13/11/2024 lúc 14:03 (GMT+7)
Breaking News

Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng lấy dân làm gốc, Nhân dân là nguồn gốc và chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Ảnh minh họa

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền

Trước hết, đó là tư tưởng lấy dân làm gốc, Nhân dân là nguồn gốc và chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1). Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chỉ đạo soạn thảo đã thể hiện cô đọng và đầy đủ tư tưởng đó của Người với việc xác định một trong ba nguyên tắc trụ cột là “thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” (Lời nói đầu Hiến pháp năm 1946).

Xuất phát từ quan điểm về quyền làm chủ chính trị của Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương quyết tâm tổ chức Tổng tuyển cử ngay sau khi nước ta mới giành được độc lập. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ba ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945, Người đã nói: “Tôi đề nghị Chính phủ phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, giòng giống”(2).

Chế độ chính trị dân chủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập dựa trên một nền tảng xã hội sâu và rộng, ý thức chính trị và sự tham gia của Nhân dân vào đời sống chính trị, vào quản lý nhà nước và xã hội. Từ đó Người yêu cầu: “Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước”(3). Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, Nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội không chỉ là phương châm chính trị mà đã trở thành những nguyên tắc hiến định. Tất cả các bản Hiến pháp sau đó, Nhà nước ta đều khẳng định các nguyên tắc đó.

Thứ hai, đó là tư tưởng vì con người, hướng tới con người, tất cả vì tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.

Từ năm 1921, khi mới hình thành những ý tưởng đầu tiên về việc thành lập đảng kiểu mới, Nguyễn Ái Quốc đã nghĩ: “Phải vạch ra một kế hoạch chi tiết về tổ chức sản xuất và tiêu thụ. Nào là phát triển lành mạnh cho trẻ em, giáo dục và lao động nghĩa vụ đối với tráng niên, nghỉ ngơi cho người già, thủ tiêu mọi sự bất bình đẳng về hưởng thụ, hạnh phúc không phải dành cho một số người mà còn cho tất cả mọi người”(4). Người trăn trở: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, xét về bản chất và mục tiêu, “không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa”(5).

Tư tưởng về con người, tôn trọng và bảo đảm quyền con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong dòng chảy của các tư tưởng vĩ đại của nhân loại. Người khái quát: “Khổng Tử, Giê Su, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng đã có những điểm chung đó sao? Họ đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, cho xã hội, nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng, họ nhất định sẽ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết”(6). Trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng nhắc lại những tư tưởng cốt lõi của tư tưởng Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp, coi các quyền con người như quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc là những quyền tự nhiên, không thể tước đoạt.

Thứ ba, đó là tư tưởng đề cao vai trò của Hiến pháp. Từ rất sớm, Hiến pháp trong tư tưởng và quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng và tiền đề của chế độ pháp quyền. Tư tưởng đó được Người thể hiện trong “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” vào năm 1919; sau đó trong Việt Nam yêu cầu ca tư tưởng về Hiến pháp và pháp quyền đã được diễn đạt rất rõ: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”(7).

Tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh đã được hình thành và đi vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam với ba yếu tố trụ cột: i) chủ quyền của nhân dân, ii) Hiến pháp và iii) quyền tự do, dân chủ của con người, của công dân. Trong đó, Người coi Hiến pháp là tiền đề và điều kiện, dân chủ dựa trên Hiến pháp là bản chất và quyền con người, quyền công dân là mục tiêu và xung lực của sự nghiệp xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa và phát triển đất nước.

Thứ tư, đó là tư tưởng về quản lý nhà nước, quản lý xã hội dựa trên pháp luật và thực hiện pháp luật công bằng với nền hành chính và tư pháp liêm chính, đạo đức, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa và vai trò của pháp luật trong việc bảo đảm lợi ích của Nhân dân và phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Các lý tưởng và giá trị công bằng, dân chủ, tự do chân chính luôn là những yếu tố hạt nhân trong tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp luật, về thi hành và áp dụng pháp luật, nhất là trong hoạt động tư pháp. Người quan niệm: “Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề làm người ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức”(8). Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị dân chủ, công bằng, nhân đạo được thể hiện thông qua phương châm hành động của Nhà nước và của các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên. Bác nhắc nhở: “Việc gì cũng phải công bình chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán”(9).

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật các yếu tố pháp luật, kỷ luật, kỷ cương luôn đi liền với yêu cầu về đạo đức, trước hết là đạo đức tận tụy phục vụ Nzhân dân. “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”(10). Người luôn đề cao hành động thực tiễn, nói đi đôi với làm, ý thức noi gương của cán bộ, đảng viên, coi thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra tính đúng đắn và hiệu quả của các chính sách và pháp luật.

Thứ năm, tư tưởng và vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò, sứ mệnh to lớn và có tính quyết định của một chính đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin với đường lối chính trị đúng đắn, với tư tưởng tiên tiến và với tổ chức chặt chẽ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mục đích hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam là lãnh đạo nhân dân giành lấy chính quyền, mang lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, trung thành và phụng sự lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Người khẳng định: “Đảng ta là đảng cầm quyền”(11); “trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”(12), “Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(13).

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Giai đoạn từ Hội nghị Đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (năm 1994) đến nay là thời kỳ thể hiện tập trung nhất sự phát triển các quan điểm và đường lối của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đại hội Đảng lần thứ lần IV (năm 1976)(14) và lần thứ V (1982)(15) nhấn mạnh việc coi trọng công tác vận động quần chúng, phát huy sức mạnh quyền làm chủ của nhân dân trong đời sống xã hội.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta đã đúc kết bài học kinh nghiệm lớn trong toàn bộ hoạt động của Đảng và Nhà nước ta là “lấy dân làm gốc” và đề ra phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, bắt đầu nêu ra vấn đề thực hiện cải cách lớn về bộ máy nhà nước(16).

Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 khẳng định toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về Nhân dân, gắn liền với công bằng xã hội phải được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, phải được thể chế hóa bằng pháp luật và được pháp luật bảo đảm.

Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 1/1994) đã chính thức đưa vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam vào Văn kiện của Đảng, khẳng định nhiệm vụ chiến lược: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”(17).

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996) tiếp tục khẳng định 5 quan điểm và các nhiệm vụ xây dựng kiện toàn bộ máy nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, quản lý xã hội bằng pháp luật(18).

Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng trong các Văn kiện nêu trên đã được thể hiện trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) tại Điều 2, trong đó nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Trong thời kỳ giữa Đại hội IX và Đại hội X, Bộ Chính trị đã ban hành hai nghị quyết quan trọng về tổ chức, hoạt động của Nhà nước ta: Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các văn kiện quan trọng này tạo được những đột phá chiến lược về nhận thức và thực tiễn liên quan đến các yếu tố trung tâm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp(19). Đại hội lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006) lần đầu tiên đặt nhiệm vụ về xây dựng cơ chế giám sát Hiến pháp và cơ chế phán quyết về các vi phạm Hiến pháp trong các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp(20).

Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã làm sâu sắc hơn quan điểm và nhận thức của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa với việc xác định nhà nước pháp quyền là một trong tám đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa và là một trong tám phương hướng cơ bản của xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; khẳng định quan điểm kiên trì xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền.

Các Đại hội lần thứ XI (năm 2011)(21) và lần thứ XII (năm 2016)(22) của Đảng đều đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và gắn với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực và đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội; trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền.

Tư tưởng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Đảng tiếp tục thể chế hoá rõ ràng và đầy đủ hơn trong Hiến pháp năm 2013 tại Điều 2, trong đó nêu rõ: “1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”.

Đại hội XIII của Đảng (tháng 01/2021) đề ra những định hướng, quan điểm, giải pháp đột phá cho tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải tiến hành đồng bộ, gắn với đổi mới hệ thống chính trị và đổi mới kinh tế văn hóa, xã hội; xác định 13 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó có định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đại hội đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu, ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó có Chiến lược pháp luật và cải cách tư pháp”. Việc đề ra nhiệm vụ này khẳng định quan điểm kiên trì xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, có lộ trình, bước đi phù hợp và vững chắc./.

---------------------

Ghi chú:

(1), (2), (3), (7), (11), (12), (13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011.

(4) Nguyễn Ái Quốc: La Revue Communiste, số 15/5/1921.

(5) Hồ Chí Minh: Về cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.38-39.

(6) Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Bản dịch Trung văn của Trương NhiệmThức-Hồ Chí Minh truyện, Nxb Tam Liên, Thượng Hải, tháng 6/1949, tr.91.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập III, Nxb Lao động, Hà Nội, 1971, tr.138.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.337.

(10) Hồ Chí Minh, Sđd, tr.477.

(14) Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 37 (1976), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.492-493.

(15) Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 43 (1982), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.125-126.

(16) Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 47 (1986), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.794.

(17) Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 53 (1994), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.224-225.

(18) Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 55 (1996), Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.336-337.

(19) Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 64 (2005), Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.233-252, 268-283.

(20) Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 65 (2006), Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.159-160.

(21) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.52-54.

(22) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.39-40.

GS, TSKH Đào Trí Úc

...