22/01/2025 lúc 17:05 (GMT+7)
Breaking News

Tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua phân tích định lượng

Thuế thu nhập doanh nghiệp là một trong những nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước sau sắc thuế giá trị gia tăng (VAT) tại Việt Nam. Ngoài tác động đến tăng thu ngân sách nhà nước, thuế thu nhập doanh nghiệp còn được xem là công cụ điều tiết tăng trưởng kinh tế vĩ mô của quốc gia.

Theo cơ sở lí thuyết và nghiên cứu thực nghiệm cho các quốc gia, có ba trường phái lí thuyết được giả định về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong nghiên cứu này sẽ đưa ra giả thuyết mối quan hệ giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế theo hình chữ U ngược. Theo đó, nghiên cứu xây dựng mô hình hồi quy đa biến dạng đa thức để đánh giá tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp đến tăng trưởng GDP. Từ kết quả phân tích trong mô hình hồi quy, một số kiến nghị đã được đưa ra về chính sách ưu đãi thuế, giải pháp cho việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu năm 2024 và giải pháp liên quan đến cắt giảm thuế suất trong các thời kì phải gắn liền với ổn định thâm hụt ngân sách nhằm tăng tính hiệu quả thực thi chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ảnh minh họa - TL

Tổng quan cơ sở lí thuyết và nghiên cứu thực nghiệm giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế

Cơ sở lí thuyết

Các nghiên cứu trước đây đã đưa ra ba giả thiết về tác động giữa chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, dựa vào lí thuyết tăng trưởng cổ điển (Judd, 1985; S. Barrios, D. Andria và M. Gesualdo, 2020) cho rằng, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp càng cao thì sẽ có tác động tiêu cực tới đầu tư của các doanh nghiệp vì nó giảm đi thu nhập để lại của doanh nghiệp tài trợ cho các khoản đầu tư trong ngắn hạn. Thuế thu nhập cao hơn cũng có thể giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các doanh nghiệp nước ngoài và hạn chế sự chuyển giao công nghệ đến các nước nhận đầu tư. Tuy nhiên, tác động của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tới tăng trưởng kinh tế chỉ trong ngắn hạn, yếu tố công nghệ là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng GDP và thuế không đóng vai trò quyết định cho tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Giả thuyết thứ hai dựa vào lí thuyết tăng trưởng nội sinh cho rằng, thuế suất thuế thu nhập thấp hơn có thể tác động đến tăng trưởng GDP trong dài hạn vì nó khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp tăng đầu tư cho khoa học công nghệ và nâng cao kĩ năng cho lao động (Chen và cộng sự, 2017). Giả thuyết thứ ba cho rằng, mối quan hệ giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế theo mô hình chữ U ngược. Tác động ròng của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp lên tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào hiệu quả của chi tiêu ngân sách, sự mất mát của nền kinh tế khi tăng thuế diễn ra. Chi tiêu Chính phủ tăng lên từ nguồn tăng thu khi áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn được sử dụng cho đầu tư trong các lĩnh vực giáo dục, cơ sở hạ tầng hoặc khoa học, có thể tác động tích cực tới tăng trưởng GDP nếu các khoản chi tiêu công này là hiệu quả, không lãng phí. Theo đó, nếu tác động tích cực của việc tăng chi ngân sách do tăng thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp vượt quá sự mất mát của nền kinh tế do thuế tăng thì tác động ròng của tăng thuế thu nhập doanh nghiệp là dương và ngược lại.

Nghiên cứu thực nghiệm

Nghiên cứu thực nghiệm tại các nước liên minh châu Âu (EU), khi cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thì chỉ có tác động tiêu cực ở mức độ không đáng kể tới GDP trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, khi chi tiêu Chính phủ được giữ ở mức không đổi thì cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có tác động tích cực tới tăng trưởng GDP. Trong dài hạn thì tác động của ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa rõ ràng (S. Gechert, P. Heimberger, 2022). Nghiên cứu tại các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, khi cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2000 đến năm 2015 có tác động tích cực tới tăng trưởng GDP với giả định là thâm hụt ngân sách và nợ được kiểm soát (W. Yu, 2017).

Ngược lại, tại các bang ở miền trung và tây của Hoa Kỳ, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh giá là chưa có tác động rõ ràng tới tăng trưởng GDP hằng năm (Isaac O. Strohman, 2021). Tương tự, thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không có tác động rõ ràng tới tăng trưởng kinh tế của Thụy Điển và cải cách thuế trong giai đoạn 1990 - 1991 dường như có tác động không đáng kể tới nền kinh tế (E. Forbin, 2011). Nghiên cứu tại 79 quốc gia từ năm 1980 đến năm 2010 cũng chưa đưa ra được bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ dài hạn giữa cấu trúc thuế, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng GDP (J. Bakija và T. Narasimhan, 2015). Về vấn đề cạnh tranh thuế, theo nghiên cứu về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn tại nước này, đồng thời vấn đề tăng các ưu đãi thuế của các quốc gia khác về thuế cho lợi nhuận của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại nước sở tại sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tại quốc gia mình để phát triển kinh tế (U. Khan, S. Nallareddy và E. Rouen, 2017). 

Nghiên cứu thực nghiệm tại các quốc gia và khu vực về tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp lên tăng trưởng kinh tế có các kết quả khác nhau bởi sự khác nhau về đặc thù từng nền kinh tế, cơ sở dữ liệu nghiên cứu và mô hình phương pháp lựa chọn để nghiên cứu. 

Hạn chế của các nghiên cứu trước đây

Các nghiên cứu trước đây chủ yếu tập trung cho các nước phát triển và các nước OECD. Nghiên cứu cho các quốc gia đang phát triển còn chưa nhiều. Một số nghiên cứu sử dụng dữ liệu mảng với số quan sát lớn cho nhiều quốc gia có thể sẽ có các nhược điểm về tính chính xác của dữ liệu. Cạnh tranh về thuế giữa các nước trên thế giới cũng chưa được xem xét trong các nghiên cứu trước để giải thích tác động của chính sách thuế đến tăng trưởng GDP. Việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không có tác động tới tăng trưởng GDP có thể là do yếu tố cạnh tranh thuế trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, mặc dù có các nghiên cứu về mối liên hệ giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và GDP, tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu không đưa ra các phân tích định lượng để đánh giá mà chủ yếu dùng các phương pháp định tính. Do đó, cần thiết phải đánh giá các chính sách và ưu đãi thuế lên tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam qua các mô hình định lượng. Bên cạnh đó, cấu trúc kinh tế của Việt Nam thay đổi nhanh trong thời gian gần đây vì Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển với tăng trưởng GDP cao và có sự chuyển dịch nhanh từ các lĩnh vực nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp. Do đó, nghiên cứu này cũng cập nhật được các thay đổi của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây để phân tích mối liên hệ giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế.

Mô hình thực nghiệm và phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả giả định mối quan hệ giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế là phi tuyến theo nghiên cứu của J. Hunady và M. Orviska (2015) đã đưa ra. Theo đó, nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đang ở mức thấp thì việc tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp có thể sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao thì việc tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng chung của nền kinh tế. Mô hình được cấu trúc dưới dạng như sau:

Y = β0 + β1X + β2X2 + β3Z1 ... + βpZp + εi 

Trong đó: Y là biến phụ thuộc (tốc độ tăng trưởng kinh tế)

X là biến thuế suất phổ thông thuế thu nhập doanh nghiệp, Z là các biến độc lập khác. 

Trong mô hình hồi quy, tác giả sử dụng một số kiểm định về tính dừng của các biến, kiểm định phương sai sai số thay đổi, kiểm định sự tương quan của phần dư, kiểm định tính phân phối chuẩn của sai số ngẫu nhiên. Cuối cùng, tác giả cũng sẽ đánh giá tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp đến tăng trưởng kinh tế qua hệ số góc β1 và β2 và xác định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tối ưu phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. 

Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ Tổng cục Thống kê (GSO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Tài chính giai đoạn 1995 - 2022. Các biến tăng trưởng GDP, đầu tư toàn xã hội là các chuỗi dữ liệu tăng trưởng thực sau khi đã loại trừ lạm phát. Trong mô hình cho thêm biến giả Dummy để đại diện cho tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. (Bảng 1)

Bảng 1: Định nghĩa các biến  trong mô hình

Kết quả thực nghiệm

Kiểm định tính dừng của chuỗi thời gian

Để kiểm định tính dừng của chuỗi thời gian trong mô hình sử dụng kiểm định ADF (Augmented Dickey - Fuller). Kết quả kiểm định tính dừng (Bảng 2) cho thấy, biến thuế thu nhập doanh nghiệp không dừng còn lại tất cả các biến đều dừng ở mức ý nghĩa thống kê 5%. Lấy sai phân biến thuế thu nhập doanh nghiệp (DCIT) thì dừng ở mức ý nghĩa thống kê 5%. Do vậy, trong mô hình đánh giá tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp tới tăng trưởng kinh tế tất cả các biến được lấy sai phân bậc 1.

Kiểm định tự tương quan giữa các phần dư

Để kiểm định tự tương quan giữa các phần dư, tác giả sử dụng kiểm định Durbin-Watson. Kết quả cho thấy, giá trị P-Value trong kiểm định Durbin-Watson lớn hơn 0,05 (Bảng 3). Do đó, trong mô hình không có hiện tượng tự tương quan giữa các phần dư.

Kiểm định phương sai sai số thay đổi 

Để kiểm định phương sai sai số thay đổi trong mô hình tác giả sử dụng kiểm định White. Kết quả giá trị P-Value của kiểm định White là 0,7844 lớn hơn 0,05, do đó mô hình không có phương sai sai số thay đổi. (Bảng 4)

Phân tích kết quả từ mô hình

Kết quả phương trình hồi quy:

DGDP = 0,0564 + 4,758 DCIT - 0,0718 DCIT2 + Dinvest + Dummy

Kết quả từ mô hình cho thấy, đối với điều kiện nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và thuế thu nhập doanh nghiệp không theo xu hướng tuyến tính mà theo xu hướng phi tuyến hình chữ U ngược. Theo đó, khi mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trong nền kinh tế đang ở mức rất thấp thì tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lại tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể được lí giải theo quan điểm của Gechert và Heimberger (2022) đưa ra là khi tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước để tài trợ cho chi tiêu công. Nếu các khoản chi tiêu công này hiệu quả sẽ góp phần tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tăng thu ngân sách sẽ giảm việc ngân sách nhà nước đi vay để tài trợ cho thâm hụt ngân sách, từ đó cũng giảm ảnh hưởng việc tăng lãi suất tác động đến nền kinh tế khi nhà nước tăng cường vay nợ dẫn đến khan hiếm nguồn vốn trong nền kinh tế. Tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cũng sẽ giảm sự tham gia của các doanh nghiệp mới trong nền kinh tế, từ đó giảm chi phí nghiên cứu phát triển và chi phí thuê lao động. Mặc dù tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm tiết kiệm và đầu tư trong nền kinh tế từ đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng GDP, tuy nhiên khi thuế suất trong nền kinh tế ở mức rất thấp thì tác động ròng của việc tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lên nền kinh tế vẫn dương. 

Khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao khoảng trên 30% thì tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ làm giảm tăng trưởng tổng thể nền kinh tế Việt Nam. Điều này được giải thích là khi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao sẽ giảm lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp, giảm đầu tư, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam và quá trình chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Lúc này, tác động ròng của việc tăng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp lên nền kinh tế là âm khi lợi ích từ việc tăng thu ngân sách do tăng thuế để gia tăng đầu tư công nhỏ hơn lợi ích mất đi từ việc suy giảm đầu tư, các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ toàn xã hội.

Kết quả từ mô hình cũng cho thấy, việc tăng vốn đầu tư toàn xã hội 1% cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 0,12%. Các cú sốc về khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch Covid-19 lan rộng và bùng phát cũng tác động tiêu cực tới nền kinh tế.

Kết luận và kiến nghị

Nghiên cứu tác động của thuế thu nhập doanh nghiệp lên tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam qua mô hình hồi quy đa biến dạng đa thức cho thấy mối quan hệ giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế là phi tuyến hình chữ U ngược. Giả định khi mức thuế suất trong nền kinh tế đang ở mức thấp thì việc tăng thuế sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng khi mức thuế suất trong nền kinh tế cao thì việc tăng thuế sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế. Tăng đầu tư toàn xã hội và các cú sốc trong nền kinh tế cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng tổng thể GDP. Một số kiến nghị được rút ra trong nghiên cứu:

Thứ nhất, việc cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp trong gần 30 năm qua được cho là hợp lí với điều kiện nền kinh tế Việt Nam khi giảm dần mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% trước năm 1999 xuống còn 20% hiện nay đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc tăng các ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho các lĩnh vực công nghệ cao, các doanh nghiệp FDI có dự án mới tại Việt Nam cần tiếp tục được khuyến khích nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn, vì các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ có tác dụng trong dài hạn khi thúc đẩy được đầu tư nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ trong các ngành công nghệ góp phần nâng cao năng suất lao động chung.

Thứ hai, bước sang năm 2024, nhiều nước có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam sẽ chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, các quốc gia chủ yếu là các nước phát triển sẽ thu bổ sung thêm thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam khiến các biện pháp ưu đãi thuế của Việt Nam không còn mang lại các tác động về thu hút dòng vốn FDI. Do đó, việc giảm bớt một số ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp FDI trừ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học ứng dụng có thể cần xem xét, bởi vì nếu không thì các doanh nghiệp này vẫn đóng thêm phần thuế chênh lệch tại công ty mẹ ở nước ngoài. Bên cạnh đó, khi giảm bớt một số các ưu đãi thuế đối với các doanh nghiệp FDI cũng có thể góp phần làm tăng thu ngân sách nhà nước, làm giảm bội chi ngân sách hoặc ngân sách có thêm nguồn lực chi cho đầu tư công, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thì Chính phủ có thể có thêm các giải pháp khác thay thế để thu hút vốn FDI như cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi về cho thuê đất đai, cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư kinh doanh. 

Thứ ba, trong các giai đoạn cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì Chính phủ cần cân nhắc xem xét giữ ổn định các mức thâm hụt ngân sách để tăng tính hiệu quả của các chính sách ưu đãi về thuế. Mối quan hệ giữa thuế thu nhập doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế là theo hình chữ U ngược. Do đó, việc cắt giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng không giữ ổn định mức thâm hụt ngân sách có thể sẽ giảm tác động tích cực hoặc tác động âm đến tăng trưởng GDP trong trường hợp Chính phủ đi vay nợ nhiều để bù đắp thâm hụt ngân sách do giảm thu từ ưu đãi thuế. Kết quả, khi Chính phủ tăng vay nợ để bù đắp ngân sách do giảm thu khi ưu đãi thuế sẽ làm thị trường vốn khan hiếm hơn, tăng lãi suất thị trường và dẫn đến giảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển của khu vực tư nhân, ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh các kết quả nghiên cứu trên, bài viết vẫn còn một số hạn chế nhất định. Thứ nhất, chuỗi dữ liệu chưa dài khi chuỗi dữ liệu thời gian cho mỗi biến chỉ 28 quan sát. Thứ hai, nếu chuỗi dữ liệu đầy đủ thì nghiên cứu nên sử dụng mô hình bảng để đánh giá tác động của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đến các ngành, lĩnh vực kinh tế cụ thể. Với dữ liệu mảng sẽ có một số ưu điểm hơn dữ liệu chuỗi thời gian như có thể mô hình hóa được các tác động qua thời gian không quan sát được và các tác động theo đặc trưng không quan sát được tới biến phụ thuộc./.

ThS. Hồ Ngọc Tú

Viện Chiến lược chính sách tài chính

Tài liệu tham khảo:

  1. E. Forbin, 2011. Effects of corporate taxes on economic growth: The case of Sweden. Jönköping University.
  2. Isaac O. Strohman, 2021. Comparing corporate tax rates and economic growth in the Midwestern United States. Drake University.
  3. J. Bakija and T. Narasimhan, 2015. Effects of the level and structure of taxes on long-run economic growth: What can we learn from panel time-series techniques?
  4. J. Hunady and M.Orviska, 2015. The non-linear effect of corporate taxes on economic growth. imisoara Journal of Economics and Business Vol.8, pages 14-31.
  5. P. Howitt, 1997. Endogenous growth. Brown University.
  6. S. Gechert, P. Heimberger, 2022. Do corporate tax cuts boost economic growth? European Economic Review 147, pages 1-14.
  7. S. Barrios, D. Andria and M. Gesualdo, 2020. Reducing tax compliance costs through corporate tax base harmonization in the European Union. Journal of International Accounting, Auditing and Taxation 41. 
  8. W. Yu, 2017. Will a lower corporate tax rate boost economic growth? The evidence from OECD countries, 2000 to 2015, UCLA Anderson Forecast.

 

...