Kết thúc năm 2020 với nhiều thành tựu về kinh tế xã hội tích cực, đáng mừng, bên cạnh nỗi lo về sự biến đổi khí hậu phức tạp, thiên tai bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở miền Trung và dịch bệnh Covid 19 đã làm chết nhiều người… Bước sang năm 2021, năm đầu thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21 với sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ là niềm tin, ánh sáng soi đường, dẫn lối toàn dân tộc ta nói chung và các tỉnh Tây Nguyên nói riêng tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh liên kết vùng, hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn.
Nhiều thành tựu về kinh tế xã hội tích cực, đáng mừng.
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng) dân số gần 6 triệu người, diện tích tự nhiên 54.470 km2, bằng 1/6 diện tích cả nước. Tây Nguyên có đường biên giới dài hơn 600 km giáp Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, là vùng có vị trí địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, dân cư, văn hóa rất đa dạng và đặc thù được xem như là mái nhà có chức năng phòng hộ, là địa bàn chiến lược phòng thủ rất quan trọng của miền Trung và cả nước.
Lịch sử vùng đất Tây Nguyên từ xưa vốn là nơi sinh sống của các bộ tộc thiểu số. Thời nhà Tây Sơn, rất nhiều bộ tộc Tây Nguyên đã gia nhập quân Tây Sơn, đặc biệt với đội tượng binh nổi tiếng trong cuộc hành quân của Nguyễn Huệ “Áo vải cờ đào” tiến công ra Bắc đánh tan quân Thanh xâm lược. Người lãnh đạo việc hậu cần này của quân Tây Sơn là người dân tộc Ba Na, vợ của Nguyễn Nhạc Tây Sơn thượng đạo. Vùng đất phía Tây đèo An Khê là một căn cứ cho lực lượng Tây Sơn dấy binh khởi nghĩa, lập nên chiến thắng lẫy lừng mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789 của hoàng đế Quang Trung, Nguyễn Huệ.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, mùa Xuân năm 1975 với chiến thắng Buôn Ma Thuột, đã mở màn để thần tốc chiến đấu giành thắng lợi giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau khi thống nhất đất nước, Tây Nguyên bước vào hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, gồm ba tỉnh Đắk Lắk (hình thành từ các tỉnh Darlac, Phú Bổn và Quảng Đức), tỉnh Gia Lai - Kon Tum (tỉnh Kon Tum sáp nhập với tỉnh Gia Lai) và tỉnh Lâm Đồng (sáp nhập tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Tuyên Đức). Ngày 21 tháng 8 năm 1991, tỉnh Kon Tum được tái lập và đến ngày 26 tháng 11 năm 2003, tỉnh Đắk Lắk tách thành hai tỉnh là Đắk Lắk và Đắk Nông ngày nay.
Các tỉnh Tây Nguyên có diện tích rộng lớn với đủ các loại địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu khác nhau, tài nguyên thiên nhiên phong phú như khoáng sản, nắng gió, nhiều di tích lịch sử và văn hoá đặc sắc, lâu đời của các dân tộc anh em gắn với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, truyền thống đoàn kết, tính sáng tạo, người dân cần cù, chất phát, tinh thần hiếu học và quyết tâm vượt khó của đồng bào các dân tộc nơi đây luôn được phát huy.
Tây Nguyên rất phù hợp với những cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su....
Tây nguyên có thể chia thành ba tiểu vùng địa hình, đồng thời là ba tiểu vùng khí hậu, gồm Bắc Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai), Trung Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông), Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng). Trung Tây Nguyên có độ cao thấp hơn và nền nhiệt độ cao hơn hai tiểu vùng phía Bắc và Nam. Nằm trong vùng nhiệt đới xavan, khí hậu ở Tây Nguyên được chia làm hai mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Do ảnh hưởng của độ cao nên ở các cao nguyên cao 400–500m khí hậu tương đối mát và mưa nhiều.
Với đặc điểm đất đỏ bazan ở độ cao khoảng 500m đến 600 m so với mặt biển, Tây Nguyên rất phù hợp với những cây công nghiệp như chè, cà phê, cao su, dâu tằm với các đồn điền của người Pháp. Từ sau ngày giải phóng đến nay, thực hiện chủ trương của các cấp ủy Đảng, chính quyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhờ đó các loại cây trồng mới đã phát triển nhanh chóng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các loại cây dược liệu như Đinh Lăng, Hà Thủ Ô, Đương Quy, sâm Ngọc Linh, sâm dây, mật nhân… cũng đã và đang được trồng thử nghiệm để hình thành các vùng dược liệu tập trung, quy mô lớn. Cà phê là cây công nghiệp chủ lực ở Tây Nguyên với gần 610.000 ha (chiếm 90% diện tích cà phê cả nước); cao su là vùng trồng cao su lớn thứ hai sau Đông Nam Bộ với hơn 250.000 ha (chiếm 26%); bơ có 2,8 nghìn ha (chiếm hơn 82%); hồ tiêu có 90.000 ha (chiếm hơn 60%); điều có 83.000 ha (chiếm 28%); bơ có 2,8 nghìn ha (chiếm hơn 82%); sầu riêng có 12,6 nghìn ha (chiếm 34%); vùng rau, hoa tại Lâm Đồng có hơn 30% diện tích được sản xuất theo hướng công nghệ cao... Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung một số sản phẩm chủ lực, là vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp, cây ăn quả, góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm, thủy sản của cả nước, đồng thời từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm.
Tháng 9 năm 2020 vừa qua, Thủ tướng chính phủ đã chủ trì Hội nghị tại Đắk Lắk chủ trương đưa cây mắc ca vào phát triển ở Tây nguyên. Thủ tướng cho rằng đây là một loại cây, loại quả có thể “đi sau, về trước”, cây mắc ca có thể vào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào có thu nhập thấp, là cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Cây mắc ca có ý nghĩa “quốc kế, dân sinh”, mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết nhiều việc làm cho người dân Tây Nguyên.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm chế biến từ quả mắc ca. Ảnh: Khánh Linh
Thời tiết ở Tây Nguyên thuận lợi cho nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo phát triển. Trước đây, nắng gió là khó khăn, trở ngại nhưng nay là tài nguyên, là nguồn lợi to lớn đang được các doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển nhanh chóng. Các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản cũng được đầu tư phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tiềm năng đất đai vùng còn lớn với 2 triệu héc-ta đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước đang được các nhà đầu tư hướng đến, với hành lang kinh tế Đông Tây, vùng kinh tế tam giác phát triển Việt Nam, Lào, Campuchia là những điều kiện thuận lợi. Hạ tầng giao thông dù chưa hiện đại nhưng có thể nói tương đối hoàn chỉnh như sân bay, các tuyến quốc lộ. Nếu sớm đầu tư, nâng cấp các tuyến quốc lộ huyết mạch và các tuyến đường xương cá thì càng thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của cả vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung.
Cơ hội đón nhiều nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính đến nghiên cứu, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư.
Với tiềm năng, thuận lợi đó, giai đoạn 2016-2020, Gia Lai đã thu hút 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần số dự án và 36 lần về số vốn so với giai đoạn 2011-2015). Trong đó, 231 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.500 tỷ đồng; 108 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 50.928 tỷ đồng; 176 dự án điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 715.497,5 tỷ đồng.
Những nỗ lực này đã giúp tỉnh có cơ hội đón nhiều nhà đầu tư chiến lược, có năng lực về tài chính đến nghiên cứu, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, hợp tác như các tập đoàn: FLC, Golf Long Thành, Thành Thành Công, Trung Na, Công ty TNHH Meiwa Việt Nam (thuộc Tập đoàn Meiwa Nhật Bản), Công ty KEPCO KDN (thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc), Hiệp hội Kinh tế-Văn hóa Hàn-Việt (KOVECA), Trung tâm Hợp tác Phát triển Quốc tế Daegu Gyeongbuk (Đại học Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc)…
Trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, tỉnh Đắk Lắk thu hút 318 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 30.880 tỷ đồng. Trong đó có 96 dự án đầu tư đã hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng số vốn trên 7.500 tỷ đồng; 222 dự án đầu tư đang thực hiện thủ tục hoặc đang trong quá trình triển khai. Số vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước thu hút được đã góp phần thực hiện kế hoạch tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm đạt 8,75%/năm (kế hoạch là 8,5 - 9%/năm).
Đặc biệt, năm 2018, 2019, tỉnh Kon Tum đã thu hút được các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn như: Tập đoàn Vingroup, tập đoàn FLC, tập đoàn TH True Milk... đến nghiên cứu và đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; các tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ; dự án điện gió, điện mặt trời... Đối với các dự án đầu tư nước ngoài, tỉnh Kon Tum đã có 363 dự án được cấp phép đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó có 334 dự án đang còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 58.683 tỷ đồng. Đó là những đột phá chiến lược tạo nên sức bật mới, có tác động lan tỏa và liên kết thúc đẩy các vùng kinh tế khác.
Về tài nguyên khoáng sản, tiềm năng lớn nhất là quặng bô-xít của Đắk Nông với trữ lượng dự đoán khoảng 5,4 tỷ tấn, trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỷ tấn, hàm lượng bô-xít nhôm đạt từ 35-40%... Các khoáng sản quý hiếm khác cũng rất đa dạng, như nguồn tài nguyên vàng, đá quý Ngọc Bích, saphia trắng, volfram, thiếc, antimony, sét cao lanh làm gốm sứ cao cấp, puzơlan làm nguyên liệu cho xi măng, gạch ceramic, đá bazan bọt làm nguyên liệu sản xuất gạch ốp lát cách âm, cách nhiệt, sợi chịu nhiệt…
Giai đoạn 2020-2025, UBND tỉnh Đắk Nông mời gọi đầu tư 95 dự án; trong đó, có 40 dự án thuộc các lĩnh vực thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị; 20 dự án nông nghiệp, nông thôn; 19 dự án sản xuất công nghiệp, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và 16 dự án xã hội hóa.
Cùng với tài nguyên cây công nghiệp, tài nguyên khoáng sản, Tây Nguyên rất giàu tiềm năng du lịch, khí hậu mát mẻ quanh năm. Tây Nguyên còn là kho tàng văn hóa phi vật thể khổng lồ, đặc sắc và huyền bí mà rất ít cao nguyên trên thế giới có được, như: Sử thi Tây Nguyên, Trường ca Đam San, Cồng chiêng Tây Nguyên cùng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vỹ, hữu tình như công viên địa chất toàn cầu UNESCO, hội tụ đầy đủ các giá trị tiêu biểu về địa chất, địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học mang tầm khu vực và quốc tế. Trong đó, có hệ thống hơn 50 hang động, núi lửa, được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á, là di sản độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm…Các hồ sinh thái, thác nước, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia với các hệ sinh thái rừng, động, thực vật với nguồn gen quý hiếm, đặc hữu... quần thể di tích Sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng - Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã cho thấy loài người đã sinh sống cách đây trên dưới 800.000 năm ở Tây Nguyên đã gây chấn động giới khảo cổ trong nước và thế giới khiến các sử gia phải viết lại lịch sử loài người, đồng thời thỏa mãn phần nào khát khao của con người trong hành trình đi tìm nguồn gốc của nhân loại.
Với những lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa lâu đời… Tây Nguyên đã và đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước hướng đến, từng bước phát triển thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm của cả nước, với nhiều sản phẩm trở thành chủ lực xuất khẩu như cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả… Tuy nhiên, do điều kiện sản xuất còn manh mún, quy mô nhỏ, năng suất nhìn chung còn thấp, khả năng liên kết còn yếu là những rào cản đối với việc phát triển của nông nghiệp Tây Nguyên. Vì vậy, để nông nghiệp phát triển nhanh, hiệu quả trở thành các ngành hàng xuất khẩu, tập trung quy mô lớn, hiện đại, có tính cạnh tranh quốc tế cao, không có con đường nào khác là phải phát triển theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với quản trị hiện đại, hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm có thương hiệu, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu tài sản trí tuệ thông qua việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hay nhãn hiệu tập thể, qua đó gia tăng các giá trị kinh tế cũng như xã hội của các sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ có tay nghề cao, liên kết doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác, các Hiệp hội ngành hàng để sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
Về du lịch, một trong những hạn chế của thực trạng này là chưa xác định được sản phẩm du lịch đặc thù của vùng; sự trùng lặp về sản phẩm du lịch giữa các địa phương và trong hoạt động tour, tuyến du lịch, làm giảm tính hấp dẫn du lịch và năng lực cạnh tranh du lịch chung của toàn vùng cũng như từng địa phương. Do đó, liên kết để khai thác và phát triển du lịch vùng là yêu cầu cấp thiết của Tây Nguyên theo hướng lấy các khu, điểm du lịch quốc gia làm trọng điểm ưu tiên phát triển để tạo lan tỏa trong toàn khu vực. Hình thành các liên kết phát triển nông nghiệp và du lịch, kể cả ngoại vùng, cơ sở hạ tầng về hàng không, cửa khẩu quốc tế…cũng là một yêu cầu đang đặt ra cho khu vực Tây Nguyên.
Đại biểu Bùi Văn Cường, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Theo ý kiến của tiến sĩ Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk, để Tây Nguyên trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, đóng vai trò quan trọng về quốc phòng - an ninh đối với quốc gia, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến sinh kế của đồng bào các dân tộc nơi đây. Quan tâm đặt biệt đến hạ tầng giao thông. Hiện nay cả nước có khoảng trên 1000 km đường cao tốc, trong khi cả 5 tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa có 1km đường cao tốc nào. Do đó, cần dành nguồn lực phát triển những quốc lộ cao tốc 14, 19, 26, 27 nối các cảng biển để giải bài toán kinh tế về logistics, đồng thời đầu tư để phục hồi tái tạo, bảo vệ rừng gìn giữ màu xanh của vùng cao nguyên đại ngàn, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu và làm giàu thêm tài nguyên du lịch, vùng đất được mệnh danh là mái nhà Đông Dương ở Tây Nguyên.
Thực hiện sớm việc này, cùng với các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa sẽ tạo ra vận hội mới, khí thế mới, sự bức phá cho năm Tân Sửu 2021, năm đầu thập niên mới để các tỉnh Tây Nguyên hội nhập, phát triển, tiếp tục mời gọi, chào đón các doanh nghiệp đến đầu tư, làm giàu, thu hút khách đến tham quan, du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn.
ThS. Nguyễn Dũng - Nguyên Giám đốc Sở tài chính tỉnh Gia Lai
Phó Chủ tịch Hiệp Hội Đầu tư xây dựng dịch vụ Nông Lâm nghiệp Việt Nam.