19/01/2025 lúc 02:39 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Đi lễ đầu năm nhưng không quên phòng chống dịch Covid-19

Đi lễ đầu năm - Một hoạt động tâm linh đã trở thành nét đẹp Văn hóa được duy trì ở nhiều gia đình Việt Nam trong những ngày đầu Xuân. Cũng như nhiều nơi khác, việc đi lễ chùa là một hoạt động thường thấy trong những ngày đầu năm mới tại Thanh Hóa. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, lượng người đổ về Đền, Chùa không đông như mọi năm, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạn

Đi lễ đầu năm - Một hoạt động tâm linh đã trở thành nét đẹp Văn hóa được duy trì ở nhiều gia đình Việt Nam trong những ngày đầu Xuân. Cũng như nhiều nơi khác, việc đi lễ chùa là một hoạt động thường thấy trong những ngày đầu năm mới tại Thanh Hóa. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, lượng người đổ về Đền, Chùa không đông như mọi năm, công tác phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý và phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm di tích lịch sử, Đền, Chùa, danh lam thắng cảnh.

Đi lễ đầu năm nhưng không quên phòng chống dịch Covid-19 tại đền Cửa Đạt, huyện Thường Xuân

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đã có văn bản số 462/SVHTTDL-NSVHGĐ về việc tạm dừng các hoạt động lễ hội, hội xuân để tập trung tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm di tích lịch sử, di tích cách mạng, các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự trên địa bàn trước, trong và sau tết Tân Sửu 2021. Theo đó, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm việc tạm dừng các hoạt động lễ hội; không tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung trên 30 người cùng một thời điểm trong cùng không gian tại các điểm di tích, cơ sở tín ngưỡng thờ tự. Các cấp chính quyền nơi có di tích lựa chọn hình thức phù hợp thực hiện nghi lễ dâng hương đầu xuân tại các điểm di tích theo thông lệ truyền thống đảm bảo trang nghiêm, thành kính với số lượng người phù hợp theo quy định tại Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND, ngày 03/2/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh. Tuyên truyền cho Nhân dân và du khách nắm bắt thông tin về việc tạm dừng tổ chức các hoạt động lễ hội và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, bệnh Covid-19 trong hoạt động tín ngưỡng đầu xuân tại các điểm di tích. Tại các điểm di tích, danh thắng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu có bảng biển hướng dẫn về nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế, Sở Y tế đối với việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thông báo số điện thoại đường dây nóng cần hỗ trợ, báo cáo tình hình dịch bệnh về Sở Y tế; yêu cầu các địa phương trong tỉnh, các đơn vị trực thuộc, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn, kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch tại di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Chuẩn bị nước rửa tay khử khuẩn, bố trí vị trí rửa tay thuận tiện bằng nước sạch với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn cho khách tham quan theo đúng quy định của ngành Y tế; có biện pháp giám sát và đồng thời nhắc nhở du khách tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế

Về công tác triển khai các hoạt động tham quan tại các bảo tàng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn, cần thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bề mặt các khu vực trưng bày, khu làm việc và dịch vụ theo đúng quy định của ngành Y tế. Đảm bảo mức độ thông thoáng tại khu vực tham quan, trưng bày, bán vé, dịch vụ; tổ chức phân luồng, đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, bảo đảm giãn cách an toàn khi tiếp xúc. Chuẩn bị nước rửa tay khử khuẩn, bố trí vị trí rửa tay thuận tiện bằng nước sạch với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn cho khách tham quan theo đúng quy định của ngành Y tế; có biện pháp giám sát và đồng thời nhắc nhở du khách tuân thủ thông điệp “5k” của Bộ Y tế.

Nước sát khuẩn luôn được đặt ngay cổng vào tại Đền thờ Trần Hưng Đạo xã Yến Dương, huyện Hà Trung

Bên cạnh đó, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tất cả các chùa, cơ sở tự viện thực hiện nghiêm các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu; Tất cả mọi người dân khi đến chùa phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn; Theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh, theo chỉ đạo của Chính phủ, của UBND các tỉnh trong việc thực hiện các hoạt động Phật sự tại chùa, sơ sở tự viện tại địa phương; Thực hiện khai báo y tế, tự cách ly và theo dõi sức khỏe nếu đi qua vùng dịch. Nâng cao nhận thức về nguy cơ lây nhiễm, bùng phát của dịch bệnh Covid-19 cho cộng đồng Phật tự và nhân dân.

Tại di tích Đền Cô Chín (Bỉm Sơn) các hộ kinh doanh phục vụ du khách dâng hương tại di tích chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các gian hàng

Đến thăm một số Chùa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như chùa Thanh Hà, Tăng Phúc, Long Nhương, Đại Bi, Thiền Viện Trúc Lâm, chùa Bụt (Hoằng Trường), Đền thờ Trần Hưng Đạo (huyện Hà Trung); Đền Cô Chín (TX Bỉm Sơn); Chùa Giáng, Đền thờ Trần Khát Chân (huyện Vĩnh Lộc),… ngay từ đầu cổng vào, các nhà Chùa, các Đền đều có điểm rửa tay, bàn đặt nước sát khuẩn, mọi người dân khi đến Chùa, Đền đều tuân thủ việc đeo khẩu trang, các biện pháp phòng, chống dịch. tại một số Chùa còn phát thanh các thông báo về công tác phòng chống dịch để mọi người tuân thủ.

Chùa Bụt (Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhân dân chấp hành đeo khẩu trang khi đi lễ đầu năm

Bà Nguyễn Thị Dung - phật tử Chùa Bụt (Hoằng Trường – Hoằng Hóa) chia sẻ: Tôi cũng hay thường xuyên đến Chùa, đặc biệt là dịp đầu xuân năm mới. Nhìn chung sau tết Nguyên đán Tân Sửu năm nay do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mọi người đi lễ Chùa đầu năm hạn chế hơn các năm trước, nhà Chùa đều bố trí biển chỉ dẫn đến nơi có bàn đặt nước sát khuẩn, khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang, giãn cách không được chen lấn, không ngồi tụ tập thành nhóm đông, tuân thủ mọi quy định về phòng chống dịch bệnh ở mức cao nhất. Mọi người đến Chùa năm nay không những cầu tài, cầu lộc, cầu bình an, sức khỏe, mong dịch bệnh nhanh qua đi…

Cùng với sự vào cuộc của các ngành, các địa phương trong tỉnh, người dân và du khách đã, đang và cần tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi đến các điểm di tích, danh thắng. Điều này không chỉ bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân và du khách mà còn góp phần vào công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của tỉnh Thanh Hoá nói riêng, cả nước nói chung./.