Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ GTVT, các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT đã triển khai nghiên cứu, thử nghiệm, xây dựng, ban hành nhiều Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn cơ sở liên quan đến các giải pháp kỹ thuật mới, tiên tiến và đã được áp dụng đạt hiệu quả cao về kinh tế, kỹ thuật và môi trường, góp phần đa dạng hóa các giải pháp kỹ thuật trong sửa chữa, bảo trì mặt đường.
Để nâng cao hơn nữa việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật mới, tiên tiến vào lĩnh vực xây dựng cơ bản, đặc biệt là trong công tác sửa chữa, bảo trì kết cấu mặt đường bộ, trên cơ sở báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (KH&CN GTVT) tại văn bản số 1264/VKHCN-KHCN ngày 08/6/2023 về kết quả tổ chức hội thảo "Tổng kết đánh giá các giải pháp, kỹ thuật mới trong sửa chữa, bảo trì mặt đường", báo cáo ngày 30/6/2023 của Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT), Bộ GTVT yêu cầu Viện KH&CN GTVT khẩn trương rà soát, cập nhật, hoàn thiện các dự thảo tiêu chuẩn về "Lớp vật liệu tái chế nguội tại chỗ dùng chỗ kết cấu áo đường ô tô - thi công và nghiệm thu" được Bộ GTVT giao Viện KHCN GTVT thực hiện trong kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn năm 2022.
Đồng thời, Viện KH&CN GTVT và Trường Đại học Công nghệ GTVT khẩn trương nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn về công nghệ tái chế nóng bê tông nhựa tại trạm trộn, trình Bộ GTVT xem xét, đề nghị Bộ KH&CN thẩm định, công bố TCVN theo quy định.
Ngoài ra, Vụ KHCN&MT, Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Xây dựng trong việc rà soát, hoàn thiện các định mức liên quan đến vật liệu mới, công nghệ mới làm cơ sở áp dụng tại các dự án xây dựng, bảo trì công trình giao thông.
Bộ GTVT đề nghị Vụ KHCN&MT chủ động, tăng cường tiếp nhận và triển khai xây dựng các tiêu chuẩn về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới, vật liệu mới trong xây dựng công trình giao thông, đặc biệt là trong công tác xây dựng và bảo trì đường bộ. Trên cơ sở đó, phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai áp dụng vào thực tiễn.