Xã Thăng Bình là một xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. Xã có vị trí địa lý tiếp giáp với nhiều xã trong huyện, có các tuyến đường tỉnh lộ 525, 512 chạy qua, thụân lợi cho nhân dân trong xã giao thương, phát triển kinh tế.
Sự chung tay góp sức của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thăng Bình trong tham gia Chương trình xây dựng NTM
Thăng Bình là một xã thuần nông có điểm xuất phát thấp, hệ thống đường giao thông, trường học, nhà văn hóa thôn xuống cấp nhưng với đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết, nhân dân cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, luôn đồng tình ủng hộ và tự giác tham gia Chương trình xây dựng NTM. Cùng với đó là sự đồng lòng, quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã đem lại đời sống chính trị ổn định, an ninh – quốc phòng luôn đảm bảo.
Triển khai nghị quyết đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thực hiện chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã Thăng Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý, ban phát triển thôn, tiến hành khảo sát lập quy hoạch và lập đề án xây dựng NTM, ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn 2016 – 2020. Quán triệt, triển khai rộng rãi đến cấp ủy, chính quyền, các thôn và toàn thể nhân dân về Chương trình xây dựng NTM, phân công, giao nhiệm vụ cho từng đoàn thể để triển khai, phối hợp thực hiện.
Đồng chí Vũ Hữu Thiện - PBT Đảng bộ, CT UBND xã Thăng Bình, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã
Xác định công tác thông tin tuyên truyền có vai trò đặc biệt quan trọng và quyết định tiến độ thực hiện xây dựng NTM, do đó BCĐ xây dựng NTM xã đã ban hành kế hoạch tuyên truyền về xây dựng NTM. Trên cơ sở đó các ban ngành, đoàn thể đã tập trung triển khai tuyên truyền xây dựng NTM bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Khẩu hiệu, Panô, áp phích và lồng gép thông qua các chương trình hội nghị. Nhờ đó nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về xây dựng NTM đã có chuyển biến rõ rệt. Người dân đã tích cực, chủ động tham gia xây dựng NTM như hiến đất, đóng góp tiền, ngày công để làm thủy lợi, làm đường giao thông nông thôn; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, để nâng cao thu nhập, xây dựng cảnh quan môi trường…Xây dựng NTM đang trở thành phong trào rộng khắp trong toàn xã. Qua 10 năm kể từ khi phát động phong trào toàn dân chung tay xây dựng NTM. Xã đã triển khai tổ chức được trên 170 lớp tập huấn, tuyên truyền các nội dung như: Giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho 6.800 lượt người tham gia; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn xây dựng NTM do Tỉnh và Huyện tổ chức.
Xã Thăng Bình áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, để nâng cao thu nhập, xây dựng cảnh quan môi trường…
Các chương trình trọng tâm có nhiều chuyển biến tích cực.
Với điều kiện và tình hình thực tiễn của địa phương, Đảng bộ và chính quyền xã Thăng Bình lựa chọn, định hướng phương châm phát triển kinh tế xã hội theo hướng chủ đạo là: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị cao, bền vững; Tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, xuất khẩu lao động; làm tốt công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đào tạo nghề, nâng cao trình độ dân trí. Trong đó, công tác phát triển sản xuất nông nghiệp dựa theo phương châm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành theo chương trình đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp của Chính phủ, của Tỉnh và chương trình đề án phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học công nghệ của huyện Nông Cống. Địa phương đã thực hiện tích tụ ruộng đất, từng bước hình thành các mô hình vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng, thực hiện thành công cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, mô hình chăn nuôi kết hợp vườn ao chuồng, mô hình cá lúa, nuôi vịt sinh sản, nuôi vịt lấy thịt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với công tác phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn: xã Thăng Bình đã phát triển đa ngành nghề, tỷ trọng cơ cấu sản xuất nông nghiệp giảm dần, tăng nhanh tỷ trọng ngành tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ. Toàn xã hiện có 290 hộ sản xuất kinh doanh cá thể với nhiều ngành nghề khác nhau như: Làm mộc, vận tải, xay xát, xây dựng, khoan giếng, mây tre đan, kỹ nghệ sắt nhôm kính và các dịch vụ thương mại. Bên cạnh đó trên địa bàn có 2 doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động, từ đó nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 46.06 triệu đồng (số liệu tại thời điểm tính đến ngày 31/12/2019). Góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và an ninh trật tự xã hội.
Thôn Ngọ Thượng, xã Thăng Bình là thôn đi đầu trong công tác xây dựng nông thôn mới
Thành quả đạt được trong xây dựng NTM.
Về lĩnh vực xây dựng, hạ tầng cơ sở: Trong những năm qua UBND xã đã thuê đơn vị tư vấn triển khai lập quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 và tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực của người dân cùng với UBND xã thực hiện bê tông hóa, cứng hóa các tuyến đường để phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Theo đó, đường trục xã, liên xã có tổng chiều dài 4,325 km; được nhựa hóa và bê tông hóa 4,325/4,325 km chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, đạt tỷ lệ 100%. Đường trục thôn và đường liên thôn có tổng chiều dài 4,84 km; được bê tông hoá 3,97 km/4,84 km chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, đạt đạt tỷ lệ 82%. Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa 11,41/13,423 km, đạt tỷ lệ 85%. Đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện 21 km/29,6 km, đạt tỷ lệ 71%. Thực hiện kiên cố hóa những tuyến kênh mương chính; vận động nhân dân đóng góp xây dựng các tuyến kênh nội đồng. Xã được huyện đánh giá đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ.
Đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện
Về lĩnh vực Văn hoá, Xã hội và Y tế: Căn cứ các quy định và hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã và Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn; Ban chỉ đạo xã, UBND xã tổ chức triển khai thực hiện tiêu chí, hướng dẫn việc xây dựng và sử dụng cơ sở vật chất văn hóa trong việc xây mới, sửa chữa và sử dụng cơ sở vật chất hiện có đảm bảo nhu cầu sinh hoạt văn hóa và tập luyện thể thao của nhân dân. Xây Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã vào năm 2020 đảm bảo quy định. Hiện tại xã có Hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã đạt theo quy định: Hội trường đa năng có 280 chỗ ngồi; diện tích Khu thể thao đạt 2.000 m2, sân vận động 13.000m2; Hội trường đa năng và sân thể thao xã có trang thiết bị đạt 100% theo quy định. Xã có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi (tại Trung tâm VHTT xã) đảm bảo điều kiện, nội dung hoạt động chống đuối nước cho trẻ em đạt theo quy định.Tỷ lệ thôn có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng đạt 7 thôn/7 thôn đạt 100%. Có 7/7 thôn có hệ thống loa truyền thanh hoạt động và đều được phủ sóng Đài truyền thanh huyện; Trưởng Đài Truyền thanh cấp xã do công chức văn hóa – xã hội kiêm nhiệm và 1 cán bộ không chuyên trách, thực hiện tốt các quy định trong sản xuất chương trình, tiếp, phát sóng các chương trình để phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu của nhân dân; Số lần phát sóng 2 lần/ngày.
Cùng với các nguồn hỗ trợ và sự cố gắng của nhân dân đến nay trên địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát. Tỷ lệ hộ dân có nhà ở đạt chuẩn chiếm tỷ lệ cao. Trên địa bàn xã không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, dột nát. Tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng 1.529 hộ/1.744 hộ đạt 87,67%. Triển khai thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm, hiện tại tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2020 là 2,13 %. Các hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, tính đến tháng 12/2019 là 1.263.000.000 đồng. Cấp phát thẻ BHYT cho hộ nghèo là 105 thẻ. Thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế tạo công ăn việc làm để các hộ nghèo có điều kiện lao động tham gia phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã theo kết quả rà soát cuối năm 2019 (đã trừ đi 09 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội) 37/1.735 hộ đạt 2,13%. Xã Thăng Bình đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020.
Về Giáo dục và đào tạo: Chỉ đạo các nhà trường thường xuyên tu sửa và bổ sung mới hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập của 3 nhà trường. Cử cán bộ, giáo viên thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Có các biện pháp khuyến khích công tác giảng dạy và học tập tại các nhà trường để thầy cô thi đua giảng dạy, học sinh thi đua học tập. Xã đã đạt chuẩn về phổ cập giáo dục Mầm Non, Tiểu học và THCS. Tỷ lệ trường học các cấp có cở sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia đạt trên 85%.
Trường THCS Thăng Bình đạt chuẩn quốc gia mức độ I
Về Môi trường và an toàn thực phẩm: Tập trung chỉ đạo và tuyên truyền, động viên các cơ sở SX-KD, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn xã; triển khai các biện pháp để xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn về môi trường, không làm gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng Phương án thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn xã. Đảm bảo đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh - sạch - đẹp, 80% số rãnh thoát nước trong dân cư đã có nắp đậy. Các cơ sở SXKD thực phẩm do huyện quản lý được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo VSATTP. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ do xã quản lý thực hiện ký cam kết đảm bảo sản xuất thực phẩm an toàn; thực hiện tốt các quy định về ATTP. Tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 100%.
Xây dựng nông thôn mới từ Ý Đảng, lòng dân đồng thuận.
Sau thời gian hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Thăng Bình đã có nhiều giải pháp đồng bộ - sáng tạo - linh hoạt, phát huy sức mạnh của toàn đảng, toàn dân, bộ mặt nông nghiệp nông thôn và nông dân đã thực sự thay đổi toàn diện. Tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn phát triển nhanh bền vững, nhận thức của người dân được nâng lên tầm cao mới, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, khuyến khích động viên người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Bộ máy tổ chức hoạt động xây dựng nông thôn mới được kiện toàn và hoàn thiện, phương thức làm việc ngày càng hiệu quả hơn; hệ thống văn bản hướng dẫn và các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình được triển khai rộng rãi có hiệu quả, thu hút được sự tham gia của toàn hệ thống chính trị cũng như nhân dân trong xã. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá…được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện.
Xã Thăng Bình khoác lên diện mạo mới xanh - sạch - đẹp
Với những kết quả đã đạt được, năm 2020 xã Thăng Bình được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá tặng Bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Những kết quả trên mới chỉ là sự ghi nhận quá trình nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thăng Bình trong thời gian qua. Để nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt và giữ vững xã đạt chuẩn Nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang cùng quyết tâm đồng lòng, xây dựng xã Thăng Bình ngày một đổi mới, văn minh và giàu đẹp./.