Hiện nay, đang bước vào mùa mưa bão, thời tiết, nhiệt độ thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát tán và lây lan, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của nuôi trồng thủy sản lồng bè ở các cửa sông, cửa biển và hồ đập. Để bảo vệ nuôi trồng thủy sản lồng bè, các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nguy cơ rủi ro và tăng hiệu quả trong nuôi trồng.
Xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) hiện có 74 hộ chuyên nuôi cá lồng, với 1.700 lồng bè. Việc nuôi cá lồng trong thời gian qua đã đem lại lợi ích kinh tế, giải quyết việc làm và phát huy được lợi thế, tiềm năng của vùng. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng đang bộc lộ nhiều nguy cơ tiềm ẩn, phát triển thiếu tính bền vững, không theo quy hoạch. Ông Vũ Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn, cho biết: Bước vào mùa mưa bão, xã thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân nuôi cá lồng trên vùng vịnh kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao và chủ động di chuyển hệ thống lồng nuôi về địa điểm an toàn, có điều kiện môi trường thuận lợi. Che chắn lồng bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để thủy sản nuôi không thoát ra ngoài. Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước; bố trí nơi neo đậu lồng bè bảo đảm tuân thủ theo quy định của địa phương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, từng bước giảm số lồng nuôi bảo đảm theo quy hoạch, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và phòng trừ dịch bệnh...
Người dân nuôi cá trên sông Mã
Hiện nay, dọc sông Mã, sông Chu, sông Luồng, sông Lò, sông Cầu Chày, sông Âm, có 1.800 ô lồng nuôi cá của 1.000 hộ nuôi tại các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Thọ Xuân... Ngoài ra, trên một số lòng hồ thủy lợi, thủy điện ở các huyện miền núi cũng đang triển khai các mô hình nuôi cá lồng bè. Phần lớn lồng nuôi được làm bằng vật liệu sẵn có tại địa phương, như: tre, nứa, luồng... Đối tượng nuôi chính là cá trắm cỏ, cá lăng... Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản lồng, bè trên sông, hồ chứa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương trong tỉnh bám sát tình hình thực tế, thường xuyên theo dõi thời tiết và các thông tin dự báo hàng ngày để chủ động trong nuôi trồng thủy sản. Trong thời điểm chuyển mùa có thể xảy ra mưa bão và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm giông tố, lốc xoáy và gió giật mạnh. Do đó, các cơ sở cần tu sửa lồng bè, chằng chống chắc chắn, đảm bảo an toàn cho người làm việc trên bè và thủy sản nuôi. Các cơ sở cần thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của con nuôi, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn vừa đủ, bổ sung các vitamin, khoáng chất nhằm tăng cường sức đề kháng cho con nuôi. Thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện môi trường cho thủy sản nuôi, như: san thưa cá nuôi trong các lồng, tăng cường sục khí để nâng hàm lượng oxy hòa tan, thường xuyên vệ sinh, thay lưới lồng nuôi để bảo đảm lưu thông dòng chảy trong và ngoài lồng nuôi. Trong quá trình nuôi, khi môi trường và thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường, cơ sở nuôi báo ngay cho địa phương để có các biện pháp xử lý kịp thời. Đối với số cá yếu bị sốc do môi trường thay đổi đột ngột và bị chết, tổ chức thu gom, đưa vào bờ chôn lấp và xử lý theo quy định, không tận dụng bán hoặc làm thực phẩm và vứt cá chết trên sông làm ô nhiễm môi trường. Thu hoạch thủy sản nuôi ở các lồng đã đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thất thoát khi có mưa, bão xảy ra. Đối với khu vực nuôi cá lồng trên sông Lạch Bạng và vịnh Nghi Sơn, địa phương sớm có biện pháp vận động các hộ nuôi cá lồng trong khu vực là tự phát, không theo quy hoạch ký cam kết tự giải bản lồng nuôi sau khi thu hoạch vụ nuôi năm 2021.