19/01/2025 lúc 10:29 (GMT+7)
Breaking News

Tạo động lực cho giáo viên để đổi mới giáo dục

Giáo viên được xem như là một thành tố, đóng vai trò chủ thể để tạo nên chất lượng giáo dục. Tạo ra được động lực cho giáo viên để họ có thể giữ vững và phát huy vị thế của mình quyết định sự thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Giáo viên được xem như là một thành tố, đóng vai trò chủ thể để tạo nên chất lượng giáo dục. Tạo ra được động lực cho giáo viên để họ có thể giữ vững và phát huy vị thế của mình quyết định sự thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Hai nguyên tắc cơ bản

Có hai nguyên tắc cơ bản khi xem xét đến việc tạo động lực cho giáo viên là coi trọng nhu cầu của giáo viên và tôn trọng đặc thù lao động của giáo viên.

Lễ chào cờ đầu tuần diễn ra trong lớp học thay vì tập trung ở sân trường, của học sinh tiểu học. Ảnh: DUY LINH

Theo nhà tâm lý học Abraham Maslow (1908-1970) người Mỹ, con người ta luôn vươn đến 5 nhu cầu cơ bản, từ tối thiểu (thấp nhất) tới nhu cầu cao hơn, gồm: ăn, uống, ngủ, nghỉ; sống an toàn và ổn định kinh tế; quan hệ rộng rãi trong xã hội; được công nhận và được tôn trọng; mong muốn thể hiện bản thân và được là chính mình. Bản chất của động lực xuất phát từ nhu cầu và sự thỏa mãn nhu cầu của con người. Giáo viên cũng vậy. Có điều, khi nhu cầu được thỏa mãn về cơ bản, nó sẽ dần mất đi và nhu cầu mới lại xuất hiện. Sự thỏa mãn nhu cầu chính đáng có tác động tích cực tới động lực của mỗi giáo viên. Vì vậy, tùy thuộc đặc điểm từng trường và nhu cầu cá nhân khác nhau của giáo viên mà chọn cách tác động phù hợp nhất.

Nghề giáo là nghề đặc thù, nghề “chuyển giao nhân cách”, xưng danh “kỹ sư tâm hồn”. Vì vậy, giáo viên rất “mẫn cảm”, kiên định với cái “tôi” và chuyên môn mà mình phụ trách, đôi khi tới mức bảo thủ. Bên cạnh nhu cầu cơ bản là có thu nhập hợp lý để có thế sống được bằng nghề dạy học, họ rất cần xã hội hiểu được công việc của “nhà giáo”.

Giáo viên khi gặp khó khăn trong trong chuyên môn hay cuộc sống, họ cũng có nhu cầu được mọi người chia sẻ, cảm thông. Nếu không giáo viên dễ sinh tâm lý tự ti, bỏ mặc và không thiết tha với công việc của nhà trường.

Ba biện pháp phổ biến

Thứ nhất là minh bạch về kinh tế: Thu nhập chính đáng chỉ trở thành động lực khi nó đáp ứng được nhu cầu vật chất tối thiểu cho người giáo viên, giúp họ yên tâm, đủ chi tiêu cho bản thân và gia đình. Cần bảo đảm công bằng, công khai và kịp thời các nguồn thu nhập hợp pháp của giáo viên. Đó có thể là chế độ lương của nhà nước hay các hoạt động công ích, lao động tập thể làm thêm mà có. Cần bảo đảm nguyên tắc không phân biệt đối xử, bàn bạc dân chủ, dựa trên thành tích và hoàn cảnh thực tế khi phân chia quyền lợi cho giáo viên. Cố gắng tổ chức các hoạt động phúc lợi bảo đảm cân đối mặt kinh tế và mặt tâm lý-xã hội trong cuộc sống cho giáo viên.      

Thứ hai, phân chia công việc công bằng, có tình, có lý: Phân công công việc phải dựa trên việc xác định rõ nhu cầu cho cá nhân người giáo viên với yêu cầu của nhà trường và phải có bàn bạc trao đổi chân tình, thẳng thắn với giáo viên. Nên giao những công việc cho giáo viên có yêu cầu cao hơn, có tính thử thách và có cơ hội để đổi mới. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng thời luôn theo dõi giúp đỡ họ khi gặp khó khăn, tạo cơ hội cho họ vận dụng những sáng kiến vào thực tiến công việc. Được như vậy, sẽ kích thích giáo viên tìm tòi cải tiến công tác chuyên môn, đạt niềm vui khi hoàn thành công việc, cảm nhận được sự tôn trọng và tự khẳng định được bản thân.

Thứ ba là cải thiện môi trường làm việc: Cải thiện môi trường làm việc cho giáo viên, như cung cấp các thiết bị tối thiểu để giảm bớt tiêu hao về thể lực, trí lực của giáo viên trong quá trình lao động. Coi trọng vệ sinh và an toàn lao động, trồng nhiều cây xanh và đủ ánh sáng trong phòng học. Bảo đảm chuẩn lớp học, bàn ghế và sĩ số học sinh trong mỗi lớp học.

Tạo điều kiện cho giáo viên phát triển và thăng tiến nghề nghiệp như khuyến khích giáo viên tham gia các khóa đào tạo, kể cả bên ngoài công việc. Công khai, minh bạch, khách quan hệ thống tiêu chí đánh giá giáo viên, theo hướng cụ thể, có quy trình và định lượng được. Loại bỏ kiểu đánh giá người lao động theo kiểu định kiến, chủ quan  hay cào bằng. Kết quả đánh giá làm căn cứ xác định mức tiền thù lao, tiền thưởng hay đề bạt, nâng lương trước hạn.

Một bầu không khí tâm lý thuận lợi, thoải mái, tôn trọng, hỗ trợ lẫn nhau trong tập thể lao động sẽ có tác động tốt đến động lực làm việc của giáo viên và sự gắn bó của họ tới sự phát triển của nhà trường. Có thể tổ chức các hoạt động vui chơi, nghỉ ngơi và các hoạt động xã hội khác theo điều kiện và khả năng hiện thực của nhà trường. Hiệu trưởng là người đi đầu và lan tỏa thái độ sống tích cực, sống bình an và hạnh phúc trong trường.