VNHN - Sáng 26 tháng 3 năm 2008, chúng tôi đang dự Lễ tổng kết Hội trại truyền thống của Tỉnh đoàn Bạc Liêu. Hay tin Chú Năm trở bệnh nặng, một nhóm cán bộ làm công tác thanh niên các thời kỳ (Anh Bảy Chánh, Anh Đào Hoàng Nam, Chị Ái Nam, Cao Xuân Thu Vân, và tôi) vào Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu thăm Chú.
Mất gần 10 phút Chú mới viết xong dòng chữ ngoằn ngoèo: “Chú thay mặt gia đình cám ơn Ban Thường vụ Tỉnh đoàn! Chúc các cháu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!”.
Bức ảnh tôi chụp tại phòng bệnh, do chưa xin phép Thím, nên không post cùng bài viết này. Có lẽ, bức ảnh ấy là một trong những bức ảnh cuối cùng của Chú lúc sinh thời.
Bữa ấy, Chú Năm đã yếu lắm.
Ngày 01 tháng 5 năm 2008, tức 26 tháng 3 âm lịch, Chú ra đi, trước sinh nhật của Chú đúng nửa tháng.
Tin Chú Năm Hạnh (Chú Lê Văn Bình, nguyên Bí thư Khu Đoàn Tây Nam bộ; nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Minh Hải Khóa VIII) ra đi không gây bất ngờ, nhưng làm nhiều người buồn thương, hẫng hụt.
Không bất ngờ, bởi trước đó nhiều tháng, Chú yếu nhiều và không nói chuyện được nữa. Giọng nói khỏe, vang đã nhiều lần tâm huyết cất lên trong những lần họp mặt truyền thống,“Gặp gỡ tháng Ba” giữa các thế hệ cán bộ Đoàn Khu Tây Nam bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long, Minh Hải, Bạc Liêu… - giọng nói ấy không còn cất lên được nữa.
Thời còn tỉnh chung Minh Hải, tôi được biết Chú trong mộ cuộc họp mặt cựu cán bộ Khu Đoàn Tây Nam bộ. Chiếc đồng hồ treo tường đề dòng chữ “Phát huy truyền thống Khu Đoàn Tây Nam bộ”, với hình Huy hiệu Đoàn, lá cờ nửa đỏ nửa xanh, tôi được tặng trong một lần họp mặt Khu Đoàn – nay vẫn trân trọng treo trong nhà, từ lúc ở Khu tập thể Tỉnh đoàn Minh Hải, cho đến hiện giờ.
Sau ngày tỉnh Bạc Liêu tái lập, tôi được làm việc, gặp gỡ với Chú 5 nhiều hơn.
Ngày ấy, bao giờ Tỉnh đoàn Bạc Liêu mời đi dự họp mặt, Chú cũng vui vẻ nhận lời. Chú nhận lời tham dự và cả nhận lời phát biểu. Do tính chất công việc, tôi nhiều lần được Thường trực Tỉnh đoàn (lúc ấy là anh Trần Quốc Nông, chị Lê Thị Ái Nam) giao đem thư mời đến tận nhà thưa chuyện và trao tay Chú.
Họp mặt Cựu cán bộ đoàn phía Nam. (Ảnh minh họa)
Lần nào gặp Chú, Chú cũng đều đối đãi hết sức ân cần, bình dị - sự bình dị, ân cần không hề tạo khoảng cách làm tôi tự tin hơn, kính trọng, nể phục Chú nhiều hơn. Vậy nhưng, “khớp” thì tôi vẫn “khớp”.
Mỗi lần gặp, Chú dành nguyên cả buổi, nói nhiều điều tâm huyết. Những lời từ Chú rất dễ thấu cảm, không hàn lâm bác học, không giáo huấn và Chú cũng chưa bao giờ đứng ở vai vế của bậc cha chú yêu cầu tuổi trẻ phải thế nọ thế kia… Một cán bộ hai thời kỳ kháng chiến, vậy mà những lời Chú nói gắn kết, hiểu chuyện, thân thiết với thế hệ 6X, 7X, 8X tụi tôi cứ y như Chú đang là người trong cuộc.
Chú nói về triết, về lý tưởng, về truyền thống, về lòng quả cảm, về gian nan của đất nước chuyển mình quá độ… mà lôi cuốn, mà mặn mòi hơi thở cuộc sống, mà chứa đựng tâm tư của chính lứa tuổi tụi tôi ngày ấy. Để rồi bao giờ Chú Năm cũng kết lại câu chuyện bằng những điều cụ thể mang tính gợi ý nhưng đầy thuyết phục.
Lần đầu đến nhà Chú, câu chuyện của Chú đã lôi cuốn, dẫn dắt tôi làm quên giờ đi rước thằng cún con ở nhà trẻ. Sau lần ấy, tôi “kinh nghiệm” hơn. Mỗi lần được giao đến gặp Chú, tôi đều gọi điện thoại xin trước ở Chú một cuộc hẹn, xin phép được đến ngay từ đầu giờ của buổi hẹn để được nghe Chú nói chuyện nhiều hơn.
Trong mọi lần gặp gỡ ấy và ở mọi câu chuyện của Chú, bao giờ Chú cũng thắp lửa cho tụi tôi, tuyệt nhiên không một lần nào Chú nói chuyện riêng tư gì khác. Mặc dù tôi khi ấy biết rằng Chú Năm đang nặng lòng và trăn trở lắm với câu chuyện cuộc đời (vụ án Cimexcol Minh Hải).
Duy nhất một lần Chú khuyên tôi: “Con đừng cười nhiều quá!”
Chú có một cuốn sổ ghi chép. Cuốn sổ gọn nhỏ, đặt vừa lòng bàn tay người lớn, bọc giấy dầu, các trang được đính lại bằng chỉ đen, có lẽ do tự tay Chú làm lấy. Chú ghi chép tỉ mỉ những gì mà người đứng đầu Khu Đoàn Tây Nam bộ quan tâm trước mỗi giai đoạn chiến lược của cuộc chiến.
Đọc những ghi chép ấy, tôi biết được rằng, để đào tạo một phi công Mỹ phải tốn khối lượng vàng bằng con số tương ứng với trọng lượng của viên phi công đó; tôi gặp nhiều câu danh ngôn, phương ngữ hành xử mà thanh niên thời ấy thường hay nắn nót chép vào sổ tay mình, nhiều nhất là những câu trích trong “Thép đã tôi thế đấy” của N.Ô-xtơ-rôp-xki, những câu nói, đoạn viết đã thúc giục cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời ấy cầm súng xông ra trận mạc.
Tang lễ Chú, tôi gặp những cô cựu thanh niên xung phong tuyến đường
Tang lễ Chú, có rất đông đồng đội cũ, cán bộ hưu trí, thường trực các tỉnh, thành Đoàn Đồng bằng sông Cửu Long; có đoàn của những đảng viên trẻ đến từ Thành phố mang tên Bác; có vị Chủ tịch nước đương nhiệm nghẹn ngào bên linh cữu, tiếc thương vĩnh biệt người Anh, người Bạn chiến đấu thân thiết khi xưa…
Trong đoàn xe chầm chậm đưa tiễn Chú về nơi an nghỉ cuối cùng có chiếc xe của Quân đội Lào, gắn vòng hoa của một vị tướng, mang dòng chữ: “Vĩnh biệt Anh Năm Hạnh – người bạn tốt của nhân dân Lào”.
Người xưa nói: “Hạc vàng một lần bay đi không bao giờ trở lại”. Nhưng, người xưa cũng nói: “Hằng tâm như sông cát - Đi về, vũ trụ cùng - Chẳng chết và chẳng mất - Ly, hợp lẽ thường tình”.
Chú Năm – vị Thủ lĩnh thanh niên miền Tây Nam bộ một thời khói lửa không còn nữa, nhưng Chú vẫn luôn là vị Thủ lĩnh tinh thần trong tôi. Chú ra đi, có một khoảng trống hẫng hụt không hề nhỏ trong công tác giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ Đồng bằng. Tôi thực sự cảm nhận điều này.
Nghĩa trang, chiều muộn. Nơi Chú và Cha tôi nằm rất gần nhau. Lặng nhìn làn khói nhang nhẹ bay, tôi nghĩ nhiều về Chú, về một thuở đoàn viên, một thời tuổi trẻ, một giai đoạn chúng tôi làm công tác thanh niên. Thường vẫn nhớ những gì Chú nói, để mỗi bận đến nhà gặp Thím Năm, trước di ảnh Chú, tôi vẫn được nhìn sâu vào đôi mắt Chú thưa rằng, con vẫn đang theo lời Chú dặn.
Rời trường phổ thông vào đời, nghiệp duyên đưa tôi đến với môi trường công tác thanh niên, với tròn 20 năm làm việc ở Tỉnh đoàn Minh Hải, Tỉnh đoàn Bạc Liêu. Được gặp những người Cô người Chú, người Chị người Anh như Chú, với tôi, đó là điều may mắn ./.
Nguyễn Huy Thái