19/12/2024 lúc 20:12 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Tăng cường đầu tư nguồn lực cho phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn được đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 16 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, bán trú và 51 trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn với gần 14.000 học sinh. Để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh ở vùng Dân tộc thiểu số, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm thực hiện tốt các chương trình kiên cố hóa trường, lớp học mầm non và tiểu học, triển khai các đề án đầu tư xây dựng mở rộng quy mô các trường Phổ thông dân tộc nội trú, dự án xóa phòng học tạm vùng đặc biệt khó khăn. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2022, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng mở rộng, tăng quy mô tuyển sinh các trường nội trú. Song song với đó, tỉnh Thái Nguyên cũng quan tâm đầu tư mua sắm, sửa chữa, cải tạo nâng cấp các trường Phổ thông Dân tộc bán trú với tổng kinh phí thực hiện 5 năm qua là trên 26 tỷ đồng. Nhờ có hệ thống trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông Dân tộc bán trú nên chất lượng giáo dục của học sinh dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến rõ rệt như: Tỷ lệ huy động học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi ra lớp tăng, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số bỏ học giảm, môi trường học tập ở trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông Dân tộc bán trú cũng giúp học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận nhanh hơn với tiếng Việt, công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học được thực hiện hiệu quả.

Khu nội trú trường PTDTNT THCS Đồng Hỷ được đầu tư khang trang.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn bao gồm: Học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, tiền ăn, gạo cũng được tỉnh Thái Nguyên thực hiện kịp thời. Các chính sách này đã hỗ trợ đắc lực việc học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số, giúp các em có thêm động lực đến trường. Tính trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ trên 20 tỷ đồng cho học sinh trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo quy định số 116 của Chính phủ; hỗ trợ 15 tỷ đồng tiền ăn trưa cho trẻ mầm non; trên 21 tỷ đồng chế độ miễn giảm học phí, chi phí học tập. Riêng trong năm học 2022-2023, toàn tỉnh có trên 3.000 học sinh của 50 trường thuộc 06 huyện, thành phố được hỗ trợ gạo theo nghị định số 116 với tổng số trên 411 tấn gạo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên tặng quà động viên giáo viên, học sinh tại điểm trường xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ.

Thông qua sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Thái Nguyên chất lượng giáo dục vùng miền núi đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực như: Tỷ lệ học sinh có lực học khá, giỏi, học sinh dân tộc thiểu số đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông hàng năm đều tăng; các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông Dân tộc bán trú được đầu tư mở rộng, để góp phần duy trì tỷ lệ ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường Phổ thông Dân tộc nội trú theo chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20 đề ra. Tuy nhiên, công tác phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh Thái Nguyên cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Bởi lẽ, một bộ phận người dân ở các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn chưa thật sự quan tâm đến việc học của con em. Cơ sở vật chất trường lớp ở một số nơi xuống cấp và còn thiếu thốn; việc huy động xã hội hóa còn hạn chế…

Điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập của các em học sinh trường PTDTNT THCS Phú Lương luôn được đảm bảo.

Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở các cấp học. Trong đó phấn đấu ít nhất 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đi học đạt 100%, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi đi học đạt 99% trở lên, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi đi học đạt 99% trở lên, Trung học phổ thông tỷ lệ học sinh trong độ tuổi từ 15 đến 17 tuổi đi học đạt 90% trở lên. Do vậy, để thúc đẩy phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số miền núi trong thời gian tới, các cấp ngành, địa phương đang tiếp tục tăng nguồn lực đầu tư cho công tác phát triển giáo dục, từ đó góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, tiến gần ngang bằng với các vùng miền trong cả nước.

Cơ quan miền núi phía Bắc