29/03/2024 lúc 16:32 (GMT+7)
Breaking News

Sửa Luật Hợp tác xã để gắn với thực tiễn hiện nay

Đại biểu đề nghị giữ nguyên tên luật là Luật Hợp tác xã (HTX), đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ HTX hoạt động sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sáng 10/11, các đại biểu cho rằng, cần thiết sửa đổi Luật HTX để bổ sung, hoàn thiện các quy định về kinh tế tập thể (KTTT), bảo vệ lợi ích chính đáng và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống các thành viên của tổ chức KTTT, góp phần thúc đẩy việc phát triển KTTT, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Đề nghị giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã

Đồng tình với sự cần thiết ban hành luật nhằm khắc phục những bất cập hiện hành và thể chế hóa chủ trương của Đảng, đại biểu Hà Sỹ Huân  Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị giữ nguyên tên là Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Đại biểu Hà Sỹ Huân phản ánh từ thực tiễn công tác tại địa phương, qua ý kiến kiến nghị, đề nghị khi tiếp xúc các chủ thể HTX cho thấy những hạn chế của các HTX, đặc biệt là HTX mới thành lập, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, như còn thiếu thông tin, lúng túng trong tiếp cận các thủ tục hành chính về lập và tổ chức hoạt động của HTX, nhất là các sáng lập viên là người dân tộc thiểu số hoặc sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi, vùng cao.

“Đại đa số HTX ở các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực quản trị tài chính còn hạn chế, không có tài sản đảm bảo nên chưa tiếp cận được các chính sách tín dụng”, đại biểu Huân nói.

Do đó, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung chính sách về hỗ trợ thành lập mới, cụ thể là hỗ trợ sáng lập viên tổ chức kinh tế tập thể được cung cấp miễn phí thông tin, tập huấn về các quy định pháp luật về HTX trước khi thành lập; được hỗ trợ xây dựng điều lệ, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của kinh tế tập thể. Đồng thời, cần có chính sách đặc thù về vay vốn tín dụng để các HTX có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn phát triển.

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn)

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về việc Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức hợp tác có tư cách pháp nhân, quy định rõ việc thành lập và tổ chức hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã, nhằm làm rõ vai trò, vị trí pháp lý. Tăng cường quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể ở địa phương, quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành về quản lý, giám sát hoạt động của HTX thống nhất từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tranh luận về thuật ngữ HTX. Theo đó, không được bỏ từ “xã” trong dự án Luật. Mặc khác, các chủ thể được điều chỉnh của dự án Luật phải tuân thủ các giá trị của HTX.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, từ “xã” không phải là để thể hiện địa giới hành chính xã, huyện hay tỉnh mà chữ “xã” ở đây là từ Hán Việt thể hiện chữ “xã hội” và ở đây nó cũng tương tự như từ “Thông tấn xã” trong thuật ngữ chúng ta đề cập chứ không chỉ đơn thuần là hợp tác và khái niệm để hiểu được HTX. Đây chính là mô hình kinh tế thực hiện các hoạt động hợp tác vì mục đích xã hội.

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận.

“Luật Hợp tác xã của Thái Lan có quy định tại Điều 7 cho rằng là không một tổ chức nào ngoài các HTX và liên minh HTX Thái Lan được sử dụng từ HTX như tên gọi hoặc một phần của tên gọi của tổ chức đó. Hoặc như luật của Canada, mô hình kinh tế tập thể, HTX phát triển thì trong luật có quy định các tổ chức có tên gọi HTX trong vòng 6 tháng khi hoạt động sẽ bị kiểm tra, theo dõi, giám sát. Nếu hoạt động của tổ chức này không tuân thủ các nguyên tắc và giá trị của thì phải thay đổi tên gọi, không được dùng chữ HTX. Qua đó, có thể thấy rằng, các nước rất tôn trọng cái chữ HTX”, đại biểu Yến nêu ví dụ.

Theo đại biểu Yến, nếu như chúng ta muốn thay đổi các tổ chức kinh tế hợp tác thì đề nghị không được bỏ chữ “xã” trong chữ “hợp tác xã”. Bởi các chủ thể được điều chỉnh trong dự thảo luật đều tuân thủ các nguyên tắc và giá trị của HTX và không có sự khác biệt về bản chất trong các loại hình này.

“Nếu như mà chúng ta có thảo luận thêm tên gọi, một loạt những tên gọi khác cũng có thể được quan tâm như: các tổ chức kinh tế tập thể được nhắc lại nhiều lần trong Nghị quyết 20 của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII. Liên minh Nghị viện thế giới khi báo cáo liên quan đến quá trình phục hồi tại đại dịch COVID 19 thì một khu vực kinh tế tập thể cũng được đưa vào trong báo cáo để có năng lực chống chịu và có năng lực tự cường trong bối cảnh rất nhiều rủi ro và bất định thì họ gọi là mô hình kinh tế đoàn kết. Đây cũng thể hiện tính đa dạng trong tên gọi nên đề nghị không được bỏ chữ “xã” trong HTX”, đại biểu Yến nêu quan điểm.

Tăng cường chính sách hỗ trợ các HTX

Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi luật. Góp ý về quyền của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân, đại biểu Hải đề nghị cân nhắc thêm việc quy định cho tổ chức hợp tác có hoạt động tín dụng nội bộ.

Theo đại biểu, đây là một tổ chức hoạt động mang ý nghĩa tương trợ giúp đỡ các thành viên của hợp tác là chính và hoạt động với mục đích phi lợi nhuận. Hoạt động tín dụng nội bộ hoàn toàn khác với các Quỹ tín dụng nhân dân. Hoạt động tín dụng nội bộ của HTX theo luật năm 2012 đã có quy định, song trong báo cáo đánh giá tổng kết thi hành luật chưa đề cập đến vấn đề này. Đến năm 2017 thì hoạt động tín dụng nội bộ này thì không có quy định và hướng dẫn.

“Vấn đề này cần phải tính toán bởi vì không có hành lang cơ sở pháp lý cho hoạt động tín dụng nội bộ. Thực tế tại các địa phương, hoạt động tín dụng nội bộ của các hợp tác xã là rất ít. Do đó, tôi đề nghị nên xem xét có nên quy định cho hoạt động tín dụng nội bộ trong HTX hay không?” đại biểu Hải đặt câu hỏi.

Ngoài ra, đại biểu Mai Văn Hải cũng góp ý về nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác. “Đây là nội dung hết sức quan trọng, song thực tế nhiều chính sách khó tiếp cận. Do vậy tôi đề nghị rà soát lại trong dự thảo Luật tránh dàn trải và tập trung để tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách của Luật năm 2012 để làm sao HTX dễ tiếp cận nhất để thúc đẩy phát triển hoạt động HTX”.

Cùng với đó, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, cần quan tâm về chính sách phát triển nguồn nhân lực và đổi mới mô hình quản trị HTX; tháo gỡ về mặt chính sách về đất đai; tháo gỡ về chính sách về tín dụng; và về chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

PHẠM DUY

Thanh Bút