11/01/2025 lúc 16:49 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Lập phương án đảm bảo lương thực phẩm cho huyện Nông Cống trong thời giãn cách theo Chỉ thị 16

Ngày 30/8/2021, Sở NN&PTNT Thanh Hóa ban hành phương án 3892/PA- SNN&PTNT cung cấp lương thực, thực phẩm cho huyện Nông Cống trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid 19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 30/8/2021, Sở NN&PTNT Thanh Hóa ban hành phương án 3892/PA- SNN&PTNT cung cấp lương thực, thực phẩm cho huyện Nông Cống trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid 19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay khi phát hiện ca bệnh nhiễm Covid 19 lây nhiễm trong cộng đồng, chiều ngày 24/8/2021, huyện Nông Cống đã thực hiện giãn cách xã hội toàn huyện theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, riêng các xã Tế Nông, Hoàng Giang, các thôn Thọ Đông - xã Thăng Thọ, thôn Thanh Liêm- xã Hoàng Sơn thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 25/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3281/QĐ-UBND quyết định toàn huyện Nông Cống cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thời gian 15 ngày, tính từ 16h ngày 25/8/2021 để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid 19 trên địa bàn huyện.

Nông Cống là huyện thuần nông, tỷ lệ nông dân sản xuất ra lương thực, thực phẩm để có thể tự túc, tự cấp khá cao. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh bất ngờ, mức độ áp dụng các biện pháp quyết liệt, nhanh chóng dẫn đến công tác chuẩn bị dự trữ, phân phối lương thực, thực phẩm trong nhân dân sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhất là các mặt hàng nông sản tươi sống, thời gian bảo quản ít. Hoạt động giao thương nông sản, thực phẩm trên địa bàn huyện chủ yếu thông qua các chợ tuyến huyện, tuyến xã; dịch vụ mua bán vận chuyển hàng hóa thông qua hệ thống shiper (giao hàng trực tiếp) rất ít; các cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn huyện chủ yếu mới đáp ứng được khâu xay xát lúa gạo; bên cạnh đó có một bộ phận các hộ gia đình không tự sản xuất và tích trữ lương thực, không có sẵn nguồn thực phẩm trong nhà, gặp diễn biến bất ngờ trong điều kiện giãn cách xã hội sẽ bị thiếu hụt.

Toàn huyện Nông Cống hiện có trên 180 nghìn nhân khẩu, phân bố ở 29 đơn vị hành chính cấp xã, số hộ ước tính khoảng 45.000 hộ; Tổng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong khoảng thời gian 15 ngày cách ly ước tính khoảng: 900 tấn gạo, 540 tấn rau củ quả, 22,5 tấn lạc nhân, 149,7 tấn thịt lợn, 40,4 tấn thịt gà, 720 nghìn quả trứng gà vịt, 180 tấn cá, 13,5 tấn muối, 22.500 lít nước mắm.

Khả năng đáp ứng tại chỗ gặp khó khăn do việc giãn cách, cách ly diễn ra khẩn trương, nhân dân không kịp chuẩn bị dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết, việc mua bán sẽ không diễn ra trên địa bàn nên nhân dân không tiếp cận được hàng hóa. Vì vậy dự báo sẽ có khoảng 42.000 người không tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm và sẽ thiếu trong khoảng thời gian từ 7-10 ngày, cụ thể: lương thực cần thêm 160 tấn, rau quả cần thêm 270 tấn, lạc nhân thiếu hụt khoảng 12,5 tấn, trứng thiếu hụt khoảng 137 nghìn quả, cá thiếu hụt khoảng 150 tấn, muối cần 13,5 tấn, nước mắm thiếu hụt khoảng 5.000 lít, riêng thịt lợn và thịt gia cầm đáp ứng đủ trong nhân dân.

Căn cứ trên số liệu thống kê thực tế, Sở NN&PTNT Thanh Hóa giao Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật; Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Chi cục Thủy sản; Chi cục quản lý chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản tham mưu phối hợp với các hiệp hội, công ty, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất khẩn trương xây dựng phương án cung ứng lương thực, thực phẩm đủ số lượng, chủng loại, kịp thời, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng; Cấp phát đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không bỏ sót, không lợi dụng dịch bệnh để gian lận, trục lợi; Tổ chức vận chuyển, tập kết, phân phối, cấp phát đảm bảo an toàn, đúng quy định trong phòng chống dịch bệnh.

UBND huyện Nông Cống triển khai tổ chức rà soát, tổng hợp nhu cầu từng loại nông sản thực phẩm, đề xuất khối lượng, thời gian cấp địa điểm cấp, Báo cáo về UBND tỉnh, ban chỉ đạo chống dịch Covid 19 tỉnh; đồng thời gửi Sở Nông nghiệp và PTNT. Đề xuất của huyện Nông Cống phải gửi trước khi có yêu cầu nhận hàng tối thiểu 24 tiếng. Tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn địa điểm giao hàng, tổ chức lực lượng phân phối hàng hóa đến tay nhân dân, không để nhân dân tự đến lấy. Kết hợp với tiếp nhận; chủ động tổ chức thu hái, chế biến nông sản tại chỗ và điều tiết cấp phát cho các hộ dân có nhu cầu. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, ban chỉ đạo chống dịch Covid 19 tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT.

Riêng đối với các mặt hàng rau, củ, quả và lạc nhân, Sở NN&PTNT Thanh Hóa giao cho Hiệp hội doanh nghiệp nông nghiệp an toàn và hữu cơ tỉnh Thanh Hóa chủ động điều tiết, phân công công ty thành viên trong hiệp hội thu gom hàng hóa và vận chuyển tới vị trí cấp phát, thực hiện đầy đủ các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các đơn vị được chỉ định huy động, vận chuyển hàng hóa khẩn trương xây dựng phương án chi tiết, chuẩn bị sẵn nguồn hàng, xe vận chuyển, người vận chuyển; chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng hàng hóa; thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh cả ơ nơi tập kết hàng hóa, quá trình vận chuyển và giao nhận, cấp phát hàng hóa./.