VNHN - Vào ngày 20/10 vừa qua, sân bay Suvarnabhumi (Bangkok - Thái Lan) đã đón một đoàn khách bao gồm 39 người đến từ Thượng Hải (Trung Quốc). Chuyến bay “lịch sử” này đã chấm dứt 7 tháng vắng bóng khách quốc tế đến Thái Lan và đem lại hy vọng về việc phục hồi ngành du lịch cho quốc gia này trong tương lai gần.
Một lễ hội thu hút rất nhiều khách du lịch tại thủ đô Bangkok – Thái Lan
Đoàn khách này chính là những người tiên phong hưởng ứng chương trình “Thị thực du lịch đặc biệt” do chính quyền Thái Lan đưa ra nhằm khôi phục từng bước nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch. Theo ước tính từ chính phủ, quốc gia này sẽ đón khoảng 6.7 triệu lượt khách du lịch vào năm nay, chỉ bằng ⅕ con số kỉ lục 39.8 triệu lượt khách của năm 2019.
Phuket - “hòn đảo hoang” trong đại dịch
Phuket là điểm thu hút khách du lịch lớn thứ hai tại Thái Lan, chỉ xếp sau sau thủ đô Bangkok. Chỉ tính riêng trong năm 2019, hòn đảo này đã đón tới hơn 9 triệu lượt khách du lịch.
Thế nhưng đại dịch COVID-19 đã biến Phuket từ một điểm đến nhộn nhịp bậc nhất Thái Lan thành một “hòn đảo hoang”. Việc dừng khai thác hoàn toàn các đường bay quốc tế tới Thái Lan đã làm mất đi nguồn thu nhập chính của Phuket. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, hoạt động du lịch đã đóng góp tới 80% lợi nhuận và cung cấp việc làm cho 300,000 người trên hòn đảo này.
Bãi biển Phuket “vắng lặng như tờ” trong đại dịch
Ước tính, tới tháng 10 năm 2020, hơn 3000 khách sạn tại Phuket đã phải đóng cửa. Các nhà hàng, quán bar và các khu giải trí khác cũng chịu chung số phận, hoặc nếu khả quan hơn là hoạt động cầm chừng chờ ngày đón khách quốc tế trở lại.
Du lịch Thái Lan trong “cơn bão lớn”
Phuket rõ ràng không phải là điểm du lịch duy nhất của Thái Lan duy nhất chịu ảnh hưởng nặng nề của “cơn bão” COVID-19. Trong nhiều năm liền, thủ đô Bangkok được xếp hạng là thành phố được ghé thăm nhiều nhất thế giới (theo Chỉ số Điểm đến toàn cầu của Mastercard). Con đường du lịch nổi tiếng Khao San trước từng đón khách du lịch không kể ngày đêm với những quán bar hay hostels đầy ắp người, nay đã trở thành một con phố vắng.
Khung cảnh tấp nập của đường Khao San (Bangkok) trước đại dịch
Trước đại dịch COVID-19, Thái Lan thường nhận được doanh thu không dưới 2 nghìn tỷ baht mỗi năm từ khách du lịch quốc tế. Đối với một quốc gia có tỉ trọng du lịch chiếm tới 11.4% GDP, COVID-19 đúng là một cơn ác mộng. "Đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay đối với ngành du lịch nước tôi; sóng thần, SARS, MERS, cúm gia cầm, biến động chính trị - không có cuộc khủng hoảng nào tồi tệ như COVID-19. Nó đã thay đổi mọi thứ", ông Tanes Petsuwan - một chuyên viên marketing tại Tổng cục Du lịch Thái Lan chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Để đánh giá cụ thể hơn những ảnh hưởng của COVID-19 đối với ngành “công nghiệp không khói” này, trong tháng 9 vừa qua, Tổng cục Du lịch Thái Lan đã lấy mẫu khảo sát 628 công ty kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Trong các đối tượng được khảo sát, chỉ có 60% số công ty bán tour du lịch có thể mở cửa trở lại, trong khi đối với các nhà hàng, khách sạn, công viên giải trí thì con số này có khả quan hơn (xấp xỉ 80%). Vẫn còn rất nhiều công ty và hộ kinh doanh du lịch vẫn còn phải đóng cửa vì những lý do chính: vắng bóng khách nước ngoài và thiếu nhu cầu từ thị trường.
Đường phố Bangkok vắng lặng trong “cơn bão” COVID-19
Những nỗ lực phục hồi du lịch quốc tế
Thái Lan đã có những chính sách để phòng chống hiệu quả coronavirus, với khoảng 3,300 ca nhiễm và chưa tới 60 ca tử vong tính đến tháng 10/2020. Đã đến lúc chính phủ của quốc gia này tìm cách phục hồi lại nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực du lịch.
Du khách mặc đồ bảo hộ tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok) tháng 6 vừa qua
Trong tháng 9 vừa qua, Nội các Thái Lan đã phê duyệt chương trình “Thị thực Du lịch Đặc biệt” (STV) cho du khách lưu trú dài ngày trong nỗ lực phục hồi từng bước ngành du lịch ở quốc gia này. Cụ thể, du khách có thị thực dạng STV được phép ở lại quốc gia này trong vòng 90 ngày và được gia hạn thêm hai lần, mỗi lần thêm 90 ngày nếu muốn.
Chính phủ Thái Lan đang nỗ lực “làm đầy” lại những sân bay vắng lặng do COVID-19
Du khách xin cấp thị thực STV sẽ phải xuất trình bằng chứng cho việc lưu trú dài hạn của họ ở Thái Lan, chẳng hạn như biên lai thanh toán khách sạn hoặc hợp đồng thuê một căn hộ tại địa phương. Sau khi được cấp thị thực, du khách sẽ phải tuân thủ quy định cách li tập trung trong vòng 14 ngày.
Bộ trưởng Du lịch và Thể thao của Thái Lan dự kiến sẽ có khoảng 400 du khách nước ngoài tới nước này vào đầu tháng 11 và bày tỏ tin tưởng rằng tình hình biểu tình ở Bangkok sẽ không ảnh hưởng đến con số này. Trong vòng 1 tuần từ 20-26/10 vừa qua, tổng cộng đã có 186 du khách Trung Quốc tới Thái Lan. Các hành khách trên những chuyến bay đặc biệt này không có biểu hiện sốt, ho, khó thở và cũng không có kết quả dương tính với COVID-19.
Những du khách quốc tế đầu tiên đến Thái Lan sau 7 tháng
Tuy nhiên, theo thông tin từ Thời báo Hoàn cầu, phần lớn các hành khách tới Thái Lan đều là theo diện công tác hoặc thăm gia đình, chứ không nhằm mục đích du lịch. Thông tin này đến từ tâm lí ngại ngần của người dân trên khắp thế giới với việc đi du lịch nước ngoài trong bối cảnh tổng số ca nhiễm COVID-19 đã lên tới 44,5 triệu người. Sẽ cần rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian để những quốc gia phụ thuộc vào du lịch như Thái Lan có thể hồi phục hoàn toàn sau cơn sốc COVID-19. Nhưng chương trình “Thị thực Du lịch Đặc biệt” (STV) chính là bước đi đầu tiên của chính phủ Thái Lan trong việc hiện thực hóa mơ ước đưa Bangkok, Phuket, Pattaya về thời hoàng kim trước đại dịch.
Thanh Ngân