07/01/2025 lúc 09:33 (GMT+7)
Breaking News

Thái Nguyên: Kỳ vọng dự án nuôi cá Chép giòn thương phẩm ở huyện Đồng Hỷ

Với nguồn nước sạch dồi dào từ suối Cây Thị và rừng phòng hộ đầu nguồn chảy ra là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản tại Thái Nguyên. Tận dụng điều đó Ông Lê Văn Hải, xóm Tân Thành, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ và một số hộ dân đã thành lập Hợp tác xã Hai Lúa, đang tiến hành triển khai thực hiện dự án nuôi cá Chép giòn thương phẩm, dự án hứa hẹn sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Dự án nuôi cá Chép giòn thương phẩm do Hợp tác xã Hai lúa chủ trì, theo đó cơ sở nuôi cá của dự án khoảng 4ha (40000m2) tại xã Cây Thị và 7ha (70000m2) tại xã Nam Hòa huyện Đồng Hỷ nơi có nguồn nước sạch chủ động tại dọc suối Cây Thị. Theo kết quả đánh giá môi trường, chất lượng nước ở đây phù hợp với nước nuôi cá Chép giòn thương phẩm.

Cá chép giòn có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Ông Lê Văn Hải – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Hai Lúa, cho biết: Cá chép giòn là giống cá có giá trị kinh tế cao. Để nuôi cá chép giòn thành công không quá khó, tuy nhiên để cá xuất bán thực sự đạt độ giòn, chất lượng tương xứng với giá trị kinh tế, thì điều quan trọng phải nắm vững kỹ thuật nuôi.

Hạt đậu tằm chưa ngâm và hạt đậu tằm sau ngâm.

Cá chép giòn là cá chép có  thịt chắc và ngon hơn cá chép thường do được nuôi bằng hạt đậu tằm – đậu tằm là một loại thức ăn cho cá chép vừa bảo đảm chất lượng thịt cho cá, vừa làm cho môi trường sạch hơn. Thực chất cá chép giòn chính là cá chép thường, đó là sau khi nuôi cá đạt trọng lượng khoảng 1kg/con, sẽ  tiến hành vỗ béo cá bằng đậu tằm. Loại đậu có hàm lượng protein khá cao gồm 31%, với 8 loại axit amin thiết yếu và hàm lượng tinh bột là 49%… chính là điều kiện thay đổi chất lượng thịt của cá, giúp tăng độ dai cơ thịt khiến cho thịt của cá chép giòn khác với thịt cá chép bình thường. Ban đầu, cá chép giòn chủ yếu được nhập khẩu từ Liên bang Nga và Hungary. Sau đó, một số hộ đã tiến hành lai tại giống cá giòn nhập khẩu từ châu âu với cá trắm Việt Nam và đồng thời cho chúng ăn đậu tằm để trở thành “cá giòn” của Việt Nam như hiện nay. Thời gian nuôi cá chép giòn tương đối dài hơn cá chép thường khoảng 3 tháng.

Khơi thông dòng chảy lấy nguồn nước từ Suối Cây Thị.

Với mục tiêu tạo ra sản phẩm mới, chất lượng cao trên địa bàn xã Cây Thị và xã Nam Hòa của huyện Đồng Hỷ. Làm đa dạng hóa các sản phẩm, sản vật địa phương phù hợp với điều kiện, lợi thế có sẵn và gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Đồng Hỷ. Góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Từ đó giúp đóng góp vào nguồn ngân sách địa phương từ các khoản thuế phải nộp.

Ông Hải cũng cho biết thêm, sau dự án nuôi cá chép giòn, HTX sẽ tiếp tục nghiên cứu, trau dồi kiến thức thực hiện nuôi thí điểm mô hình cá tầm một đối tượng thủy sản có giá trị rất cao là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường. Tại Việt Nam, cá tầm được đưa vào nuôi từ năm 2005, với những nỗ lực nhằm khai thác nguồn lợi thủy sản nước lạnh tại các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua tại nhiều tỉnh đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới.

Mặc dù mới chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi gia cầm sang mô hình chăn nuôi thủy sản, nhưng hợp tác xã Hai Lúa đã và đang hoạt động hiệu quả, điều này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa xã hội, tạo việc làm ổn định và đem lại thu nhập cho lao động địa phương. Qua đó, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện Đồng Hỷ.

Thái Bình - Hồng Nguyễn