Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân TP. Thanh Hóa và huyện Đông Sơn; lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP. Thanh Hóa và huyện Đông Sơn qua các thời kỳ; các đoàn đại biểu TP. Hội An, TP. Vinh, TP. Hà Tĩnh, TP. Tam Điệp, TP. Ninh Bình.
Đồng chí Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Thanh Hóa nêu rõ: TP. Thanh Hóa là một trong những cái nôi của người Việt cổ, vùng đất của nền văn hóa Đông Sơn rạng rỡ gắn với địa danh di chỉ khảo cổ học núi Đọ và truyền thuyết Bàn Chân Tiên. Với tầm nhìn chiến lược, năm 1804 từ “Lỵ sở” ở làng Dương Xá, vua Gia Long đã thành lập trấn thành Thanh Hoa và dời về làng Thọ Hạc, lấy tên là Hạc Thành. Qua 220 năm xây dựng và phát triển, lịch sử đã khẳng định TP. Thanh Hóa không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh trong nhiều thế kỷ mà còn là nơi sản sinh ra nhiều anh hùng, hào kiệt, văn nhân, võ tướng cho đất nước.
Trong suốt quá trình đấu tranh giành chính quyền giai đoạn 1930 - 1945, thị xã Thanh Hóa là một trong những địa bàn hoạt động sôi nổi và mạnh mẽ của các tổ chức cách mạng. Ngay khi được thành lập, Đảng bộ thị xã đã tập hợp lực lượng, lãnh đạo quân và dân khắc phục khó khăn, gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu được tặng thưởng Huân chương chiến sĩ hạng 3, chiến sĩ thi đua, Huy hiệu Hồ Chủ tịch.
Trong những năm xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đóng góp nhiều sức người, sức của góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Thanh Hóa, Đảng, Nhà nước đã phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh: Qua 5 lần mở rộng địa giới hành chính, dân số thành phố hôm nay đã tăng lên trên 650.000 người, đứng 2/19 các đô thị loại I về quy mô dân số, diện tích tự nhiên là 228,22 km2, đứng thứ 9/19 đô thị loại I cả nước. Đặc biệt, sự kiện huyện Đông Sơn nhập về TP Thanh Hóa đánh dấu mốc quan trọng, tạo ra lợi thế lớn cho kết nối giao thương và mở rộng không gian phát triển đô thị của thành phố mới, tạo tiền đề để TP. Thanh Hóa vươn mình phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới.
Trấn thành xưa và TP. Thanh Hóa hôm nay sẽ mãi là niềm tự hào của xứ Thanh, của người dân thành phố. Càng tự hào, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thành phố càng xác định rõ trách nhiệm của mình, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2025 - 2030, nỗ lực vươn mình mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới, xây dựng thành phố đến năm 2030 trở thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, thành phố “đáng sống”, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước bước vào “Kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Tại lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Thanh Hóa đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thừa ủy quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã trao Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho TP. Thanh Hóa.
Theo Nghị quyết số 1238, sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 82,87 km2, quy mô dân số là 101.272 người của huyện Đông Sơn vào TP. Thanh Hóa; thành lập 4 phường thuộc TP. Thanh Hóa là phường Rừng Thông, phường Đông Thịnh, phường Hoằng Quang, phường Hoằng Đại và nhập phường Tân Sơn vào phường Phú Sơn. Sau khi sắp xếp, TP. Thanh Hóa có 47 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 33 phường và 14 xã.
Tại lễ kỷ niệm, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định công nhận huyện Đông Sơn đạt danh hiệu huyện kiểu mẫu cho Nhân dân và cán bộ huyện Đông Sơn.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: TP. Thanh Hóa là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, chính trị và khoa học - kỹ thuật của tỉnh; đô thị cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ với Bắc Trung bộ, là đầu mối giao lưu của tỉnh với cả nước; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh; nơi hội tụ những giá trị truyền thống, tinh thần dân tộc và ý chí cách mạng của người dân xứ Thanh.
Cách đây 220 năm, vào năm 1804, từ “Lỵ sở” ở làng Dương Xá, vương triều Nguyễn đã cho thành lập trấn thành Thanh Hoa và dời về làng Thọ Hạc, lấy tên là Hạc Thành. Từ Hạc Thành đến Thành phố ngày nay, trải qua các giải đoạn lịch sử, nhân dân TP. Thanh Hóa đã nỗ lực phấn đấu, từng bước đưa Thành phố tiến cùng với sự phát triển của quê hương, đất nước. Đặc biệt, với nhiều lần thay đổi địa điểm và tên gọi, đến năm 1994 thị xã Thanh Hóa được nâng cấp lên thành phố. Thời kỳ đổi mới, sau 20 năm kiến thiết, TP. Thanh Hóa đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2014.
Sau 30 năm kể từ ngày thành lập, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp tạo điều kiện của các địa phương và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, với tinh thần "Cả tỉnh vì thành phố - thành phố vì cả tỉnh"; qua nhiều lần mở rộng không gian đô thị, đến nay TP. Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện về mọi mặt, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, một trong những đô thị lớn, năng động của khu vực và cả nước.
Với những thành tựu và đóng góp quan trọng của mình, TP. Thanh Hóa đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý và đặc biệt tại buổi lễ trọng thể hôm nay, Thành phố vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đó chính là sự ghi nhận, khẳng định tầm vóc và sự trưởng thành của TP. Thanh Hóa - một đô thị lớn trong hệ thống đô thị Việt Nam.
Nhiệm vụ trên chặng đường phát triển mới của TP. Thanh Hóa là rất lớn. Đồng chí yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân Thành phố tiếp tục nỗ lực cố gắng, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nhanh chóng xây dựng và phát triển TP. Thanh Hóa trở thành đô thị văn minh, hiện đại. Đặc biệt, tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý theo quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn, bảo đảm khoa học, có tầm nhìn dài hạn, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển; nâng cao chất lượng thực hiện các quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị đảm bảo đồng bộ giữa xây dựng mới với cải tạo, chỉnh trang các khu vực cũ, khu vực sáp nhập; thực hiện nghiêm công tác quản lý quy hoạch, để TP. Thanh Hóa thực sự là đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp và là trung tâm của khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Thứ hai, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về điều kiện kinh tế, nguồn nhân lực có trình độ cao, TP. Thanh Hóa cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững. Phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi giữa các khu đô thị. Đẩy mạnh chuyển đổi số, huy động và đa dạng các nguồn vốn để đầu tư xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và hoàn thành các nghĩa vụ đối với nhà nước, đảm bảo thu ngân sách trên địa bàn.
Thứ ba, cùng với quan tâm phát triển kinh tế, thành phố cần chú trọng hơn nữa đến các hoạt động văn hóa - xã hội, bảo đảm vệ sinh môi trường, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Xây dựng văn hóa và con người thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện, mến khách, là đại diện tiêu biểu cho hình ảnh tốt đẹp của vùng đất và con người xứ Thanh. Đồng thời, tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chủ động nắm và xử lý tốt các tình huống, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Thứ tư, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh; gắn với hoàn thành các công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 1238 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm các điều kiện để TP. Thanh Hoá và các đơn vị hành chính cấp xã sau khi sắp xếp nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động nền nếp, phát huy hiệu quả; tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2030.
Thứ năm, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố; xây dựng Đảng bộ thành phố thật sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên. Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, cụ thể, quyết liệt, sâu sát thực tế, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao trách nhiệm, sức sáng tạo của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân./.