Thực hiện mục tiêu, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt, hợp vệ sinh lên 98% vào năm 2025 theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20. Tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục quan tâm, triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để người dân trên địa bàn tỉnh có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng, trong đó, chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021- 2025 đã đưa vấn đề hỗ trợ nước sinh hoạt (bao gồm: hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung) là một trong những trọng điểm.
Cùng với việc đầu tư mới công trình nước sạch cho vùng dân tộc miền núi, nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán thuộc dự án 1, chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi còn giúp cho các hộ đồng bào dân tộc có vật tư để an tâm dùng nước sạch. Có thể kể đến như, đầu năm 2023, UBND huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ téc chứa nước cho hơn 300 hộ gia đình của 12 xã trên địa bàn, mỗi téc chứa nước được cấp có thể tích 1.000 lít, tổng số tiền thực hiện chương trình này là trên 1 tỷ đồng. Việc cấp téc chứa nước là để các hộ nghèo DTTS trên địa bàn huyện Phú Lương sử dụng chứa nguồn nước sạch, giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận và sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt và đời sống, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 250 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Trong đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý 25 công trình, còn lại là do UBND cấp xã, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức khác quản lý. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh Thái Nguyên đạt tỷ lệ 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Cùng với nội dung đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia đối với vùng dân tộc miền núi từ năm 2022 đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên còn thực hiện dự án cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn với số vốn hơn 108 tỷ đồng, để xây mới, sửa chữa 23 công trình cấp nước, đưa tỷ lệ 98% dân số nông thôn (tăng 3% so với hiện nay) được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Việc phấn đấu đến năm 2025, có 98% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20 sẽ là bước ngoặt, làm thay đổi diện mạo, cuộc sống của người dân nông thôn, góp phần giảm thiểu tỷ lệ dân số bị mắc các bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh.
Hiệu quả của hoạt động đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình cấp nước và cung cấp vật tư về nước sạch cho người dân nông thôn và miền núi là rất rõ ràng và thiết thực. Tuy vậy, thực tế cho thấy cũng còn có những công trình còn chưa phát huy được hiệu quả do khó khăn hạn chế về năng lực quản lý. Do vậy, hoạt động quản lý sau đầu tư các công trình, cũng như tạo nguồn thu từ công trình cấp nước ở nông thôn và miền núi; để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình; tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo quản công trình và sử dụng nước đối với người dân vùng được hưởng lợi là điều rất cần thiết, nhằm phát huy giá trị của công trình đã được đầu tư.
Có thể thấy, việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước, hỗ trợ đồng bào DTTS về nước sạch không những thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên phát triển mà còn góp phần làm thay đổi tập quán sinh hoạt của người dân địa phương các xã miền núi.