Tân Phúc là xã đặc biệt khó khăn (thuộc Chương trình 30a) của huyện Lang Chánh, Thanh Hóa. Từ thực tiễn tại địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã huy động mọi nguồn lực, đồng thời chọn giải pháp “dễ làm trước, khó làm sau” để thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) theo kế hoạch.
Đồng chí Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc.
Là một xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 30a; với điểm xuất phát thấp, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp; các nguồn lực hạn chế, đặc biệt nguồn ngân sách của xã rất hạn hẹp trong khi sức dân có hạn nên gặp khó khăn lớn trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tần; đời sống nhân dân còn khó khăn nên việc huy động sức dân để xây dựng NTM còn hạn chế; hệ thống cơ sở hạ tầng xuống cấp chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của địa phương.
Thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng NTM, xã đạt 5/19 tiêu chí; tỉ lệ các tiêu chí chưa hoàn thành rất thấp, như: (Cơ sở văn hóa, Trường học, Thu nhập, Môi trường, Giao thông), trong khi nội dung một số tiêu chí (tiêu chí về hộ nghèo, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm) tăng lên theo quy định mới nên khó khăn hơn nhiều những năm trước đây.
Để thực hiện thành công quá trình xây dựng NTM, cấp uỷ, chính quyền xã đã chú trọng công tác tập huấn kiến thức về xây dựng NTM cho các thành viên Ban chỉ đạo từ xã đến thôn cũng như cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ. Ngoài việc tiếp thu các văn bản hướng dẫn, các chuyên đề tập huấn do Trung ương, tỉnh, huyện tổ chức; BCĐ xã cũng đã tổ chức 05 hội nghị tập huấn nghiệp vụ trong xây dựng NTM cho các thành viên BCĐ; qua đó làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của cán bộ và người dân về nội dung Chương trình xây dựng NTM.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang.
Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả cao; việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất cũng được cải thiện, nông dân đã yên tâm đầu tư vào nông nghiệp khi mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được chú trọng. Với tiềm năng có trên 3.583 ha đất rừng nên đã tập trung khai thác phát triển kinh tế rừng, trong đó đã xác định được sản phẩm chủ lực của địa phương như cây keo, luồng; đến nay, xã đã tổ chức trồng rừng mới được 560 ha, trồng rừng sau khai thác 250 ha. Nhiều mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn mang lại hiệu quả, như: Mô hình rau, củ, quả áp dụng công nghệ tưới nhỏ dọt, mô hình nuôi gà công nghiệp, mô hình chăn nuôi trâu, bò, mô hình trồng rừng. Đẩy mạnh quy hoạch đất đai, hình thành được các vùng sản xuất hàng hoá tập trung theo quy hoạch và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng tài nguyên đất hợp lý, bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao; lượng hàng hoá sản xuất ra trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản tăng cao, chất lượng nông sản ngày càng được cải thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu của thị trường, góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập cho nhân dân trong xã. Giá trị thu nhập của 01 lao động trong nông thôn tăng gấp 1,5 đến 1,7 lần so với trước đây.
Song song với phát triển kinh tế là hoàn thiện các tiêu chí trên tất cả các lĩnh vực, theo đó Tân Phúc đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
Từ kết quả xây dựng NTM, đến nay thu nhập bình quân đầu người là 36,69 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 3,79%; bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã ngày càng được nâng cao, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM đạt 96% trở lên.
Thời gian tới Tân Phúc sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng NTM; chỉ đạo các thôn đã được công nhận đạt chuẩn NTM tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí; trọng tâm là tiếp tục nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống của người dân./.