02/12/2024 lúc 19:32 (GMT+7)
Breaking News

Sự muộn màng của Anh khi chinh phục châu Phi

VNHN - Mở rộng quan hệ kinh tế-thương mại với các đối tác, nhất là khu vực châu Phi vốn được xem còn nhiều tiềm năng chưa khai thác, rõ ràng là mục tiêu mà Thủ tướng Anh Boris Johnson hướng tới.

VNHN - Mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với các đối tác, nhất là khu vực châu Phi vốn được xem còn nhiều tiềm năng chưa khai thác, rõ ràng là mục tiêu mà Thủ tướng Anh Boris Johnson hướng tới.

Tăng cường quan hệ thương mại-đầu tư giữa Anh và “Lục địa Đen” là điều được Thủ tướng Anh Boris Johnson nhắc nhiều lần tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Anh-châu Phi, lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố London hôm 20/1. Hội nghị lần đầu tiên này, cũng như mong muốn của ông Johnson, được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn 10 ngày nữa là Anh sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit. Mở rộng quan hệ kinh tế-thương mại với các đối tác, nhất là khu vực châu Phi vốn được xem còn nhiều tiềm năng chưa khai thác, rõ ràng là mục tiêu mà Thủ tướng Johnson hướng tới.

Mở đầu bài phát biểu, nhằm tạo sự gần gũi với lãnh đạo 21 quốc gia châu Phi bao gồm 16 nguyên thủ, ông Johnson kể lại những chuyến thăm châu Phi trước đây khi ông còn là Ngoại trưởng Anh và nhấn mạnh rằng trong số các quan chức Anh, ông là người đến châu Phi nhiều nhất. Tiếp đó, ông đề cập tới đầu tư "xanh," lĩnh vực hiện không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia châu Phi, mà trên quy mô toàn câu. Ông tuyên bố chấm dứt sự hỗ trợ của quốc gia này cho ngành công nghiệp khai mỏ hoặc các dự án nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài, cho rằng "thật vô lý" nếu Anh kêu gọi cắt giảm khí thải carbon trong hoạt động sản xuất năng lượng trong nước, nhưng lại ủng hộ cho các dự án nhiệt điện ở nước ngoài, trong đó có châu Phi.

Thay vào đó, Anh sẽ tập trung hỗ trợ các quốc gia khai thác và sử dụng dầu mỏ và khí đốt theo những cách thức "xanh" nhất và tập trung khuyến khích đầu tư cho các dự án điện mặt trời, năng lượng gió và thủy điện. Ngoài ra, Thủ tướng Johnson cũng khẳng định với các lãnh đạo châu Phi rằng Anh sẽ mở cửa hơn chào đón những người di cư từ "Lục địa Đen." Theo ông, Brexit sẽ đặt dấu chấm hết cho cơ chế ưu tiên lao động nhập cư châu Âu cũng như biến Anh trở thành một đối tác tự do thương mại toàn cầu. Có thể thấy rõ rằng, những lời phát biểu của Thủ tướng Anh không chỉ "chạm" tới trái tim, mà còn tới những mối quan tâm hàng đầu của các lãnh đạo của "Lục địa Đen."

Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU (phía trên) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh tại London. 

Bài phát biểu của ông Johnson liên tục nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ phía người nghe - đó là những lãnh đạo hàng đầu đến từ châu Phi. Theo Bộ trưởng Phát triển quốc tế Anh Alok Sharma, chính phủ nước này đánh giá châu Phi là một thị trường đầu tư đầy tiềm năng. Hiện châu lục có 8 nước nằm trong danh sách những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Ngoài ra, dân số châu lục này được dự báo sẽ tăng lên 2 tỷ vào năm 2050. Ông Sharma ví von rằng được thúc đẩy theo thế "kiềng ba chân" bao gồm kinh tế-thương mại-đầu tư, mối quan hệ kinh tế Anh-châu Phi sẽ tăng tốc theo cơ chế "siêu nạp"’ của động cơ xe đua.

Trên thực tế, bên cạnh Pháp, Hà Lan, Trung Quốc và Mỹ, Anh hiện đang là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào châu Phi với tổng số vốn khoảng 38 tỷ bảng (khoảng 49,5 tỷ USD). Trong hai năm vừa qua, Chính phủ Anh đã chi 2 tỷ bảng Anh (khoảng 2,6 tỷ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp nước này xuất khẩu vào châu Phi. Tuy nhiên, mọi thứ dường như sẽ không còn dễ dàng và nhanh chóng với Anh khi muốn tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư vào châu Phi trong bối cảnh nước này đang "khăn gói" rời EU vào ngày 31/1 tới, cũng như những vấn đề xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc - quốc gia có kim ngạch thương mại với châu Phi đạt 208 tỷ USD trong năm ngoái, gấp hơn 4 lần so với con số 49 tỷ USD kim ngạch giữa Anh-châu Phi.

Trước hết, các thỏa thuận thương mại giữa Anh và các nước châu Phi được dự đoán sẽ giữ nguyên trạng trong vòng vài năm tới vì Anh không dễ dàng gì đàm phán lại khi nước này đã ở vị thế "yếu đi"’ sau khi rời EU. Theo đó, các điều khoản thương mại (thuế, hạn ngạch, tiêu chuẩn..) được đánh giá là sẽ "nguyên xi" như khi Anh vẫn đang nằm trong EU - đồng nghĩa với việc kim ngạch thương mại giữa Anh và châu Phi khó có thể tăng trong một sớm một chiều. Theo ông Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích Tập đoàn tư vấn đầu tư FXTM tại Nam Phi, Anh tổ chức hội nghị đầu tư với châu Phi với mục đích đạt được những thỏa thuận khung trước khi Anh rời khỏi EU. Sau Brexit, Anh hy vọng rằng các thỏa thuận này sẽ được tiếp tục hoàn thiện một cách dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, những cái bắt tay vui mừng, những lời chúc tụng tại hội nghị đầu tư Anh-châu Phi chưa thể nói lên điều gì trong bối cảnh bộn bề thách thức đối với nước Anh sau Brexit. Ông Otunuga cũng không loại trừ khả năng kinh tế Anh sẽ rơi vào suy thoái hậu Brexit và do đó sẽ làm ảnh hưởng nặng nề tới quan hệ kinh tế thương mại giữa nước này và phần còn lại của thế giới. Thứ hai, Anh dường như đã là "người đến với châu Phi sau cùng" so với các cường quốc khác. Hội nghị thượng đỉnh đầu tư Anh-châu Phi được xem là hội nghị mới nhất được tổ chức theo mô hình "châu Phi+1." Trên thực tế, hội nghị đầu tiên theo mô hình này đã được tổ chức lần đầu tiên tại Pháp năm 1972, và sau đó tại Nhật Bản vào năm 1993, Mỹ năm 2014 và tại Nga hồi cuối năm ngoái.

Riêng Trung Quốc đã liên tục tổ chức hội nghị theo mô hình này từ 20 năm trước, mà lần gần nhất diễn ra năm 2018 tại Bắc Kinh với số lượng các lãnh đạo châu Phi tham gia đông gấp đôi so với nhiều lần châu lục này dự các phiên họp tại Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, các cuộc viếng thăm của lãnh đạo Anh tới châu Phi - nơi có rất nhiều nước là thuộc địa cũ, được xem là quá thưa thớt. Trong giai đoạn từ 2008-2018, Trung Quốc cử đoàn các cấp đến 43/55 quốc gia châu Phi, trong khi các lãnh đạo Anh chỉ đến 23 nước trong cùng thời gian đó. Trước khi cựu Thủ tướng Anh Theresa May thăm Nam Phi, Nigeria và Kenya hồi năm 2018, lần cuối cùng nguyên thủ Anh đến châu Phi là năm 2013.

Đây được xem là lý do mà chỉ có 16/54 nguyên thủ quốc gia châu Phi tham dự hội nghị thượng đỉnh Anh-châu Phi, so với hàng chục nguyên thủ châu Phi đến với hội nghị Nga-châu Phi hay Trung Quốc-châu Phi được tổ chức trước đó. Tại hội nghị, chính Thủ tướng Anh cũng phải thừa nhận rằng đây là hội nghị được tổ chức "quá hạn," ám chỉ rằng Chính phủ Anh cũng như các doanh nghiệp nước này cần phải nỗ lực hết sức mình để thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư với châu Phi. Ông ví von rằng châu Phi bây giờ không chỉ của riêng ai cả, có rất nhiều "người cầu hôn" đã đến trước Anh như Trung Quốc và Nga.

Triển vọng phát triển kinh tế thương mại giữa châu Phi và Anh sẽ còn phụ thuộc vào mối tương quan của quan hệ hiện có giữa châu Phi-EU và châu Phi-Anh. Chuyên gia Viện Kinh tế DNA tại thủ đô Pretoria, Nam Phi, ông Matthew Stern nhấn mạnh các doanh nghiệp châu Phi hiện đang làm ăn với Anh theo khung pháp lý trước đó do EU đặt ra cần phải cẩn trọng với những diễn biến mới nhất trong chính sách của EU để kịp có thay đổi phù hợp trong việc đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với Anh.

Bất cứ sự "vênh" nào trong giai đoạn hậu Brexit có thể dẫn đến những hậu quả không lường đối với các doanh nghiệp hai bên. Chính sự khó lường của kinh tế Anh thời kỳ hậu Brexit sẽ là mối đe dọa tiềm ẩn lớn nhất đối với các thỏa thuận kinh tế-đầu tư. Bởi vậy, không nên vội vàng khẳng định rằng những cái bắt tay hay nụ cười tại hội nghị lần này là minh chứng chắc chắn cho sự thành công của Anh trên con đường "chinh phục" châu Phi.