH sản xuất thương mại và vận tải Tuấn Vinh  đã xây dựng đường ống  nhựa PVC D150 xả thải ra dòng sông Âm khi chưa qua xử lý, làm cá chết hàng loạt, bị UBND tỉnh Thanh Hoá xử phạt vi phạm hành chính 160 triệu đồng và đình chỉ hoạt động 3 tháng. Vụ việc cũng xảy ra với HTX chế biến lâm sản Lang Chánh, khiến cá cũng chết trắng trên sông Âm, đoạn chảy qua xã Giao An, kéo theo hàng trăm con vịt chết theo, do ăn phải cá chết trong ngày 27/7/2016.

Nguyên nhân sau đó được xác định do sự cố mất điện, khiến chất thải chưa qua xử lý tràn khỏi bể chứa ra sông. Hoặc vụ việc Công ty cổ phần lâm sản Lang Chánh chưa xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải nhưng đã đi vào hoạt động, đầu tư thêm 2 dây truyền sản xuất giấy vàng mã khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định. Ngoài 3 vụ việc điển hình về vi phạm môi trường nói trên, cả 3 doanh nghiệp hiện đang sản xuất, kinh doanh tại cụm công nghiệp này, cũng mắc phải nhiều vi phạm về môi trường khác, đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ ra, trong những lần thanh kiểm tra khác.  

 

Con đường đi vào CCN Bãi Bùi bị xe tải chở hàng, chở nguyên liệu cày nát

 

Không chỉ gây ô nhiễm môi trường, hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã Quang Hiến cũng bị hư hỏng nặng, đặc biệt là tuyến đường nối từ tỉnh lộ 530 vào CCN Bãi Bùi, do xe tải nặng chở nguyên vật liệu và hàng hoá phục vụ CCN gây ra. Mặt đường nhiều chỗ lún sâu, tạo thành rãnh lớn, cản trở nghiêm trọng tới việc tham gia giao thông của người dân nơi đây. Vào những ngày mưa đường trơn trượt, bùn đất cụn thành từng đống nhão nhoét, nắng lên là  bụi lại bay mù mịt, ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và khiến người dân không khỏi bức xúc. Điều đáng nói là, con đường đi vào Cụm công nghiệp này cũng chính là con đường dân sinh.

Lãnh đạo huyện Lang Chánh nói gì?

Đem những bất cập nói trên Pv trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh. Ông Hồng thừa nhận những bất cập về mặt môi trường đang làm đau đầu chính quyền nơi đây. Tuy nhiên việc nên để hay không nên để việc tiếp tục tồn tại của CCN này, lại thuộc thẩm quyền của tỉnh. Cũng theo ông Hồng, hiện nay việc đầu tư công nghệ cho xử lý môi trường của các doanh nghiệp trong CCN là rất tốn kém, nên rất khó chấm dứt những vi phạm nói trên. Riêng với hệ thống đường giao thông nối từ tỉnh lộ 530 vào CCN, hiện tỉnh Thanh Hoá đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp, huyện Lang Chánh đang trình tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ông cũng mong muốn nên chăng tỉnh cần xem xét lại và cho thôi hoạt động của các doanh nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến môi trường như việc sản xuất giấy hàng mã.

Phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên muốn phát triển bền vững thì sản xuất kinh doanh phải đi đôi với bảo vệ môi trường và theo như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "không nên thu hút đầu tư bằng mọi giá". Phải chăng đã đến lúc UBND tỉnh Thanh Hoá cần phải xém xét lại  một cách thấu đáo, việc hoạt động và sự tồn tại hiện nay của các doanh nghiệp tại CCN Bãi Bùi, cũng như việc cấp phép cho các DN vào hoạt động trong thời gian tới, sau khi CCN này đã được điều chỉnh mở rộng./.