Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc trong 15 năm cuối đời (1954-1969) của Người, gắn liền với việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, gắn liền với mối quan hệ giữa Người và bạn bè quốc tế, với đồng bào, chiến sĩ và các cháu thiếu nhi cả nước. Trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (viết tắt là Khu di tích) có nhà sàn, ao cá, vườn cây, có Phủ Chủ tịch và các nhà làm việc khác, cảnh quan đơn sơ nhưng đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định bảo tồn và giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để mở cửa đón khách trong nước và quốc tế tới tham quan, nghiên cứu và học tập về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mỗi di tích, mỗi tài liệu, hiện vật ở đây đều chứa đựng nội dung của các sự kiện lịch sử gắn với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người; là những minh chứng thuyết phục về chiều sâu tư tưởng, đạo đức, lối sống và tinh thần cống hiến không mệt mỏi của Người cho sự nghiệp cách mạng dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Ngay sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Đảng, Nhà nước ta quyết định bảo quản và giữ gìn lâu dài, nguyên vẹn nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch để mở cửa đón khách trong nước, quốc tế đến tham quan, học tập về cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua đó bày tỏ lòng biết ơn và đời đời nhớ công lao vĩ đại của Người.
Một di tích đặc biệt quan trọng của Khu di tích là nhà sàn Bác Hồ-biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, thể hiện phong cách, đạo đức, lối sống hết sức giản dị, thanh cao của Người. Với những vật dụng sinh hoạt rất đơn giản: Bàn, ghế, giường đơn, quạt lá cọ, máy chữ, giá sách... với hàng trăm cuốn sách thuộc nhiều lĩnh vực, bằng các thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nga, La tinh... Quanh nhà sàn có trồng đủ các loại cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây bóng mát. Quần thể Khu di tích còn có các di tích: Di tích nhà 54, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ tháng 12/1954 đến tháng 5/1958; Phòng họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, gắn với sự kiện lịch sử trọng đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968; BK1, Căn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tiếp cán bộ đến báo cáo công việc và ký các Sắc lệnh; Ngôi nhà Sàn gỗ nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ ngày 17/5/1958 đến ngày 17/8/1969; Nhà H67, ngôi nhà được Bộ Chính trị xây dựng năm 1967 để đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Mỹ ném bom bắn phá Hà Nội, nhưng Người đã không ở mà dùng làm nơi hàng tuần họp Bộ Chính trị (từ 1967 đến 1969). Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm chữa bệnh từ ngày 17/8/1969 cho đến khi Người qua đời (2/9/1969); Căn phòng Bộ Chính trị nghỉ giải lao mỗi khi họp, nơi nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời phỏng vấn các phóng viên nước ngoài và là nơi Hội đồng giáo sư, bác sỹ túc trực theo dõi chăm sóc sức khỏe cho Người trong những ngày cuối cùng; Hầm H66, được xây dựng năm 1966, nhằm bảo đảm an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị khi đến họp với Người trong những năm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam; Nhà ga ra ôtô, nơi trưng bày và bảo quản các xe ô tô Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng; Nhà bếp A, nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ tháng 12/1954 đến tháng 7/1969; Nhà bếp B, nơi nấu ăn phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 7/1969 đến 2/9/1969; Phủ Chủ tịch; vườn cây, ao cá... Hiện có hơn 1.622 đầu loại hiện vật trong tổng số gần 4.000 tài liệu, hiện vật vốn có tại Khu di tích đang được trưng bày và phát huy giá trị; luôn được bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn như khi Người còn sống. Ngày 12-8-2009, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích quốc gia đặc biệt.
Khu di tích đã phát huy ưu thế của một Di tích quốc gia đặc biệt về Bác Hồ. Đây là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc lâu nhất trong suốt 15 năm cuối đời (1954-1969). Đặc biệt hơn, đó là 15 năm Người hoạt động sôi nổi và có những đóng góp to lớn trên cả hai cương vị Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Gắn với cuộc sống hằng ngày của Người vừa làm việc, vừa sinh hoạt, đây là một di tích về Người còn giữ được khá nguyên trạng, nguyên gốc; đồng thời là di tích ở ngay tại trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử Ba Đình-gắn với Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện rất thuận lợi trong việc phối hợp hoạt động tuyên truyền, lan tỏa di sản của Người, phục vụ khách trong nước và nước ngoài tới tham quan và học tập.
Hơn nửa thế kỷ qua, Khu di tích trở thành nơi hội tụ tình cảm và tấm lòng đối với Bác Hồ của nhân dân cả nước và khách quốc tế đến Việt Nam. Hầu hết các nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách cấp cao quốc tế thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch với những tình cảm, sự yêu mến, kính trọng và khâm phục đối với Bác; cũng như cảm nhận được bản chất tốt đẹp của Đảng, Nhà nước Việt Nam, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, qua cuộc đời và sự nghiệp của một con người điển hình cho dân tộc Việt Nam. Khu di tích được Đảng, Nhà nước ta xác định là “địa chỉ đỏ” giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về Bác Hồ, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, qua đó hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, bày tỏ lòng kính trọng đối với Bác Hồ và thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Hơn 50 năm qua, Khu di tích đã phục vụ đón tiếp, tuyên truyền cho hơn 80 triệu lượt khách đến tham quan và học tập, trong đó có khách nước ngoài đến từ hơn 160 quốc gia. Hầu hết các nguyên thủ quốc gia và các đoàn khách quốc tế cấp cao khi đến Việt Nam đều đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch. Đặc biệt, từ năm 2006, khi Đảng ta phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến nay, mỗi năm, Khu di tích đón hơn 2 triệu khách, trong đó có gần 500.000 khách nước ngoài. Đa số những người được hỏi khi vào thăm Khu di tích đều bày tỏ nguyện vọng sẽ trở lại thăm Khu di tích nhiều lần. Những con số nêu trên đã khẳng định những giá trị di sản của Người không chỉ với nhân dân Việt Nam, mà cả những người yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên toàn thế giới.
Nhà báo Rônêđô (Haiti) từng viết: “Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự, vẻ đẹp của thế giới ở đâu? Sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu? Ở đâu có mùa xuân? Xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh-sự tồn tại điển hình của một anh hùng của thời đại chúng ta” (1). Tổng thống Panama Ricardo Martinelli khi thăm Khu di tích, đã viết: “Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được biết về cuộc sống và đấu tranh của một trong những vĩ nhân của nhân loại, mà tất cả mọi người có nhiều điều để học hỏi và noi theo”(2). Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane, viết: “Đến thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi càng thấm thía sâu sắc rằng: Bác Hồ thực sự là một lãnh tụ vĩ đại. Sự vĩ đại đó không chỉ được khẳng định bằng sự nghiệp cách mạng cao cả của Người mà còn được minh chứng qua lối sống thanh bạch, giản dị. Đây là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà các nhà cách mạng Lào chúng tôi đều noi theo”(3).Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Cuba Fidel Castro Ruz, thể hiện cảm xúc của mình khi viết: “Vinh quang đời đời thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh-tấm gương lớn nhất của người cách mạng vĩ đại ngày càng được khâm phục, ngưỡng mộ và luôn luôn được yêu mến không chỉ bởi nhân dân Việt Nam mà còn bởi tất cả các dân tộc khác trên thế giới”(4). Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, bày tỏ cảm tưởng: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ 21, thế kỷ hòa bình, tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai... Và vì thế, lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”(5). Tổng thống Cộng hòa Ấn Độ Pranab Mukherjee, viết: “Thật là một khoảnh khắc đáng ghi nhớ khi tôi tới thăm ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến đã từng sống. Tôi rất xúc động trước sự giản dị của chốn cư ngụ khiêm nhường bậc nhất này-nơi vốn được Hồ Chí Minh chọn để sống và làm việc. Tình cảm yêu mến của Người dành cho Ấn Độ luôn được người dân chúng tôi trân trọng, cũng như luôn được duy trì ở Việt Nam”(6). Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ đã để lại những dòng cảm tưởng: “Chúng tôi rất cảm kích vì có cơ hội thăm Ngôi nhà sàn của Hồ Chí Minh để tìm hiểu thêm về lãnh tụ, tính kỷ luật, triết lý sống và quyết tâm của Người dành cho nhân dân Việt Nam. Khoảng đầu những năm 1950, Hồ Chí Minh đã đề xuất với Tổng thống chúng tôi về việc thiết lập quan hệ Việt-Mỹ. Tầm nhìn của Người đang trở thành hiện thực” (7). Thống đốc bang Victoria, Australia David de Kretser: “Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời cống hiến cho dân tộc Việt Nam, đồng thời, Người là một tấm gương cho toàn thế giới. Việc Người từ chối những ngôi nhà sang trọng và lựa chọn sống một cuộc sống giản dị thêm một lần nữa nêu một tấm gương sáng cho nhân dân”(8). Từ di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chân thực, sinh động trong sinh hoạt, cuộc sống, cách ứng xử, cùng với việc tận mắt chứng kiến những đồ dùng, tiện nghi của nguyên thủ quốc gia, cũng như ý nghĩa của mỗi tài liệu, hiện vật trưng bày ở đây được cán bộ tuyên truyền của Khu di tích đưa vào nội dung giới thiệu đã thực sự gây xúc động, lan tỏa đối với khách tham quan trong nước và quốc tế. Với những giá trị và ý nghĩa đặc biệt to lớn đó, Khu di tích là nơi hội tụ những giá trị nhân văn cao cả, tư tưởng, phản ánh tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi vào thăm Khu di tích đã phát biểu: “Đây là địa điểm không chỉ để tham quan du lịch mà còn là nơi mỗi lần đến ta học Bác, tự kiểm điểm lại mình và định ra hướng để sửa chữa thế nào. Thời gian càng lùi xa càng thấy sự vĩ đại của Bác, càng ngày càng chinh phục lòng người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách, phẩm chất của Bác lan tỏa rộng rãi không chỉ trong nước mà đối với cả quốc tế” (9).Để tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa về tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch, Khu di tích luôn sáng tạo, linh hoạt kết hợp bảo quản thông thường với bảo quản khoa học, từng bước áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào công tác bảo quản. Khu di tích đã giữ gìn một cách tốt nhất các di tích, tài liệu, hiện vật và môi trường cảnh quan như khi Người còn sống, đồng thời có nhiều hoạt động phát huy giá trị tinh thần vô giá mà Người để lại như tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài khoa học, hội thảo, tọa đàm, triển lãm trong nước và nước ngoài, xuất bản sách, ảnh, phim tư liệu, mở cửa đón khách tham quan trong nước và quốc tế với tấm lòng ngưỡng mộ, kính yêu Bác Hồ.
_________________________
(1) Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb.Thanh niên, H.2000, tr.297.
(2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) Sổ cảm tưởng tại Khu di tích.
Ông Nguyễn Văn Công
Nguyên Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch