11/01/2025 lúc 01:55 (GMT+7)
Breaking News

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2021

Ngày 13-10, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10-2021, trong đó chỉ ra những tác động của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư.

Ngày 13-10, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 10-2021, trong đó chỉ ra những tác động của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư.

Ảnh minh họa

WB cho biết, tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong quý III-2021 của Việt Nam đã giảm 6,2% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm mạnh nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP theo quý. Do đó, mặc dù nửa đầu năm 2021 có kết quả tăng trưởng tốt, mức suy giảm sâu mới ghi nhận khiến nền kinh tế nước ta chỉ được ước tính tăng trưởng từ 2,0% đến 2,5%, tùy thuộc vào mức độ mạnh mẽ của quá trình phục hồi kinh tế trong quý IV-2021. Đây là mức dự báo thấp hơn đáng kể so với con số 4,8% mà WB công bố thời điểm tháng 8-2021.

Tuy nhiên, WB lạc quan rằng, với số lượng ca nhiễm mới bắt đầu giảm, Hà Nội và một số địa phương đã nới lỏng những hạn chế nghiêm ngặt giúp cho mức độ đi lại, chỉ số sản xuất công nghiệp, và tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bắt đầu hồi phục, mặc dù vẫn ở mức thấp hơn so với cách đây một năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 4,9% (so với tháng trước) những vẫn thấp hơn 5,5% so với cách đó một năm. Cùng với đó, cán cân thương mại hàng hóa đã cải thiện do tăng trưởng nhập khẩu chậm lại (kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0,6% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 26,1% trong tháng 9, là tháng tăng thứ ba liên tiếp. Điều này thể hiện các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế.

Lạm phát vẫn ở mức thấp trong bối cảnh nhu cầu trong nước còn yếu, trong khi tiền đồng tiếp tục tăng giá danh nghĩa trên thị trường chính thức trong nước. Tăng trưởng tín dụng giảm tốc do cầu tín dụng suy yếu vì các hoạt động kinh tế chững lại, nhưng vẫn tương đương với các mức trước đại dịch nhờ ngân hàng tiếp tục cung cấp vốn vay ưu đãi và cơ cấu lại thời hạn trả nợ để hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch.  

Mặc dù tin tưởng vào sức tăng trưởng dương của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, WB cảnh báo tiến trình phục hồi có thể gặp một số trở ngại. Trước hết, đó là tình hình thị trường lao động xấu đi đáng kể, khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động trong quý vừa qua giảm 2,6% so với quý trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng 1% và 1,8% trong cùng thời gian này. Tình trạng này thể hiện tác động kinh tế bất lợi của đợt cách ly xã hội kéo dài tại các trung tâm kinh tế lớn.

Bên cạnh đó, việc nối lại các hoạt động kinh tế sau giai đoạn cách ly xã hội kéo dài đang phải đối mặt với một số trở ngại như có thể thấy qua kinh nghiệm các nước khác trên thế giới. Tái khởi động các nhà máy sản xuất và doanh nghiệp dịch vụ có thể gặp phải vấn đề thiếu hụt lao động và sản phẩm.

Trong bối cảnh đó, tháo gỡ những nút thắt về logistics, tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm chủng, khuyến khích dịch chuyển lao động là những biện pháp được khuyến nghị ưu tiên. WB cũng cho rằng, các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, trong đó có giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong công tác thực hiện chi thường xuyên, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, mở rộng phạm vi đối tượng thụ hưởng chính sách đảm bảo xã hội đến các hộ gia đình, cũng như lao động chính thức và phi chính thức.