07/01/2025 lúc 08:54 (GMT+7)
Breaking News

Tạo môi trường cho đội ngũ trí thức khoa học để trí thức cống hiến được nhiều hơn cho đất nước

Để đạt mục tiêu Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, ngay từ bây giờ, không thể chậm trễ, đó là phải tiếp tục đặt khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo vào đúng vị trí của nó, như Đảng, Hiến pháp đề ra, đó là quốc sách hàng đầu. Bên cạnh đó, cần có những chính sách, hoạt động khích lệ tinh thần KHCN và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng hơn nữa.

Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải (TSKH Nghiêm Vũ Khải), nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam đã có những chia sẻ với vusta.vn về Ngày KHCN Việt Nam (18/5).

TSKH Nghiêm Vũ Khải) , nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam

Pv: Đây là năm thứ 10 chúng ta tổ chức Ngày KHCN Việt Nam. Là nhà khoa học và từng là một nhà quản lý trong lĩnh vực KHCN, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư của mình về Ngày KHCN?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Những năm 2012-2013, Bộ KHCN được giao nhiệm vụ chủ trì dự án sửa đổi, bổ sung Luật KHCN năm 2000. Một trong những yêu cầu đặt ra là phải đề xuất với Chính phủ để trình Quốc hội quyết định “Ngày KHCN Việt Nam”.

Được lãnh đạo Bộ KHCN giao nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo Dự án Luật này, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử phát triển nền KHCN nước nhà để tìm ra sự kiện và thời gian xứng đáng nhất. Có một sự kiện, đó là ngày 18/5/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự và phát biểu tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển KHCN ở nước ta, đồng thời giao nhiệm vụ vừa khó khăn, nhưng lại vừa vinh quang cho giới trí thức KHCN Việt Nam. Bác nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Luật KHCN được Quốc hội khóa XIII thông qua tháng 6/2013 với sự đồng thuận rất cao, trong đó Điều 7 quy định: “Ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày KHCN Việt Nam”. Năm nay là lần thứ 10 chúng ta tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày KHCN Việt Nam.

Nhiều quốc gia tiên tiến đều có ngày KHCN hoặc tuần lễ KH&CN. Vào những dịp đó, họ thường tổ chức các hoạt động quảng bá, phổ cập kiến thức, giới thiệu các thành tựu đổi mới sáng tạo, tôn vinh những cống hiến… Các hoạt động như vậy cũng được tiến hành quanh năm, rộng khắp và đa phần là được xã hội hóa với sự tham gia đông đảo của công chúng. Còn ở Việt Nam, các hoạt động chủ yếu tổ chức tập trung vào một vài ngày nhân dịp Ngày KHCN Việt Nam. Điều này chưa thực sự đúng với ý nghĩa và mục đích đặt ra đối với hoạt động hưởng ứng sự kiện quan trọng này.

Pv: Dường như người dân được thụ hưởng rất nhiều thành tựu KHCN hiện đại của thế giới và Việt Nam nhưng lại chưa quan tâm đến phát triển KHCN của đất nước, thưa ông?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Không phải là người dân không hiểu vai trò của KHCN. Hiện nay, đất nước cơ bản giải quyết nạn đói nghèo, đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng cao. Công chúng cơ bản hiểu những kết quả đạt được có sự đóng góp của KHCN. Cách đây 50 năm, nước ta có dân số khoảng 1/3 bây giờ nhưng thiếu gạo, thiếu thực phẩm, đời sống chật vật mọi bề. Ngày nay, diện tích đất đai vẫn thế nhưng đôi khi vẫn phải “giải cứu” rau củ quả thừa. Có được thành quả như vậy chủ yếu là nhờ những tiến bộ KHCN trong cải tạo giống cây trồng, vật nuôi; trong canh tác, chế biến, bảo quản…

Công chúng luôn cổ vũ một cách nhiệt huyết mọi thành tựu mà người Việt Nam đạt được trên các cuộc thi, đấu trường quốc tế, dù là thể thao, âm nhạc hay các kỳ thi Olympic, các phát minh sáng chế KHCN…

Tôi cho rằng, trách nhiệm quan tâm và tạo điều kiện phát triển KHCN trước hết thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Cần có cơ chế để những tư lệnh, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức có liên quan định kỳ họp, trao đổi để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội quyết định những chính sách, cơ chế đột phá cho ngành KHCN và đổi mới sáng tạo nước nhà.

Phải khắc phục ngay tình trạng “hoạt động KHCN nhìn chung còn trầm lắng, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội” đã được nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW (2012) về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Kỷ niệm Ngày KHCN là để công chúng hiểu sâu hơn và rộng rãi hơn vai trò của KHCN và đổi mới sáng tạo, sự đóng góp của giới KHCN. Từ đó có ý thức tôn trọng và hưởng ứng phong trào thi đua sáng tạo, động viên các nhà khoa học hăng say cống hiến cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc hùng cường, sánh vai với các cường quốc. 

Pv: Vậy làm thế nào thu hút hơn nữa giới khoa học tích cực đóng góp vào các vấn đề hệ trọng của đất nước, thưa ông?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Trong những năm 1960, dù chiến tranh rất ác liệt, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn dành sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đặc biệt để triển khai một số biện pháp phát triển khoa học kỹ thuật và giáo dục một cách nhất quán, mạnh mẽ, thể hiện rất rõ tinh thần “giáo dục, đào tạo và khoa học kỹ thuật là quốc sách hàng đầu”.

Khi đó, hàng nghìn học sinh ưu tú đã được gửi sang học và nghiên cứu tại các nước XHCN; một số trường đại học, viện nghiên cứu, ngành học then chốt đã được thành lập và hoạt động. Nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật được đào tạo thế hệ  đó đã đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng sức mạnh quân đội nhân dân cũng như xây dựng thế và lực của cách mạng, góp phần đưa công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đến thắng lợi hoàn toàn. Hơn thế nữa, nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật cũng có nhiều cống hiến to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội từ sau khi đất nước thống nhất cho đến ngày nay.

Học tập và lĩnh hội tư tưởng chỉ  đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội ngũ trí thức KHCN Việt Nam đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu khoa học, tăng cường trao đổi, phổ biến kiến thức, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, phát triển xã hội, xây dựng nền KHCN Việt Nam ngày càng hiện đại và hội nhập với những nền KHCN tiên tiến trên thế giới.

Ngày nay, có hàng trăm nghìn du học sinh, nhà khoa học Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Đây là tài sản quý báu, lực lượng dồi dào, chúng ta cần có những chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Trong bối cảnh công nghệ thông tin, cách mạng 4.0, họ có thể đóng góp, phục vụ phát triển nền KHCN nước nhà mà không nhất thiết phải về nước.

Theo tôi, sự quan tâm với giới trí thức khoa học không phải chỉ đãi ngộ về lương, điều kiện vật chất mà quan trọng nhất là phải tạo môi trường để họ cống hiến. Cần có những chương trình, đề tài, dự án lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước, hay từ các nguồn xã hội hóa khác để tạo ra sản phẩm KHCN mang ý nghĩa đột phá, nâng tầm vị thế nền KHCN nước nhà cũng như tầm vóc nhà khoa học Việt Nam.

Về bản chất, trí thức KHCN Việt Nam rất gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân; có trách nhiệm với xã hội; xứng đáng là một trong 3 trụ cột tạo nên nền tảng “liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” (Điều 2 của Hiến pháp 2013). 

Đất nước đã có những bước tiến dài là điều rất đáng mừng, nhưng trên thực tế chúng ta có thể có những bước tiến nhanh hơn, bền vững hơn thế nữa nếu có những chính sách thực sự mạnh mẽ để khích lệ, tập hợp và đoàn kết trí thức trong cũng như ngoài nước.

Pv: Có ý kiến cho rằng, cần coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp? Ý kiến của ông về vấn đề này như nào?

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Đúng như vậy, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Nhà nước nên tập trung xây dựng thể chế, hạ tầng và đào tạo nhân lực KHCN phục vụ nâng cao năng lực quốc gia, tạo điều kiện duy trì các hoạt động KHCN có tính dẫn dắt, định hướng cho các nghiên cứu và ứng dụng. Còn hoạt động ứng dụng, thương mại hóa chủ yếu do các doanh nghiệp triển khai với vai trò là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo.

Năm 2007, với nhiệm vụ thẩm tra dự  án Luật Công nghệ cao, tôi đã đi Mỹ và gặp một số nhà đầu tư mạo hiểm. Họ cho biết, mỗi năm họ tiếp nhận khoảng 1.000 phát minh, sáng chế. Họ chọn được khoảng 100 đề xuất (10%). Trong 100 phát minh, sáng chế đó thì chỉ khoảng 10 dự án (10%) được thương mại hóa thành công. Những dự án còn lại sẽ  được tạo điều kiện nuôi dưỡng để có những bước cải tiến, thử nghiệm tiếp theo.

Nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là một chuỗi hoạt động, tiềm ẩn sự rủi ro rất cao. Vì vậy, đầu tư thương mại hóa kết quả nghiên cứu là đầu tư mạo hiểm. Các doanh nghiệp đảm đương khâu cuối là ứng dụng và thương mại hóa kết quả nghiên cứu chịu nhiều rủi ro nên họ cần được hưởng những sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước và sự hợp tác của giới KHCN.

Ở nước ta, đại đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Những năm gần đây xuất hiện tín hiệu đáng mừng là một số doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT, Vingroup… đang mạnh dạn đầu tư cho KHCN, đổi mới sáng tạo và đã thu được những kết quả rất tích cưc.

Chính phủ số, nền kinh tế số, doanh nghiệp số… sẽ phải là chủ đề hoạt động nhân Ngày KHCN Việt Nam năm nay và xuyên suốt thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

...