29/03/2024 lúc 03:31 (GMT+7)
Breaking News

Tâm thế khởi nghiệp: Nếu thất bại sẽ làm gì?

Thành công đến quá sớm sẽ kéo theo những cám dỗ mật ngọt. Song song làm công ty, công việc tại Ngân hàng cũng có sự thăng tiến sau ba năm, Nguyễn Ngọc Tú được bổ nhiệm làm trưởng nhóm tín dụng rồi phó phòng tín dụng. Với khát vọng của tuổi trẻ, khi có trong tay tiền bạc và công danh thì sễ sinh ra tự tin thái quá. Đó lại là mặt trái và là sự nguy hiểm của những Ceo khởi nghiệp

Không giống như nhiều người khi tốt nghiệp Đại học thường chọn cho mình một công việc ổn định sau đó lập gia đình. Ngày cầm tấm bằng Đại học trên tay, anh Nguyễn Ngọc Tú đã nung nấu ý chí khởi nghiệp mà anh từng ấp ủ từ những năm tháng còn là sinh viên, ngồi trên ghế nhà trường. Hồi đó Tú đi làm thêm đủ mọi nghề từ gia sư đến bưng bê quán cafe hay đi tiếp thị cho các nhãn hàng lớn. Mới năm thứ 2 đại học anh đã theo chúng bạn đi buôn chuyến tại nhiều nơi ở mọi miền tổ quốc. Một cậu sinh viên xuất thân từ làng quê nghèo lam lũ, chỉ với tấm bằng Đại học trên tay, thời điểm cách đây 10 năm mà nói muốn khởi nghiệp thì nhiều người cho rằng đó là điều ảo tưởng. Ngày tốt nghiệp Đại học chưa có trong tay một đồng vốn nào, bằng ý chí và tài năng vốn có, Nguyễn Ngọc Tú thi đỗ vào một Ngân hàng lớn với vị trí nhân viên tín dụng. Đi làm ngân hàng được nửa năm thì anh quyết định cùng một số bạn mở công ty đầu tiên khi mới ở độ tuổi đôi mươi - đó là cái tuổi đẹp nhất một đời mỗi con người!

Khởi nghiệp ban đầu bao giờ cũng vất vả và gian nan

Môi trường làm việc tại Ngân hàng rất nghiêm ngặt về thời gian. Một ngày phải làm việc cật lực hơn 8 tiếng đều đặn. Nhưng với khát vọng của tuổi trẻ muốn sớm khẳng định mình, Nguyễn Ngọc Tú đã tranh thủ thời gian sau giờ làm và những ngày cuối tuần cùng bạn bè dốc hết tâm huyết để lên kế hoạch phát triển công ty của mình. Ngày đó công ty chỉ đơn giản có ba thành viên. Anh vẫn thường nói vui là: một Giám đốc cùng hai Phó Giám đốc, đó là ba nhà sáng lập công ty kiêm đủ mọi vị trí. Chỉ có vị trí kế toán do cả ba người không có chuyên môn nên không thể xử lý được mà phải thuê ngoài, còn lại việc gì của công ty ba thành viên cùng kiêm nhiệm. Khởi nghiệp ban đầu bao giờ cũng vất vả và gian nan. Trong 6 tháng đầu tiên mở công ty, tinh thần ai cũng hào hứng, hưng phấn đến kỳ lạ. Anh Tú chia sẻ: Ngày mở công ty cả 3 anh em đều nghĩ rằng cứ cố gắng rồi thì công ty sẽ có lợi nhuận. Nhưng có lẽ cuộc đời không như những trang sách học ở giảng đường Đại học. Trong năm đầu tiên, chi phí thuê văn phòng, nhà kho vẫn phải trả, hàng nhập về không bán được, cả 3 như ngồi trên đống lửa. Cũng may là cả 3 đều đang có công việc tại Ngân hàng và Công ty Kiểm toán chứ không thì cũng không biết lấy gì mà sinh sống. Không nản chí và có lẽ sự quyết tâm của tuổi trẻ là không có gì để mất, ba chàng trai quyết tâm đi tiếp thị tại các tỉnh xung quanh Hà Nội. Và rồi các đơn hàng cứ thi nhau về. Công ty ngày một phát triển cũng là lúc nhân sự công ty tăng thêm, công ty không chỉ còn có 3 nhân sự nữa mà sau ba năm thành lập, số nhân sự công ty có thời điểm lên đến gần 50 người kể cả lao động chính thức và lao động mùa vụ. Đó là một sự phát triển quá nhanh khiến cho Nguyễn Ngọc Tú cùng 2 người bạn bắt đầu rơi vào trạng thái “thăng hoa khi khởi nghiệp”.

Tâm sự với chúng tôi, Nguyễn Ngọc Tú chia sẻ rằng: Ngày đó chúng tôi chưa bao giờ xác định nếu công ty thất bại chúng tôi sẽ ra sao. Đó chính là sự chủ quan khi khởi nghiệp. Sau 5 năm mở công ty thì doanh thu công ty đã tăng rất nhanh, nhưng gần như các khâu về kiểm soát rủi ro hoạt động của công ty lại gần như không hề tồn tại. Đó chính là kẽ hở để công ty lâm vào trạng thái kinh hoàng là “ phá sản”. Vào một ngày đẹp trời , không hiểu tại làm sao có nhiều sự kiện tình cờ tìm đến, các đối tác thi nhau nợ tiền hàng, hàng tồn kho trong kho hàng lại cực kỳ lớn. Công ty mất khả năng thanh khoản, trong khi các món nợ Ngân Hàng lại đến dồn dập. Và sau đó tình trạng chậm trả lương cho nhân viên diễn ra như cơm bữa. Cái gì đến rồi cũng sẽ đến, các đối tác không cho nợ tiền hàng, hàng bán ra không được mà lượng hàng tồn kho ngày một lớn. Nhiều anh em gắn bó với công ty nhiều năm sau một thời gian không có lương đã không chịu được, lần lượt rời bỏ công ty.

Nguyễn Ngọc Tú trong một chương trình tọa đàm về chuyển đổi số

“Cuộc đời tôi là những cuộc phiêu lưu, có trong mơ tôi cũng không nghĩ đến việc có ngày công ty phá sản và phải chạy xe ôm”

Lúc đó trời đất như sụp đổ dưới chân, cảm giác Nguyễn Ngọc Tú là cảm giác mình trắng tay. Suốt mấy tháng trời công ty không có dòng tiền về, công việc tại Ngân hàng đang tạm dừng, vợ anh sắp đến ngày sinh con. Chỉ trong 6 tháng công ty từ chỗ đang thành công vang dội trở về con số 0 tròn trĩnh. Cực chẳng đã, Nguyễn  Ngọc Tú lúc đó vừa một tay xin Ngân hàng gia hạn các khoản nợ, xin các đối tác giãn các công nợ và phải bán rẻ hàng tồn kho thu hồi vốn. Do áp lực cuộc sống hằng ngày vẫn phải có cái ăn cái mặc, Nguyễn Ngọc Tú đành liều mạng đi chạy xe ôm, đơn giản là lúc đó không biết xin làm việc gì khi mà phía trước là một bầu trời u ám. Một Giám Đốc một công ty, rồi lại đang là Phó Giám đốc Ngân hàng đi chạy xe ôm, chuyện tưởng thật như bịa nhưng đó là những năm tháng không bao giờ quên. Ngày vợ sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, anh phải đi vay mượn khắp nơi mới có đủ tiền cho vợ sinh con. Khó khăn không sao tả xiết. Nhưng có lẽ ông trời không bao giờ đóng hết cánh cửa của bất kỳ ai nếu người đó còn có ý chí. Sau gần một năm chạy xe ôm mưu sinh ở đất Hà Thành, anh gặp lại một người anh, cũng chính là khách hàng đầu tiên của mình tại Ngân Hàng. Sau khi được anh tư vấn, Nguyễn Ngọc Tú bắt đầu làm lại bằng cách trở lại Ngân Hàng tiếp tục làm Phó Giám đốc, rồi từng bước khôi phục lại công ty. Chỉ sau chưa đến 5 năm, đến nay, hệ thống các công ty của Hệ sinh thái DPGroup đã khôi phục lại hoàn toàn và phát triển theo hướng đa ngành, không còn chỉ kinh doanh mảng thực phẩm. Nói với chung tôi Nguyễn Ngọc Tú chia sẻ: “ Cuộc đời tôi là những cuộc phiêu lưu, có trong mơ tôi cũng không nghĩ đến việc có ngày công ty phá sản và phải chạy xe ôm”.

Nguyễn Ngọc Tú với vai trò là giám khảo của một cuộc thi khởi nghiệp

Khởi nghiệp thực sự khó nói trước và không ai có thể nói hay được. Nhưng khi khởi nghiêp tất cả chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị cho mình một tâm thế: Nếu thất bại thì mình sẽ làm gì? Khởi nghiệp sự thất bại có thể đến bất kỳ lúc nào. Từng tham gia ngồi hội đồng giám khảo nhiều cuộc thi khởi nghiệp, anh chia sẻ: Các bạn trẻ bây giờ rất giỏi, giỏi hơn thế hệ 8x chúng tôi nhưng có lẽ các bạn thường mong muốn thành công nhanh chóng. Tôi nghĩ rằng khởi nghiệp sẽ khó có con đường thành công nhanh chóng vì thực sự khởi nghiệp nhìn có vẻ đơn giản nhưng khi bắt tay vào cụ thể thực sự có quá nhiều vấn đề cần xử lý.

Anh mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công để cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam ngày càng phát triển. Những bạn thất bại cũng đừng nản chí, nếu thất bại có thể đi làm thuê một thời gian, sau đó nếu đam mê khởi nghiệp có thể quay lại tiếp. Khởi nghiệp luôn là một chặng đường dài chứ không đơn thuần là vài ba năm.