Sau hơn 1 tháng cả nước không ghi nhận ca dương tính COVID-19 nào trong cộng đồng, thì từ ngày 27-4 trở lại đây, liên tiếp có thêm các ca mắc mới. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các địa phương. Tại Thái Nguyên, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang nỗ lực để đồng thời thực hiện cả 3 nhiệm vụ, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển KT-XH và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Công nhân Công ty TNHH Glonics Việt Nam, tại phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt quá trình làm việc.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng: 4 tháng đầu năm, nhờ làm tốt công tác phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 nên tình hình KT-XH của tỉnh có nhiều khởi sắc. Đáng chú ý, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 201,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020 (cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước); giá trị xuất khẩu ước đạt 9,72 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ, bằng 34,5% kế hoạch cả năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 4.677 tỷ đồng, bằng 30% dự toán; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 14,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ... Theo kết quả khảo sát thực hiện trong quý I, có tới 57,1% doanh nghiệp (DN) chế biến, chế tạo dự báo tình hình sản xuất quý II sẽ tốt lên; chỉ có 4,76% số DN dự báo khó khăn hơn.
Tuy nhiên, bước sang tháng 5, việc thực hiện các chỉ tiêu KT-XH không còn thuận lợi như những tháng đầu năm khi tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, với số ca mắc mới liên tục tăng, trong đó có nhiều tỉnh, thành nằm giáp ranh với Thái Nguyên ghi nhận bệnh nhân mắc COVID-19. Theo ông La Hồng Ninh, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, thời điểm này, rất khó để có thể dự báo việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch năm nay của tỉnh.
Còn ông Dương Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho rằng: Dù trong hoàn cảnh nào thì tập trung phát triển KT-XH và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cùng với đó là tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Để làm được điều này, huyện đã xây dựng kịch bản cho nhiều tình huống có thể xảy ra, từ phương án cách ly 100 đến 300 người và ở mỗi xã, thị trấn trên địa bàn cũng đều có kịch bản để ứng phó cụ thể với tình hình dịch bệnh. Khối lượng công việc nhiều, trong khi thời gian xử lý phải nhanh hơn và vẫn đảm bảo các quy định nên những ngày này, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn huyện đều phải tăng thời gian làm việc trong ngày và đi làm cả thứ 7, Chủ nhật; giảm bớt các cuộc họp chưa cần thiết để ưu tiên giải quyết những vấn đề KT-XH cấp thiết.
Không riêng Phú Bình, thời điểm này, các huyện, thành, thị cùng các sở, ngành của tỉnh đều đang phải “căng mình” thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, cũng như các mục tiêu phát triển KT-XH và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để tổ chức thành công cuộc bầu cử. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong thực hiện nhiệm vụ của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, đó là, kết quả hoạt động của ngành Công nghiệp khai khoáng đạt được trong những tháng đầu năm còn thấp; số DN tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn ở mức cao với 319 DN (trong khi số DN thành lập mới là 275); giá trị sản xuất công nghiệp tiếp tục phải hoàn thành ở mức cao trong bối cảnh khó khăn...
Trước thực tế này, tại phiên họp thứ 48 của UBND tỉnh diễn ra ngày 12-5, đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 đã được tỉnh thông qua; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, đó là vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; vừa tập trung phục hồi và phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Các ngành, địa phương chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt mục tiêu đề ra. Từng cán bộ, công chức phải nêu cao tinh thần tự giác, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, hướng đến cái chung, lấy cái chung làm đầu...
Ngoài ra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặc biệt lưu ý, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; bình tĩnh, sáng suốt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; động viên, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân để mọi người, mọi nhà tập trung phòng, chống dịch hiệu quả; quản lý chặt chẽ việc cách ly y tế, nhất là đối với người nhập cảnh vào địa phương; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng...