VNHN - Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần đầu tiên trong lịch sử phải họp trực tuyến để tìm biện pháp ứng phó với những hậu quả do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Từ đầu cầu các nước G20 và một số khách mời, các nhà lãnh đạo đã đạt được những biện pháp cụ thể để ứng phó với dịch bệnh, trong đó có việc nhất trí lập quỹ hỗ trợ khổng lồ trị giá 5 nghìn tỷ USD và đây được xem là tín hiệu tích cực về sự đoàn kết, chung tay của những nền kinh tế hàng đầu thế giới trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm hiện nay.
Tuyên bố đạt được sau hội nghị thể hiện quyết tâm và ưu tiên tuyệt đối của các nhà lãnh đạo G20 trong việc hợp tác chống COVID-19, bảo vệ mạng sống, việc làm và sự thịnh vượng. Tuyên bố chung có 4 điểm nổi bật cần nhắc lại. Thứ nhất là hợp tác chống đại dịch: G20 cam kết trao đổi dữ liệu dịch tễ học và các tài liệu cần thiết cho nghiên cứu và phát triển các vật tư thiết yếu; mở rộng sản xuất hàng hóa y tế.
Cho tới tháng 4, các bộ trưởng Y tế G20 sẽ xây dựng một gói biện pháp chống lại đại dịch. Thứ hai là các biện pháp phòng ngừa: G20 cam kết hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vaccine, tận dụng công nghệ kỹ thuật số hiệu quả hơn và tăng cường hợp tác khoa học quốc tế. Thứ ba là bảo vệ nền kinh tế thế giới: Các thành viên G20 lên kế hoạch chi 5 nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu. Hiện bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nền kinh tế thành viên G20 đang lên kế hoạch hành động.
Điểm thứ tư là hỗ trợ các nước đang phát triển: G20 cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Phi, để đối phó với khủng hoảng do dịch bệnh gây ra. Về những kết quả đạt được này, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ hài lòng và cho rằng hội nghị trực tuyến đã "gửi đi một tín hiệu rõ ràng cho hợp tác toàn cầu và phối hợp quốc tế", điều cho thấy tất cả sẵn sàng cùng đối mặt với những thách thức.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 và một số nước cùng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức quốc tế khác khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để vượt qua đại dịch hiện nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định các nước cần có kế hoạch chung để hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19. Ông đề xuất hoãn thực thi các biện pháp trừng phạt liên quan tới các hàng hóa thiết yếu, đồng thời kêu gọi cần vượt qua những biện pháp trừng phạt cũng như chiến tranh thương mại để thiết lập "hành lang xanh" cho việc cung cấp thuốc men, thực phẩm, công nghệ và thiết bị.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi tất cả các nền kinh tế thành viên G20 cùng hành động và khôi phục niềm tin đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Ông hối thúc các nước G20 cắt giảm thuế, xóa bỏ các rào cản thương mại và tạo điều kiện để dòng chảy thương mại không bị giới hạn, đồng thời cho rằng các nước trên thế giới cần tăng cường phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó với những tác động của dịch COVID-19, ngăn chặn nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đồng thời kêu gọi thực thi các chính sách tài chính và tiền tệ quyết liệt và hiệu quả, phối hợp các quy định về tài chính và ổn định các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, đại diện Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn thế giới tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine chống COVID-19, khẳng định châu Âu sẵn sàng hỗ trợ tài chính cần thiết cho quá trình này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến G20. Ảnh: VGP
Với tư cách Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được mời tham dự hội nghị. Chia sẻ ý kiến với các nhà lãnh đạo tại hội nghị trực tuyến G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đoàn kết, hợp tác và phối hợp toàn cầu và khu vực là rất quan trọng; khẳng định quyết tâm, cam kết của Việt Nam trong chống dịch COVID-19; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Từ thực tiễn kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ với các nhà lãnh đạo G20 nhiều biện pháp về thúc đẩy hợp tác, hành động chung trong ứng phó dịch COVID-19, như tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật trong xét nghiệm, kiểm soát và điều trị; tranh thủ sự đồng lòng, hợp tác, vào cuộc của người dân, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang; tập trung chống dịch đi đôi với thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hợp tác thương mại, đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống người dân; hợp tác bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam và các nước ASEAN đang sinh sống ở các nước G20...
Từng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lui cuộc khủng hoảng tài chính 2008/2009, với hội nghị được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, G20 đã một lần nữa chứng tỏ tầm quan trọng của nhóm quy tụ 2/3 dân số thế giới, chiếm tới 85% sản lượng kinh tế toàn cầu này. Báo chí quốc tế bình luận riêng việc các nhà lãnh đạo tiến hành hội nghị trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành hiện nay đã là một thành công khi chứng tỏ được thiện chí hợp tác cùng hướng tới mục tiêu chung, bởi sẽ không hề dễ dàng cho các nước trong việc tranh luận, nêu ý kiến tại một hội nghị trực tuyến như vậy. Thực chất, đây vừa là cơ hội, cũng vừa là trách nhiệm của các nước lớn trong việc phối hợp hành động để trước mắt hỗ trợ chính bản thân các nước, sau là hỗ trợ thế giới, đặc biệt là những nước nghèo.
Trước hội nghị, Saudi Arabia - nước hiện giữ chức Chủ tịch G20 - cho biết đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo "thúc đẩy sự hợp tác của toàn cầu trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 cũng như những tác động của dịch bệnh này đối với nhân loại và nền kinh tế". Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh trên toàn cầu đã có trên 530.000 người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 24.000 người tử vong do COVID-19.
Dư luận hy vọng sự đồng lòng của 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới được thể hiện tại hội nghị trực tuyến sẽ góp phần làm giảm những hậu quả mà dịch bệnh gây ra đối với người dân cũng như với nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin khoa học giữa các nước G20 sẽ giúp thế giới nhanh chóng có được phương thuốc hữu hiệu chống dịch bệnh hiện nay. Hội nghị này của G20 một lần nữa cho thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự phối hợp hành động và đoàn kết giữa các nước là yếu tố quan trọng hàng đầu khi thế giới đối mặt với khủng hoảng./.