09/01/2025 lúc 09:27 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại khu vực trung du, miền núi phía Bắc

Kế thừa truyền thống của quê hương anh hùng và thành quả sau hơn 35 năm đổi mới, với tinh thần nêu cao ý chí, tự lực tự cường, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đẩy mạnh thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du MN phía Bắc vào năm 2030.
Thành phố Thái Nguyên - trung tâm hành chính, kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên - không ngừng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại _ Ảnh: thainguyen.gov.vn

1- Tỉnh Thái Nguyên thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên trên 3.500km2, dân số hiện nay trên 1,3 triệu người, có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 thành phố, 1 thị xã và 6 huyện). Với vị trí thuận lợi về giao thông, là cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ; là điểm nút quan trọng kết nối với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Về tài nguyên, tỉnh được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với hàng trăm điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản, như vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng… Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn của cả nước với hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên trong và ngoài nước, nơi tập trung nguồn nhân lực quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, tỉnh Thái Nguyên có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn, như khu công nghiệp Yên Bình, Sông Công I, Sông Công II, Điềm Thụy, Nam Phổ Yên... Tiếp tục phát huy các lợi thế, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển nhiều ngành công nghiệp hiện đại, như điện tử và vi mạch bán dẫn; chế tạo máy, gia công kim loại và cơ khí lắp ráp; công nghiệp nhẹ, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất kim loại; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản... Nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường trong nước và nước ngoài, như: sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử, sản phẩm cơ khí, may mặc, chè...

Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, sáng tạo, giữ vững niềm tin theo Đảng, vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, tỉnh Thái Nguyên đã vươn lên trở thành tỉnh có bước phát triển nhanh trong khu vực và cả nước. Trong giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng; các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp; môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nâng cấp. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) (theo giá hiện hành) đạt 116 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,1% tổng quy mô GRDP của vùng trung du miền núi phía Bắc; thu ngân sách đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015.

Tỉnh Thái Nguyên là một trong những tỉnh đứng đầu trong vùng về sản xuất công nghiệp; năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt 783.619 tỷ đồng, gấp 2,07 lần so với năm 2015, đứng thứ 4 cả nước. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp có bước phát triển mạnh trong giai đoạn 2016 - 2020 với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,8%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 239,1 nghìn tỷ đồng, tăng 18,98% so với giai đoạn 2011 - 2015; hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư bình quân giai đoạn đạt 5,4. Tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư và trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tính đến hết tháng 8-2021, tỉnh thu hút 820 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký khoảng 139.665 tỷ đồng, 169 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 8.701 triệu USD; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 8,92%/năm và riêng năm 2020 đạt 24.456 triệu USD, đứng thứ 4 cả nước; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 4,5%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; nông nghiệp chuyển dịch tích cực sang sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gắn với các lợi thế của tỉnh. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng triển khai đồng bộ, hiện đại; thành phố Thái Nguyên được Chính phủ công nhận là đô thị loại I từ năm 2010. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; đến nay, toàn tỉnh có 75,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao…

Hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp được quan tâm, đầu tư phát triển. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 7 khu công nghiệp với tổng diện tích là 2.395ha, đã có 5/7 khu công nghiệp đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy là 61% và tổng số các dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh là 262 dự án; có 18/35 cụm công nghiệp có quyết định thành lập với tổng diện tích là 723ha, thu hút được 64 dự án đầu tư và đạt tỷ lệ lấp đầy 44%; tổng số lao động tại các khu, cụm công nghiệp khoảng 97.800 lao động. Hạ tầng thương mại được đẩy mạnh theo hướng xã hội hóa; trên địa bàn tỉnh hiện có 139 chợ, 5 trung tâm thương mại, 18 siêu thị và hệ thống các cửa hàng tiện ích đã đóng góp tích cực, hiệu quả cho phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh.

Trong những năm gần đây, các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh luôn được xếp thứ hạng cao trong toàn quốc. Năm 2020, chỉ số PCI của tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước và là địa phương dẫn đầu trong khu vực miền núi phía Bắc; chỉ số PAPI xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tỉnh Thái Nguyên cũng chủ động trong chuyển đổi số để tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; là địa phương đầu tiên trong cả nước có Ngày Chuyển đổi số (ngày 31-12 hằng năm). Thực hiện chuyển đổi số được coi là “chìa khóa” giúp địa phương đi tắt, đón đầu, nắm bắt thời cơ, thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đưa tỉnh trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Tỉnh đề ra 37 nhiệm vụ ở cả 3 trụ cột chính, trong đó 8 nhiệm vụ phát triển xã hội số; 11 nhiệm vụ phát triển kinh tế số; 13 nhiệm vụ xây dựng chính quyền số và 5 nhiệm vụ xây dựng hạ tầng đô thị thông minh.

Với quyết tâm triển khai ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ, trên tinh thần chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đến nay, sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiều mục tiêu đã và đang được cụ thể hóa dựa trên 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số đang được thực hiện tích cực. Tỉnh còn xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công, Trung tâm Giám sát an toàn thông tin tỉnh; đưa vào khai thác, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh IOC tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh; thực hiện 1.231 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (trong đó 1.072 dịch vụ cấp tỉnh, 115 dịch vụ cấp huyện và 44 dịch vụ cấp xã); triển khai mô hình phòng họp không giấy… Đầu tư phát triển 3 đô thị thông minh là thành phố Thái Nguyên, thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những kết quả bước đầu này khẳng định tỉnh Thái Nguyên đã đi đúng hướng, thể hiện quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh góp phần quan trọng thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

2- Những kết quả đã đạt được chính là nền tảng, tiền đề vững chắc để tỉnh Thái Nguyên tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Tuy nhiên, đứng trước nhiều thách thức phía trước, để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Một là, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương gắn với các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Tập trung xây dựng, triển khai hiệu quả các giải pháp thực hiện 5 định hướng phát triển mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đề ra; nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung phát triển các ngành có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ và hành động. Trên tinh thần kế thừa và đổi mới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; chủ động xây dựng và tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân; cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các cơ chế, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội; ban hành các nghị quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tế của địa phương; đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo; sắp xếp, kiện toàn bộ máy gắn với tinh giản biên chế, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Hai là, tiếp tục cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Về công nghiệp, tập trung phát triển theo chiều sâu, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu ngành công nghiệp. Ưu tiên thu hút đầu tư những dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị hiện đại; trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp khu vực phía Nam của tỉnh (thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và huyện Phú Bình); thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội; hình thành các cụm công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi để giải quyết việc làm tại chỗ, góp phần giảm nghèo bền vững. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Về nông nghiệp, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường...

Về thương mại, dịch vụ, phát triển đa dạng, chất lượng và bền vững các loại hình dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, tương xứng với lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng các loại hình dịch vụ và thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Ba là, tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và quản lý dự án đầu tư.

Tổ chức xúc tiến đầu tư trực tiếp, gián tiếp theo hướng tiếp nhận có chọn lọc các dự án đầu tư; xây dựng các tài liệu thu hút đầu tư theo ngành, lĩnh vực. Lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực về tài chính, có uy tín; các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thường xuyên rà soát, kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách; xử lý dứt điểm đối với các dự án vi phạm pháp luật, vi phạm về tiến độ, nghĩa vụ tài chính, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án, như: thủ tục đầu tư, đất đai, kế hoạch vốn, thủ tục giải ngân...

Bốn là, tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, tích cực đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính.

Cải cách hành chính và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; tiếp tục nâng cấp, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Thái Nguyên. Đây là cơ sở để đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, hướng tới xây dựng chính quyền số, xã hội số; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, đồng thời xây dựng định hướng chiến lược thu hút, phát triển các doanh nghiệp số có năng lực, uy tín và có khả năng tạo ra các giá trị kinh tế cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tập trung hoàn thiện và triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Thái Nguyên. Chủ động có giải pháp, xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện các chỉ số thành phần thấp điểm trong các bộ chỉ số PAR INDEX, PCI, PAPI, đồng thời tiếp tục duy trì, cải thiện, phát huy những điều kiện lợi thế đối với các chỉ số thành phần tốt. Chủ động, đồng hành trong quá trình hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình thủ tục, các quy định của pháp luật. Định kỳ đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Năm là, tăng cường liên kết, phát triển kinh tế vùng.

Phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương, tính liên kết nội vùng và liên vùng dựa trên lợi thế so sánh và sự phân công, phối hợp giữa các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Phối hợp trong xây dựng quy hoạch phát triển ngành và vùng ở từng địa phương; phối hợp trong việc hình thành các chính sách thu hút và phân bổ đầu tư; xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cấp vùng, khu vực; xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, vùng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, trung tâm thương mại, trung tâm nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực...

Sáu là, tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Đẩy mạnh công tác đối ngoại Đảng, hoạt động ngoại giao chính quyền và đối ngoại nhân dân thông qua các hoạt động trao đổi đoàn; thiết lập và triển khai quan hệ hữu nghị với các địa phương, tổ chức nước ngoài thông qua việc ký kết thực hiện các thỏa thuận, văn bản hợp tác quốc tế… kết hợp với bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường yên bình và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bảy là, tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một nhiệm vụ quan trọng. Quy hoạch tốt sẽ tạo tiền đề cho tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững, đồng thời góp phần phát triển vùng trung du miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô và cả nước./.

Nguyễn Thanh Hải

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên

...