10/01/2025 lúc 18:21 (GMT+7)
Breaking News

Thăm lại quê hương A Sanh - Người lái đò trên sông Pô Kô

VNHN - Nơi vùng Bắc Tây Nguyên, có một dòng sông trước khi đổ vào đất bạn Campuchia, dòng sông đã đi qua những cánh rừng, đi qua những làng quê ngát xanh của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đó là dòng Pô Kô trong xanh, dòng sông đã một thời mà lời bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” đã âm vang trên khắp chiến trường trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

VNHN - Nơi vùng Bắc Tây Nguyên, có một dòng sông trước khi đổ vào đất bạn Campuchia, dòng sông đã đi qua những cánh rừng, đi qua những làng quê ngát xanh của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đó là dòng Pô Kô trong xanh, dòng sông đã một thời mà lời bài hát “Người lái đò trên sông Pô Kô” đã âm vang trên khắp chiến trường trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Sông Pô Kô.

Nhìn từ phía Gia Lai, bên kia dòng sông là những cánh rừng mênh mông của khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray kéo dài từ huyện Sa Thầy đến Ngọc Hồi. Còn ở phía bên này dòng sông, vùng đất Ia Grai cũng bạt ngàn ngát xanh những loài cây trái công nghiệp như cà phê, cao su nổi bật trên nền đất bazan đỏ thắm.

Với địa hình của vùng đất biên giới nên trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, nhất là trong giai đoạn từ sau năm 1954 đến ngày đất nước thống nhất, vùng đất này với đường Hồ Chí Minh huyền thoại như là hành lang Bắc Nam trở thành huyết mạch chịu nhiều cuộc đánh phá dữ dội. Trong khi đó, Pleiku ở kề bên lại là trung tâm đầu não của Quân đoàn II chính quyền Sài Gòn, luôn sẵn sàng cho những chiến dịch truy quét, tìm diệt các đơn vị chủ lực từ hậu phương miền Bắc đưa vào hoặc các lực lượng quân sự tại chỗ ở địa phương.

Màu xanh bên dòng Pô Kô.

Mặc dù phải gánh chịu những khó khăn, gian khổ ác liệt nhưng đồng bào dân tộc Jrai cũng như người Kinh trên vùng đất này luôn đoàn kết, gắn bó, trở thành chiếc nôi che chở cho B3 tức Mặt trận Tây Nguyên lúc bấy giờ. Với cách gọi bí số thời chiến tranh, nếu như người dân các xã B5, B6, B7, B14, B15 luôn sát cánh cùng bộ đội, du kích chống trả các trận càn quét thì ở các xã như B11, B12, B13, người dân lại âm thầm ngày đêm vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí, hàng hóa từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhiều xã lập nhiều chiến công xuất sắc, trở thành niềm tự hào của người dân Ia Grai như xã B5 với những địa danh như làng Nang, làng Nú, làng Tốt, làng Ó.

Ngôi làng nhỏ bé có tên làng Nú, chính là quê hương của người anh hùng A Sanh. A Sanh tên thật là Puih San thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng từ năm 1958. Năm 1963, khi mặt trận B3 thành lập tuyến hành lang T2C07, Puih San được điều về công tác trên tuyến đường này với nhiệm vụ chính là chèo đò từ phà 6 qua phà 8, phà 10. Những chuyến đò của anh và đồng đội như Rơ Lan Lim, Rơ Lan Vân luôn đầy ắp vũ khí, hàng hóa từ hậu phương miền Bắc tiếp viện cho chiến trường miền Nam, cũng có khi đưa bộ đội từ mặt trận B3 vào mặt trận B2 và chuyển thương bệnh binh từ mặt trận tiền phương về phía sau. Với những chiến công thầm lặng nhưng đầy lòng dũng cảm, năm 1968 Puih San được chọn đi báo cáo điển hình tại Đại hội Chiến sĩ thi đua của Mặt trận B3 và của Mặt trận Miền. Sau ngày giải phóng, năm 1995, Puih San vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Tác giả và người dân làng Nú.

Nếu người anh hùng A Sanh xuất sắc với những chiến công thầm lặng thì Rơ Châm Ớt lại là người anh hùng của những chiến công dũng mãnh, xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Sinh ra và lớn lên ở xã B5, nơi được xem là trọng điểm “bình định” của chế độ Sài Gòn, tròn 20 tuổi anh đã là Xã đội trưởng của Đội Du kích gồm 45 tay súng. Anh đã tham gia nhiều trận đánh nổi tiếng như trận tập kích vào Nhà chiếu phim tại căn cứ của Quân đoàn II, đánh sập lô cốt hai tầng, bắn sập 3 lô cốt khác và diệt 3 xe bọc thép.

Chỉ riêng trong trận đánh này, Rơ Châm Ớt đã bắn 7 quả B40, đánh sập hàng loạt mục tiêu. Ở nhiều trận đánh khác như trong chiến dịch Xuân-Hè 1969, Rơ Châm Ớt cùng đồng đội tham gia chiến đấu hơn 150 trận lớn nhỏ, bản thân anh bắn hàng trăm quả B40, tiêu diệt nhiều xe tăng, xe quân sự, kho đạn…v.v. Với những chiến công xuất sắc, Rơ Châm Ớt-xã đội trưởng xã đội B5 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Riêng xã B5 được Trung ương Mặt trận Giải phóng Miền Nam tuyên dương là đơn vị Thành đồng quyết thắng, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng.

Tác giả trò chuyện cùng vợ anh hùng Rơ Châm Ớt.

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, với những vết thương do đạn bom cày xới, những miền quê bên dòng Pô Kô phải đối diện với công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại quê hương từ trong đổ nát. Nhưng cũng thật kỳ lạ, dù muôn vàn khó khăn những miền quê này đã nhanh chóng phủ lại màu xanh ruộng vườn, những hạ tầng cơ sở được phát triển và những buôn làng định cư đã đem lại sức sống mới cho bức tranh nơi miền biên giới.

Trở lại sau gần 45 năm giải phóng, những miền quê nơi miền biên giới này đã khác xưa, khác không chỉ bởi hệ thống điện, đường, trường, trạm được xây dựng, phát triển, bắt nhịp với tốc độ phát triển chung của Tây Nguyên mà còn ở sự thay đổi rõ nét ở những thôn xã, buôn làng vốn là nơi khó khăn, cơ cực nhất trong chiến tranh. Những tên xã mang bí số bắt đầu bằng chữ B hoa trong lịch sử chiến tranh cách mạng của Mặt trận B3 ở vùng đất này giờ đã có tên gọi mới bằng ngôn ngữ Ja rai. Bên cạnh sự đông đúc mang hình ảnh phố thị của trung tâm huyện-thị, là sự thay đổi nhanh chóng của xã B15 nay là xã Ia Dêr, xã B7 nay là xã Ia Pếch, xã B6 nay là xã Ia Hrung và nhiều nơi khác như Ia Grăng, Ia Tô, Ia O, Ia Chia, Ia Khai...

Cà phê sai trái.

Từ dòng sông Pô Kô năm xưa in bóng người anh hùng A Sanh nay đã mọc lên những công trình thủy điện lớn như thủy điện Sê San 3A, Sê San 4, Sê San 4A. Dòng điện từ những công trình này đã thắp sáng ước mơ cho vùng đất nghèo khó năm xưa bước vào công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ngay cả đồng bào dân tộc Ja Rai vốn quen với nếp tư duy làm ăn nương rẫy cũng đã biết phấn đấu làm giàu cho bản thân và quê hương.

Nhiều hộ gia đình là tấm gương điển hình như vợ chồng anh Siu Hwuynh và chị Kso Hlác ở làng Griêng 2, xã Ia Dêr. Theo lời vợ chồng anh kể lại, cách đây hơn hai mươi năm, vợ chồng anh đã biết học cách làm vườn, trồng các giống cây ăn trái mới như sầu riêng, bơ, xoài, nhãn Hàng ngày, sau giờ làm việc ở nông trường, vợ chồng anh vác cuốc ra vườn đào hố trồng cây. Mỗi năm trồng thêm một ít, đến nay 3ha đất bỏ hoang đã được anh phủ xanh sầu riêng, cà phê và rất nhiều cây ăn trái khác. Tính ra, vườn cây và ao cá nhà anh cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Trẻ em làng Nú vui chơi.

Không ỷ lại vào chính sách ưu tiên của Nhà nước, anh chủ động cho tất cả các con đến trường. Con trai đầu của anh đã tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nay đang công tác tại Nhà máy Thuỷ điện Sê San 3A còn lại đều đã tốt nghiệp đại học hoặc đang theo học ở các trường phổ thông.

Gia đình anh Rơ Lan Thi ở thôn Ia Brêng, xã Ia Đê. Là cựu chiến binh chiến trường Cam-pu-chia, khi giải ngũ trở về địa phương anh Rơ Lan Thi chỉ có hai bàn tay trắng. Nhờ vào sự cần cù và chịu khó học hỏi gia đình anh đã khai hoang vỡ đất trồng cà phê, cao su. Lấy ngắn nuôi dài, tích lũy vốn liếng mở thêm ngành nghề dịch vụ như buôn bán tổng hợp, kinh doanh xay xát, đến nay gia đình anh có thu nhập mỗi năm cả trăm triệu đồng.

Người lái đò trên sông Pô Kô.

Cũng như nhiều miền quê khác trên cao nguyên bazan, những miền quê nơi miền biên giới Ia Grai đã và đang phát triển nhiều mặt về kinh tế, xã hội, là điểm tựa an ninh quốc phòng nơi biên cương Tổ quốc. Những miền quê anh hùng trong chiến tranh, ngày hôm nay đã biết phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng mô hình nông thôn mới ở miền biên giới, góp phần vào sự phát triển chung của Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.

Về thăm lại dòng Pô Kô, vẫn thấy vọng về giai điệu thiết tha của nhạc sĩ Cẩm Phong và lời của nhà thơ Mai Trang trong ca khúc Người lái đò trên sông Pô Kô: "Dòng sông mênh mông, đôi bờ cây xanh biếc, nước chảy xiết sâu thẳm. Ngày đêm anh lái đò trên sông, dù gian nguy vẫn vững tay chèo. Đò anh đưa bao người đi đánh Mỹ, bao năm ròng chiến tuyến đây thầm lặng nhịp chèo lập công. Mỗi chuyến đò một trận chiến thắng, A Sanh ơi đẹp mãi chiến công".