19/01/2025 lúc 02:42 (GMT+7)
Breaking News

Thanh Hóa: Dạy và học trực tuyến – cần nỗ lực của thầy, ý thức của trò

Sau một kỳ nghỉ hè dài, hơn 60 nghìn học sinh thành phố của 92 trường từ bậc tiểu học đến THPT bước vào năm học mới 2021-2022 với hình thức dạy và học trực tuyến bởi thời điểm này,

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, không chỉ các trường phổ thông mà các bậc học khác trên địa bàn thành phố Thanh Hóa đều đã điều chỉnh phương thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm này, để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhưng để có được những giờ học online chất lượng và thực sự hiệu quả, cần nỗ lực rất lớn của cả thầy và trò.

Sau một kỳ nghỉ hè dài, hơn 60 nghìn học sinh thành phố của 92 trường từ bậc tiểu học đến THPT bước vào năm học mới 2021-2022 với hình thức dạy và học trực tuyến bởi thời điểm này, việc dạy và học trực tuyến đang là lựa chọn tối ưu với ngành giáo dục thành phố Thanh Hóa trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Học sinh lớp 6A8 trường THCS Quang Trung rất nghiêm túc trong giờ học Tiếng Anh trực tuyến

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường như hiện nay, việc tạm dừng đến trường là một giải pháp vừa để phòng dịch, vừa đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh. Với tinh thần "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", nhiều phụ huynh và thầy cô đã tích cực chuẩn bị hành trang cho con em học tập trong tình hình mới, với hình thức dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên theo thống kê của phòng Giáo dục và đào tạo thành phố, sau gần 2 tuần triển khai học trực tuyến, đối với bậc tiểu học có khoảng 20%, THCS có khoảng 10%, học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện để tiếp cận loại hình dạy và học này, còn đối với bậc THPT thì cơ bản học sinh đáp ứng được xu hướng học online.

Tại trường THCS Quang Trung theo báo cáo của BGH, nhà trường có 100% học sinh theo học trực tuyến. Nhà trường đã triển khai giảng dạy bình thường theo thời khóa biểu năm học mới của từng lớp trên nền tảng công nghệ phần mềm Zoom. Mỗi buổi sáng, học sinh của từng lớp sẽ học từ 3 đến 4 tiết, sau mỗi tiết học 45 phút sẽ có giải lao 5 phút để học sinh vào mật khẩu của môn học khác theo sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm. Do đây không phải là lần đầu tiên nhà trường triển khai việc dạy học online cho học sinh theo chỉ đạo của Nganh giáo dục nên giáo viên của trường đã rút ra nhiều kinh nghiệm để có những giờ học hiệu quả, tạo hứng thú cho học sinh hơn.

Vì sự an toàn của học sinh, toàn ngành Giáo dục thành phố đã kích hoạt việc dạy học trực tuyến, không tập trung đông người tại trường học khi dịch bệnh chưa được kiểm soát. Thuận lợi của năm học này là cả giáo viên và học sinh đã có kinh nghiệm học trực tuyến từ lần dịch đầu năm 2020 nên hầu hết đều không gặp bỡ ngỡ trong khi triển khai. Tuy nhiên, không phải khó khăn không còn. Dù là giải pháp tối ưu, nhưng dạy học trực tuyến vẫn có những hạn chế nhất định như thầy trò ít được tương tác trực tiếp, chất lượng tiết học phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường truyền mạng, kỹ năng sử dụng công nghệ của giáo viên (ngoài vấn đề nghiệp vụ sư phạm). Đặc biệt, dạy học trực tuyến cũng khó tiếp cận với tất cả đối tượng học sinh, vì hiện còn khoảng 20% học sinh tiểu học, 10% học sinh THCS còn khó khăn, không có thiết bị công nghệ để phục vụ học trực tuyến. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, đối với những học sinh không có thiết bị học tập, các thầy cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn học sinh  học qua truyền hình, hoặc  gửi các tài liệu liên quan để học sinh tự học.

Dạy, học trực tuyến được xem là giải pháp phù hợp nhất hiện nay nhằm đảm bảo “giãn cách xã hội” nhưng “không dừng học”. Và để việc dạy học trực tuyến được hiệu quả, không cách nào khác là phụ huynh – nhà trường– học sinh và toàn xã hội cần quyết tâm, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn. Những kiến thức được truyền tải tới học sinh qua lớp học trực tuyến có thể chưa thật đủ đầy so với lớp học truyền thống nhưng cái mà học sinh có được là sự cải thiện kĩ năng công nghệ thông tin; hình thành và phát triển năng lực tự học; năng lực giải quyết vấn đề; tính độc lập,  những năng lực, phẩm chất mà họ chưa có điều kiện để rèn luyện và phát huy tốt trong bối cảnh thông thường./.