17/01/2025 lúc 13:09 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Tăng trưởng trong gian khó

5 tháng đầu năm, mặc dù trải qua 2 đợt dịch COVID-19 (đợt 3 và 4), trong đó xuất hiện 3 bệnh nhân COVID-19 đều là công nhân, có bệnh nhân liên quan tới khu công nghiệp của tỉnh, nhưng chúng ta vẫn bình tĩnh dập dịch với những đối sách quan trọng để khống chế, tránh lây lan ra diện rộng. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế của tỉnh dự ước 6 tháng đầu năm vẫn đạt khá, các ngành, lĩnh vực kinh tế đều ổn định và tăng so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, Thái Nguyên đang là một trong những địa phương thực hi

5 tháng đầu năm, mặc dù trải qua 2 đợt dịch COVID-19 (đợt 3 và 4), trong đó xuất hiện 3 bệnh nhân COVID-19 đều là công nhân, có bệnh nhân liên quan tới khu công nghiệp của tỉnh, nhưng chúng ta vẫn bình tĩnh dập dịch với những đối sách quan trọng để khống chế, tránh lây lan ra diện rộng. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế của tỉnh dự ước 6 tháng đầu năm vẫn đạt khá, các ngành, lĩnh vực kinh tế đều ổn định và tăng so với cùng kỳ. Điều này cho thấy, Thái Nguyên đang là một trong những địa phương thực hiện khá tốt “mục tiêu kép” mà Chính phủ chỉ đạo.

Dây chuyền sản xuất gạch ốp lát tại Công ty cổ phần Prime Phổ Yên (T.X Phổ Yên).

Phòng, chống dịch hiệu quả

Sau dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, dịch COVID-19 diễn biến khá phức tạp trong cả nước và bùng phát mạnh ở một số địa phương, trong đó có các tỉnh, thành giáp ranh với Thái Nguyên. Mặc dù đã nâng một bước cấp độ phòng, chống, song không thể trách khỏi việc xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn. Trước khi xuất hiện các ca bệnh, ngay từ chiều 2-5, UBND tỉnh đã cho kích hoạt trở lại các chốt kiểm soát liên ngành về phòng, chống dịch tại các cửa ngõ, tuyến đường ra, vào địa bàn tỉnh; xây dựng các khu cách ly tập trung, tổ chức cách ly ngay đối với các trường hợp nhập cảnh; tổ chức tiêm vắc xin đợt 1 cho các đối tượng thuộc diện ưu tiên…

Bên cạnh đó, yêu cầu các bệnh viện thực hiện Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch; duy trì công tác truyền thông cho cán bộ y tế, người bệnh và nhân dân, tránh tư tưởng hoang mang, dao động trước các thông tin về dịch bệnh. Yêu cầu các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng kịch bản ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra; tổ chức các đội phản ứng nhanh; cử cán bộ y tế làm nhiệm vụ sàng lọc, phân luồng phòng chống dịch, hỗ trợ cho các khu cách ly tập trung, các khu cách ly chuyên gia theo kế hoạch của ngành y tế và của tỉnh.

Khi xuất hiện các ca dương tính, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của tỉnh đã bình tĩnh chỉ huy lực lượng hỗ trợ các địa phương chống dịch hiệu quả. Trực tiếp các đồng chí lãnh đạo tỉnh xuống cơ sở, vào vùng dịch chỉ đạo, đồng thời ban hành nhiều văn bản yêu cầu ngành chuyên môn, địa phương, đơn vị quyết liệt vào cuộc, truy vết thần tốc, xét nghiệm diện rộng, cách ly hiệu quả đảm bảo khả năng thấp nhất lây lan ra cộng đồng. Kết quả, đến nay đã truy vết được 705 trường hợp F1, trên 10.000 trường hợp F2, F3, hiện sức khỏe của các trường hợp này đều ổn định, không có diễn biến bất thường.

Hiện tại, tỉnh đã chỉ đạo kiểm soát chặt đường mòn, lối mở, siết mạnh hoạt động ra vào địa phương nhưng đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là không “ngăn sông, cấm chợ”, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.

Kinh tế tăng trưởng dương

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, lưu thông thị trường khó khăn, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, một số lĩnh vực công nghiệp chủ lực của tỉnh (sản xuất điện thoại, máy tính bảng) bị ảnh hưởng, nguyên liệu đầu vào gặp khó khăn, lực lượng lao động bị thiếu hụt... Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp không vì thế mà đình trệ. Bằng chứng là giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh dự ước 6 tháng đầu năm vẫn đạt trên 361 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cả công nghiệp trung ương, công nghiệp địa phương và công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều tăng từ 7,9% đến 17,7%.

Xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ vonfram của Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Đại Từ). 

Ngoài ra, tính đến hết tháng 5, số doanh nghiệp đăng ký mới so với cùng kỳ năm trước cũng tăng tới gần 30% với số vốn gấp hơn 2 lần. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội của tỉnh cũng tăng 16,3% so với cùng kỳ; dư nợ cho vay đối với nền kinh tế tăng 3,2%; tổng doanh thu hoạt động vận tải tăng 18,9%; tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 13,5%; thu ngân sách Nhà nước tăng 11,81%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,4%...

Chính từ kết quả này mà tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 6,5% so với cùng kỳ năm trước, tình hình sản xuất không bị đứt gẫy, đời sống dân cư được cải thiện và nâng cao. Tuy vẫn thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch cả năm là 7%, nhưng trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì kết quả trên được xem là hết sức tích cực.

Không để sản xuất đứt gẫy

Mặc dù kiểm soát khá tốt dịch bệnh, kinh tế vẫn tăng trưởng dương nhưng nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát vẫn rất cao, thị trường trong nước, quốc tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên 6 tháng cuối năm nay để đạt được mục tiêu đề ra không hề đơn giản. Cùng với phòng, chống dịch hiệu quả, điều cần nhất để duy trì và cải thiện tăng trưởng kinh tế chính là không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Muốn vậy, phải kiểm soát tốt dịch bệnh, tránh lây lan trong các khu, cụm công nghiệp; có cơ chế, chính sách khuyến khích và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp. Dù 6 tháng đầu năm dự ước giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,5%, nhưng 6 tháng cuối năm phải tăng được ít nhất 6,3% cùng kỳ và tăng tới 32,5% so với 6 tháng đầu năm nay thì mới đảm bảo tốc độ tăng trưởng đề ra cả năm. Thực tế 5 tháng qua cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 312 doanh nghiệp, chi nhánh tạm ngừng hoạt động, 235 doanh nghiệp và chi nhánh đóng mã số thuế nên cũng gây những ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng của tỉnh.

Do vậy, cần phải có ngay các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Cần thiết phải đẩy mạnh kích cầu, phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh hoạt động quảng bá du lịch; khai thác tối đa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mới; hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách. Hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng cần có cơ chế, chính sách vốn vay phù hợp để kích thích sản xuất, tiêu dùng… Điều cần nhất là từng địa phương, doanh nghiệp phải có những phương án căn cơ, hiệu quả, nỗ lực tự thân để vừa thực hiện tốt công tác chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.