25/11/2024 lúc 06:40 (GMT+7)
Breaking News

Thách thức lớn với các nền kinh tế

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang là hai thách thức lớn có thể trở thành “gáo nước lạnh” dội vào triển vọng phục hồi của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.

Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đang là hai thách thức lớn có thể trở thành “gáo nước lạnh” dội vào triển vọng phục hồi của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu.

Trụ sở FED. Ảnh: FED

Tại một phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vừa diễn ra, Thống đốc FED đã phát đi tín hiệu về một đợt tăng lãi suất vào tháng 3/2022 để chống lại tình trạng lạm phát quá “nóng” tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, FED sẵn sàng cho động thái tăng lãi suất ngay sau khi chương trình mua tài sản của họ kết thúc. Ðiều này mở ra cơ hội cho FED tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3 tới. Trước đó, định chế tài chính này đã công bố kế hoạch mua đợt trái phiếu chính phủ cuối cùng vào tháng 2/2022, sớm hơn một tháng so với dự kiến. Tăng lãi suất đang trở thành “việc cần làm ngay” với FED, trong bối cảnh lạm phát đã tăng phi mã ở Mỹ. Trong tháng 12/2021, lạm phát tại “xứ cờ hoa” đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020-tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm.

Việc FED tăng lãi suất có thể giúp “ghìm cương” lạm phát của nước Mỹ, song đặt nhiều nền kinh tế khác trước những thách thức không nhỏ. Giới phân tích cho rằng, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, vì thế khi FED tăng lãi suất thì dòng tiền sẽ bị hút về Mỹ. Theo đó, các thị trường quan trọng như chứng khoán, bất động sản, vàng, dầu,… đều bị tác động và điều này có thể “cản bước” tăng trưởng của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva (C.Gioóc-giê-va) vừa nhận định rằng, việc tăng lãi suất của FED có thể “dội một gáo nước lạnh” vào sự phục hồi kinh tế vốn đã yếu kém ở một số quốc gia nhất định. Trong phát biểu tại cuộc họp trực tuyến thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos cuối tuần qua, bà Georgieva nói rằng việc tăng lãi suất của FED có thể còn tác động đáng kể đến các quốc gia có các khoản nợ tính bằng USD. Theo bà Georgieva, hiện có khoảng 70% số quốc gia có thu nhập thấp đang lâm vào cảnh “túng quẫn” hoặc có nguy cơ rơi vào cảnh nợ nần, con số này cao gấp đôi so với mức của năm 2015.

Cùng với tác động tiêu cực từ việc FED tăng lãi suất, đại dịch Covid-19 tiếp tục “níu chân” các nền kinh tế. IMF vừa nhận định, nền kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục phục hồi để thoát khỏi sự tàn phá của đại dịch trong năm nay và năm sau, nhưng nguy cơ đối với tăng trưởng vẫn còn lớn do đại dịch tái bùng phát mạnh mẽ. Thực tế cho thấy, kể từ giữa tháng 12/2021, biến thể Omicron đã lây lan trên khắp thế giới, khiến số ca mắc mới Covid-19 liên tục lập những “kỷ lục đáng quên”. Dịch bệnh nghiêm trọng đã khiến ngay trong những ngày đầu năm mới 2022, nhiều nước phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế, gây cản trở đối với tăng trưởng kinh tế. Các chuyên gia của IMF cho rằng, các nền kinh tế mới nổi cần chuẩn bị cho nguy cơ “xáo trộn kinh tế” trước các tác động của Omicron. Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng và nguy cơ nợ công cao cũng là những thách thức không nhỏ với các nền kinh tế.

Sau khoảng một tháng hoành hành, Omicron đã để lại những di chứng đáng lo ngại với các nền kinh tế của “lục địa già”. Kết quả cuộc khảo sát hằng tháng do công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (Anh) công bố ngày 24/1 đã cho thấy, tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone trong tháng 1 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng qua do tác động của biến thể Omicron lên một số lĩnh vực kinh tế. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI)-một chỉ số đánh giá “sức khỏe” kinh tế trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ-đã giảm xuống còn 52,4 điểm trong tháng 1 sau khi đạt 53,3 điểm vào tháng 12/2021. Tại Pháp, thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế của nước này đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 khi lĩnh vực công nghiệp gần như trì trệ và ngành dịch vụ trở nên ảm đạm do tác động của biến thể Omicron. Các chuyên gia của IHS Markit cho rằng, nguyên nhân kinh tế Eurozone trì trệ là do ngành dịch vụ bị ảnh hưởng và các ngành sản xuất gặp khó khăn về nguồn cung.

Trước những thách thức với kinh tế toàn cầu như trên, các chuyên gia kinh tế của IMF dự báo rằng, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng tốc độ phục hồi sẽ không mạnh mẽ như dự báo trước đây. Ða số các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, 2022 sẽ vẫn là năm “vượt chướng ngại vật” với các nền kinh tế trên thế giới. Trong bối cảnh nêu trên, chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục thực hiện giải pháp chống dịch, phục hồi kinh tế quyết liệt và linh hoạt trong năm 2022 này.