19/12/2024 lúc 16:47 (GMT+7)
Breaking News

Thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp "Trồng Người"

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam đồng thời là nhà giáo, nhà văn hoá lớn mà “những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau” (trích Nghị quyết của UNESCO năm 1990 về kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than, Hà Nội (Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Người là thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), thầy giáo Nguyễn Ái Quốc ở lớp Huấn luyện chính trị Quảng Châu, ông Sáu Sán (Thu Sơn) giảng dạy các lớp huấn luyện Việt Minh đầu tiên ở Pắc Bó (Cao Bằng), là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền quốc học nhân dân, Người mà trước khi đi xa về với thế giới người hiền vẫn đau đáu lời dặn lại: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Tuy Người không để lại cho chúng ta một tác phẩm hay một hệ thống lý luận nào về phương pháp giáo dục, nhưng những việc làm thiết thực, những bài viết ngắn gọn, súc tích của Người đã hàm chứa các phương pháp giáo dục mẫu mực, những chỉ dẫn quý báu mà chúng ta đã, đang và tiếp tục ra sức thực hiện học tập và làm theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - ảnh: Tư liệu 

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khai sinh nền giáo dục mới, tiến bộ. Mục tiêu cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh - mục tiêu mà Người nguyện suốt đời phấn đấu - là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đây vừa là mục tiêu, vừa là khát vọng "tột bậc" của Người. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, dù ở trong hoàn cảnh nào, Người cũng luôn là chiến sĩ tiên phong đi vào phong trào quần chúng, huấn luyện và tổ chức quần chúng trong cuộc đấu tranh giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân phong kiến, của hệ tư tưởng lạc hậu, tạo mọi điều kiện cho mỗi dân tộc và mỗi người dân Việt Nam đứng lên làm chủ nền văn hoá, làm chủ vận mệnh và tương lai của mình.

Trong 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tìm hiểu một cách sâu sắc lịch sử văn hóa các dân tộc và lịch sử thế giới văn minh, với trí tuệ mẫn tiệp phi thường, Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia, dân tộc. Chính từ nhận thức sâu sắc rằng, không có tri thức, người dân thuộc địa không thể có chìa khoá mở cánh cửa độc lập, tự do một cách thực sự, cho nên ngay từ năm 1919, tại hội nghị Vecxay, Nguyễn Ái Quốc đã đòi quyền được “tự do học tập” cho nhân dân bản xứ. Người đã cực lực lên án “chính sách ngu dân” của thực dân Pháp đối với nhân dân ta.

Trong tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người viết: “Nhân dân Đông Dương khẩn khoản đòi mở trường học, vì trường học thiếu một cách nghiêm trọng… Làm cho dân ngu để dễ trị, đó là chính sách mà các nhà cầm quyền ở các thuộc địa của chúng ta ưa dùng nhất”. Trong cuốn “Đường kách mệnh” và “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, Người cũng xác định rõ: Phải lập trường học cho công nhân, nông dân, cho con em họ và “Phổ thông giáo dục theo công nông hóa”. Đặc biệt, ở “Chương trình Việt Minh”, Người chủ trương: “Hủy bỏ nền giáo dục nô lệ. Gây dựng nền quốc dân giáo dục. Cưỡng bức giáo dục từ bậc sơ học. Mỗi dân tộc có quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong nền giáo dục của mình. Lập các trường chuyên môn huấn luyện chính trị, quân sự, kỹ thuật để đào tạo các lớp nhân tài… Khuyến khích và giúp đỡ nền giáo dục quốc dân, làm cho nòi giống ngày thêm mạnh”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, trong đó một vấn đề quan trọng là phải chống nạn dốt vì “nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ”. Ngày 08/9/1945, Người ký 3 sắc lệnh quan trọng về giáo dục là sắc lệnh về việc thành lập Nha Bình dân học vụ, sắc lệnh quy định mọi làng phải có lớp học bình dân và sắc lệnh cưỡng bức học chữ quốc ngữ không mất tiền. Tháng 9 còn là tháng khai giảng năm học mới, năm học đầu tiên dưới chế độ Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư gửi cho học sinh, căn dặn các em “hãy cố gắng siêng năng học tập, ngoan ngoãn nghe thầy, đua bạn... Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(1). Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ”... Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà báo”(2), một phong trào thanh toán nạn mù chữ đã dâng cao trong cả nước. Các lớp học bình dân học vụ mở ra ở khắp mọi nơi với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Nhờ đó, chỉ một năm sau Cách mạng tháng Tám, đã có 2,5 triệu người biết đọc, biết viết. Công tác văn hoá, giáo dục, y tế cũng được chính quyền mới quan tâm đẩy mạnh. Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 45 thành lập một ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội nhằm đào tạo giáo viên văn học Việt Nam cho xứng đáng một nước độc lập và theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Tính ưu việt của chế độ xã hội mới đã được khẳng định và phát huy. Theo những chỉ dẫn của Người, nền giáo dục mới bao gồm cả văn hoá, chính trị, khoa học - kỹ thuật, đạo đức cách mạng... Đó là nền giáo dục cho toàn dân, giáo dục thật toàn diện, giáo dục thiết thực vì lợi ích trăm năm của dân tộc, đó là nền giáo dục thực hiện “chiến lược trồng người”. Nền giáo dục đó phải kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục, nhằm đào tạo ra những con người có tri thức, có lý tưởng, có đạo đức, có sức khỏe, có thẩm mỹ. Đó cũng là nền giáo dục mà phương châm: học và hành, lý luận và thực tế, học tập và lao động sản xuất luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, nhằm tẩy sạch tàn dư của nền giáo dục nô dịch.

Cùng với việc khẳng định nền giáo dục mới sẽ làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của mỗi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và quan tâm sát sao đến việc tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp, nhiều quyết sách liên quan đến ngành giáo dục: Từ phổ cập giáo dục sơ học, từng bước nâng cao trình độ học vấn phổ thông cho người lao động, mở rộng hệ thống trường vừa học, vừa làm, trường Bổ túc công nông kết hợp với việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống giáo dục quốc dân từ mầm non đến đại học và trên đại học, cùng với việc gửi lưu học sinh đi đào tạo ở nước ngoài…Trong đó, không thể không kể đến phong trào thi đua “Hai tốt” mà Người trực tiếp chỉ đạo phát động mạnh mẽ, rộng khắp từ điển hình Trường cấp II Bắc Lý (Lý Nhân, Hà Nam) đã in dấu son trong lịch sử hiện đại Việt Nam, cùng với các biểu tượng" Cờ Ba nhất" (quân đội), " Sóng Duyên Hải" (công nghiệp), "gió Phong" (nông nghiệp)...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, trong đó một vấn đề quan trọng là phải chống nạn dốt - ảnh: Tư liệu.

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh – tấm gương về tự đọc, tự học và “học suốt đời”. Trong toàn bộ di sản tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề cơ bản nhất, nổi bật nhất là vấn đề xây dựng và hoàn thiện con người thông qua hoạt động giáo dục và tự giáo dục. Ở tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), khi nói về công tác huấn luyện cán bộ, Người đã có những chỉ dẫn xác đáng: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”. Sau này, khi nói về công tác huấn luyện và học tập (1950), Người lại nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”. Những lời dạy ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nổi bật lên tính cần thiết của việc tự học và mối liên hệ khăng khít của các chủ thể tham gia vào quá trình tự học.

Nói chuyện với các đảng viên hoạt động lâu năm, ngày 09/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tâm sự: “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về ý chí học tập, vươn lên không mệt mỏi. Đây là một trong những yếu tố giúp Người trở thành một trong những lãnh tụ vĩ đại trong lịch sử Việt Nam và thế giới. Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế họp tại Việt Nam, ngày 01/9/1961, Người cho biết: “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu”. Nhưng, như nhận xét của nhà nghiên cứu Vasiliep: “Hiếm có chính khách nào của thế kỷ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”(3), Người có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết sâu rộng đáng khâm phục. Bên cạnh việc kế thừa truyền thống hiếu học của gia đình “nhà Nho gốc nông dân” và quê hương xứ Nghệ văn hiến, cách mạng, để đạt được tầm hiểu biết ấy là do Người không ngừng học tập và tự học. Người đã nêu tấm gương sáng cho mọi người Việt Nam về tư tưởng “học tập suốt đời”. Bằng việc tự học, tự học suốt đời, học ở nhà trường, học sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân,… mà Người đã trở thành một Danh nhân văn hoá kiệt xuất của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO vinh danh.

Ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, trong khoảng thời gian rất dài 30 năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phải trải qua rất nhiều giai đoạn khó khăn, nguy hiểm, bị bắt bớ, tù đầy, bị kết án tử hình... Hoàn cảnh đặc biệt đó đòi hỏi Người phải vừa làm để kiếm sống, vừa không ngừng tự học để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Tự học ở Hồ Chí Minh là kiên trì, sáng tạo, chẳng hạn như cách Người học viết báo. Tự học ở Người là sự kết hợp thực tế cuộc sống và cách mạng, lấy lao động làm cơ sở cho tự học. Không chỉ học ngoại ngữ, Người còn chủ động học nhiều kiến thức khác với nhiều hình thức mà không phải ai cũng làm được. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc đọc sách báo không chỉ đơn thuần là để giải trí hay để giải quyết các công việc sự vụ, nâng cao các hiểu biết thông thường. Sách báo là một trong nguồn quan trọng có thể đưa ra lời giải đáp cho những câu hỏi mà chúng ta chưa lý giải được, như đối với Người: tự do, bình đẳng, bác ái là gì? và cũng chính nhờ sách báo mà Người đã tìm ra con đường cách mạng cứu nước, cứu dân. Ngày 16 và 17/7/1920, lần đầu tiên ở Pháp, báo Nhân Đạo (L’Humanite), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp công bố tác phẩm quan trọng của Lê-nin: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Văn kiện lịch sử ấy của Lê-nin mở ra trước mắt Người một chân trời mới rực rỡ và là ngọn đèn soi đường giải phóng cho đồng bào của Người đang rên xiết dưới ách thực dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người nói: “người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc. Đọc sách báo là một việc hết sức cần thiết, nhưng phương pháp đọc như thế nào cho hiệu quả vô cùng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói người đọc luôn phải có suy nghĩ kỹ càng, không nhất thời hồ đồ tin ngay theo sách. Người nhấn mạnh: “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”( 4 ). Với những sách báo quan trọng, có những từ hoặc vấn đề không hiểu Người thường đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến khi hiểu cặn kẽ mới thôi. Như tác phẩm “Tư bản luận” của Mác và “Luận cương” của Lênin, nhờ đọc sâu hiểu kỹ Người đã có thể đem những điều đã đọc và hiểu được áp dụng vào trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Để học tập phương pháp đọc sách báo của Người, chúng ta có thể tìm hiểu tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong suốt 15 năm cuối đời (1954-1969). Mỗi ngày, Người đọc rất nhiều loại báo, Người thường đọc báo trước giờ và cuối giờ làm việc buổi sáng, buổi chiều còn buổi tối Người thường đọc sách. Vì vậy, ở phòng ngủ của Người bao giờ cũng có chiếc bàn nhỏ để Người đọc sách vào ban đêm. Các đồng chí văn phòng Bác kể lại rằng, bất cứ khi nào có thời gian là Người đều tranh thủ đọc sách báo. Khi đọc bao giờ Người cũng thường dùng bút chì đỏ hoặc bút mực đỏ để đánh dấu lên những dòng, đoạn mà Người thấy cần dùng, hoặc Người thường cắt dán cả bài để khi cần nghiên cứu sử dụng, tuyên truyền, phổ biến cho mọi người học tập và làm theo như gương “người tốt, việc tốt”, cách làm hay, hiệu quả trong học tập, lao động sản xuất (Trong số các sách báo tại Di tích Nhà 54; Nhà sàn; Nhà 67 v.v...trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch hiện vẫn còn lưu lại những bài báo cắt dán như vậy của Người).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc sách báo không chỉ cho riêng bản thân mình mà Người luôn quan tâm đến đối tượng thích hợp liên quan đến các bài viết hoặc thông tin được đăng trong sách báo. Thấy thông tin đó cần thiết cho những địa phương nào, ngành nào, Người thường cho cán bộ Văn phòng chuyển những cuốn sách Người đã đọc cùng với những nhận xét đánh giá của Người, để nghiên cứu thực hiện. Với mục đích: “Phải làm cho dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc thông thái”(5), Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ kêu gọi mọi người học tập, mà còn kêu gọi mọi người, cả cán bộ và nhân dân đều phải “học tập suốt đời”. Người nói “Học hành là vô cùng, học cành nhiều, biết càng nhiều càng tốt”(6). Đến dự khai mạc lớp nghiên cứu chính trị ở Trường Đại học Nhân dân, ngày 21/7/1956, Người nói: “Chúng ta phải học và hoạt động suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(7). Trong những tháng năm chiến tranh chống Mĩ cứu nước gian khổ, Người vẫn luôn nhắc nhở mọi người không được sao lãng việc học. Cho đến lúc sắp đi xa, trong Di chúc để lại cho chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nhắc nhở nguyện vọng cuối cùng của Bác là: “…dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành…”.

3. Người thầy Hồ Chí Minh với những chỉ dẫn về xây dựng đội ngũ giáo viên – vấn đề then chốt, quyết định chất lượng giáo dục Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước, hiếu học. Ông ngoại Người là cụ Hoàng Đường, một nhà nho có tiếng tăm trong vùng, mở lớp dạy học tại nhà. Cha Người là ông Nguyễn Sinh Sắc, đỗ Phó bảng nhưng từ chối làm quan, chỉ ở nhà dạy học và giao lưu với nhiều sĩ phu yêu nước. Bản thân Người cũng chính là người thầy đầu tiên truyền lý tưởng cộng sản, con đường cứu nước giải phóng dân tộc theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường Cách mạng Tháng Mười Nga; mở lớp huấn luyện cho các thanh niên yêu nước của Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc. Người đã góp phần tạo dựng một đội ngũ cán bộ đầu nguồn, cốt cán cho phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản kiểu mới - Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên, từ những trải nghiệm của công việc giảng dạy, huấn luyện cán bộ, từ cuộc đời tự học để vươn tới đỉnh cao học vấn, trong những lần đến thăm các cơ sở giáo dục đào tạo, các hội nghị của ngành giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên trao đổi kinh nghiệm của bản thân về việc dạy và việc học. Người đặc biệt quan tâm tới đội ngũ thầy cô giáo, đối tượng chủ đạo của sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao đội ngũ giáo viên mà Người phong là “đội tiên phong trong sự nghiệp tiêu diệt giặc dốt”. Người động viên “Anh chị em chịu cực khổ, khó nhọc, hi sinh phấn đấu để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc”(8). Người phân biệt rõ vị trí khác nhau của người thầy trong xã hội cũ và xã hội mới. Ngày xưa nghề thầy giáo là gõ đầu trẻ để kiếm cơm ăn, nay là sự nghiệp quan trọng “trồng người”, để thực hiện nhiệm vụ nặng nề và cao cả đó, người thầy phải có năng lực phẩm chất cao, phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ, phải “làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”(9). Người nhắc nhở phải “chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”(10). Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên phải thật thà yêu nghề mình. “Còn gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất”(11). Chúng ta đều thấy rõ rằng: Dạy tốt phụ thuộc nhiều vào tài năng, nhân cách của người thầy, và nếu không có những người thầy miệt mài gắng sức, dạy dỗ, chăm sóc, uốn nắn những mầm non của đất nước qua mỗi giai đoạn kế tiếp nhau từ mẫu giáo đến khi tốt nghiệp những trường dạy nghề, cao đẳng, đại học và trên đại học, thì không thể có những hiền tài, những nguyên khí của mỗi quốc gia. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên ân cần căn dặn: “Các cô, các chú là những thầy giáo, những cán bộ giáo dục đều phải luôn luôn cố gắng học thêm, học chính trị, học chuyên môn. Nếu không tiến bộ mãi thì sẽ không theo kịp đà tiến chung, sẽ trở thành lạc hậu”(12). Để làm tốt công việc giảng dạy của mình, người giáo viên còn phải hình thành cho mình hàng loạt những năng lực sư phạm khác như năng lực dạy học, năng lực ngôn ngữ, năng lực tổ chức, năng lực giao tiếp… Đây cũng là bài học sâu sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy các thầy, cô giáo trường Chu Văn An khi Người về thăm năm 1960, đó là: “Khi đến lớp 6A (như lớp 8 bây giờ), thấy học viên tỏ vẻ chưa hiểu bài khi nghe giáo viên thao thao giảng, Bác khẽ bảo: “Để Bác giảng” rồi Bác đứng lên bục, dùng phương pháp đàm thoại nên không khí lớp học trở nên sôi nổi, các học viên tiếp thu bài giảng nhanh”. Và sau dự giờ thị phạm ấy, Bác còn ân cần dặn dò: “Trong công tác giảng dạy phải lấy học viên làm trung tâm, dạy sao cho người học nắm được bài ở lớp”. Đồng thời Bác nhắc nhở các nhà trường “không nên đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu…”(13).

4. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay. Kế thừa truyền thống của dân tộc, thấm nhuần sâu sắc những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng và Nhà nước ta đã có những quyết sách nhằm phát huy mọi tiềm năng của con người, trong đó có đội ngũ thầy, cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục. Giáo dục và đào tạo luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước coi trọng, là “quốc sách hàng đầu” trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã xác định, cùng với khoa học công nghệ, “giáo dục là tương lai của dân tộc”, là “quốc sách hàng đầu”, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và là một động lực đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới. Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII cũng đã xác định nhiệm vụ và mục đích cơ bản của giáo dục Việt Nam là nhằm xây dựng những con người mới, là những con người vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời căn dặn của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Trước tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước cùng với những biến chuyển liên tục của của tình hình thế giới, yêu cầu bức thiết đối với ngành giáo dục của chúng ta hiện nay là làm thế nào để nền giáo dục và đào tạo đạt được bước chuyển mạnh mẽ, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết (Nghị quyết số 29-NQ/TW) với nội dung đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và đào tạo, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những bước phát triển, có những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước thì nền giáo dục Việt Nam đang ẩn chứa rất nhiều yếu kém, bất cập, so với yêu cầu phát triển của đất nước còn nhiều nội dung chưa đạt; chưa thực sự là quốc sách hàng đầu. Những thực tế có thể kể ra đây như: ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn vẫn còn những ngôi trường nhà tranh, vách tạm bợ, mái tôn, dột nát; nội dung sách giáo khoa hiện nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong các cuộc họp, hội nghị bàn về giáo dục, làm dấy lên sự quan ngại đối xã hội khi đánh giá về chất lượng giáo dục; việc đổi mới liên tục trong các kỳ thi bậc đại học khiến cho chất lượng giáo dục ngày càng giảm xuống, tạo ra những kẽ hở dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng; tình trạng dạy thêm, học thêm, tình trạng “chạy trường, chạy lớp, chạy điểm” vẫn còn diễn ra; đời sống của một bộ phận giáo viên thấp khiến các thầy cô chưa thực sự yên tâm và tràn đầy nhiệt huyết khi đứng trên bục giảng… Đại hội Đảng lần thứ XII tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đề ra phương hướng: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học, công nghệ; phấn đấu trong những năm tới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả; phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Sự nghiệp giáo dục của nước ta từ sau ngày thành lập nước đến nay đã thu được những thành tựu và kết quả có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện sự nghiệp “Trồng người”, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhưng để giáo dục thực sự trở thành “quốc sách hàng đầu”, thì điều trước hết, trên hết, nhất thiết chúng ta phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự nghiệp “trồng người”, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cần phải có sự đoàn kết nhất trí của toàn dân, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, mỗi người dân phải ý thức được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung và sự nghiệp giáo dục nói riêng. Mỗi cán bộ ngành giáo dục, mỗi giáo viên cần nhìn thẳng vào hiện thực, tích cực tự phê bình và phê bình để nhìn nhận những việc làm được và chưa làm được từ đó kịp thời phát huy những thành tựu, khắc phục những mặt hạn chế, thiếu sót, thì sự nghiệp đổi mới giáo dục ắt sẽ đi đến thắng lợi.../.

 

1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t.4, tr.33
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t.4, tr.37
3 Về cách mạng Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Uỷ ban khoa học xã hội, H.1990
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2000, t.8, tr.500
5 Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi vào sổ vàng bình dân học vụ thành phố Hải Phòng tháng 10/1946
6 Trích Thư gửi đồng bào xã Duyên Trung, Tiên Hưng, Thái Bình ngày 13/11/1947
7 Hồ Chí Minh về vấn đề học tập, Nxb Sự thật, H.1971

8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2001, t.4, tr.220
9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2001, t.6, tr.46
10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2001, t.7, tr.501
11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG H. 2001, t.11, tr.329-330
12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2001, t.8, tr.126-127
13 Tạp chí văn nghệ Quân đội, số tháng 11/2013

 Ông Nguyễn Văn Công - Nguyên Giám đốc

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch