19/01/2025 lúc 22:24 (GMT+7)
Breaking News

STEM - Chìa khóa của đổi mới giáo dục

VNHN-Bài viết tác giả muốn giới thiệu giáo dục STEM là gì? Nó có vai trò quan trọng như thế nào trong thời kỳ công nghệ phát triển, thời kỳ đổi mới sáng tạo như hiện nay và đánh giá việc các nhà trường đã phát triển giáo dục STEM trong những năm qua và đề xuất giải pháp phát triển giáo dục STEM trong các nhà trường hiện nay, trong đó tác giả đề cập đến vai trò của văn hóa đọc.

VNHN-Bài viết tác giả muốn giới thiệu giáo dục STEM là gì? Nó có vai trò quan trọng như thế nào trong thời kỳ công nghệ phát triển, thời kỳ đổi mới sáng tạo như hiện nay và đánh giá việc các nhà trường đã phát triển giáo dục STEM trong những năm qua và đề xuất giải pháp phát triển giáo dục STEM trong các nhà trường hiện nay, trong đó tác giả đề cập đến vai trò của văn hóa đọc.

Ảnh minh họa

GIÁO DỤC STEM LÀ GÌ ? STEM CÓ VAI TRÒ GÌ  

STEM là viết tắt của Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật  và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Giáo dục STEM cũng song song trang bị cho học sinh những kỹ năng chính: tư duy phê phán và giải quyết vấn đề, kỹ năng trao đổi và cộng tác, tính sáng tạo và kỹ năng phát kiến, văn hóa công nghệ và thông tin truyền thông, kỹ năng học theo hoàn cảnh, kỹ năng học vấn thông tin và phương tiện. Những học sinh được học theo cách tiếp cận giáo dục STEM đều có ưu thế nổi bật như: kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn, khả năng sáng tạo, tư duy logic, hiệu suất học tập và làm việc vượt trội; có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn.

Giáo dục STEM vận dụng các phương pháp giáo dục tiến bộ, linh hoạt nhất như học qua dự án - chủ đề, học qua trò chơi. Đặc biệt, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo luôn được đề cao trong giáo dụng STEM, trong đó cách dạy và học thông qua THỰC LÀM là một đặc điểm quan trọng nhất không thể tách rời vớ STEM.  

Theo UNESCO: “Giáo dục STEM là chìa khóa hướng đến sáng tạo và sự tăng trưởng kinh tế trong thế giới kết nối mạng, nơi mà con người được bao quanh bởi công nghệ và sáng tạo”. Nói một cách ngắn gọn STEM chính là tinh thần “Học tập tốt, lao động tốt” trong 05 điều Bác Hồ dạy, ở đây LAO ĐỘNG TỐT có nghĩa là sử dụng kiến thức của KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ, KỸ THUẬT và TOÁN HỌC để THỰC LÀM ngày càng tốt hơn để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. 

TỔNG THỐNG OBAMA ĐỔI MỚI GIÁO DỤC MỸ BẰNG STEM 

STEM là một vấn đề rất được Tổng thống Mỹ quan tâm. Theo “Kế hoạch chiến lược phát triển STEM của Chính phủ Mỹ, trong 5 năm từ 2013 - 2018, nước Mỹ sẽ chi khoảng 4,3 tỷ USD cho STEM. Tổng thống Obama đề ra mục tiêu đào tạo lại và đào tạo mới 100.000 giáo viên phổ thông cho giảng dạy STEM và tạo ra hơn 1 triệu chỗ làm STEM. 

Mở đầu cho bản kế hoạch 143 trang dành cho giáo dục STEM của nước Mỹ là lời của Tổng thống Obama: “Một trong những vấn đề trọng tâm của tôi khi làm Tổng thống Mỹ là xây dựng phương pháp phát triển khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học trong đó có sự chung tay góp sức của toàn dân. Nước Mỹ cần ưu tiên đào tạo đội ngũ giáo viên và giảng viên có chất lượng trong các lĩnh vực này, đồng thời cần bảo đảm rằng toàn dân Mỹ cùng hợp lực thúc đẩy các ngành này phát triển xứng đáng với tầm quan trọng của chúng” 

GIÁO DỤC STEM Ở VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM QUA 

Sau 04 năm đầu tiên liên tiếp thất bại, kể từ năm 2012, trong 05 năm gần đây, Việt Nam luôn đạt giải tại Intel ISEF - cuộc thi khoa học - kỹ thuật (STEM) lớn nhất và lâu đời nhất thế giới. Sân chơi STEM này tiêu tốn 20 triệu USD cho vòng chung kết hằng năm tại Mỹ với quỹ giải thưởng và học bổng lên tới 5 triệu USD/năm.

Nếu như 2011-2012 chúng ta chỉ có vài tỉnh thành với 50 dự án và khoảng hơn 100 học sinh tham gia thì năm học 2015-2016 cả nước đã có 10 ngàn đề tài ở các cuộc thi cấp tỉnh thành với khoảng gần 2 vạn học sinh tham gia. 

Sau “bàn thắng vàng - giải Nhất trị giá 3000 đô- la” của nhóm học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam, giải Intel ISEF đầu tiên của Việt Nam, học sinh của ngôi trường này đã liên tiếp đạt hai giải Tư (mỗi giải 500 đô- la) ở cuộc thi quốc tế lớn nhất và lâu đời nhất của khối trung học phổ thông toàn thế giới. 

Không say với chiến thắng, kể từ năm 2013, ban lãnh đạo trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã lập kế hoạch triển khai việc tạo nguồn STEM cho khối THPT bằng việc thành lập các lớp CLB STEM sử dụng vật liệu tái chế cho học sinh khối 6 và khối 7 của trường. Đây là mô hình chi phí thấp, các thầy cô giáo đã cùng các chuyên gia tự đúc kết kinh nghiệm từ Intel ISEF và học hỏi thêm nhiều nguồn để triển khai. 

BỆNH CỦA TRƯỜNG CHUYÊN TỪ GÓC NHÌN STEM

Có thể nói, gần 80 trường THPT chuyên là nơi hội tụ học sinh giỏi và giáo viên giỏi trong cả nước, cho nên nếu các trường này không thực sự ĐI TIÊN PHONG trong đổi mới được thì việc đổi mới giáo dục phổ thông sẽ bế tắc. 

Các trường chuyên của chúng ta vẫn còn một số những căn bệnh sau cần chữa nhanh vì cũng dễ chữa: 

1- Thiếu thư viện tốt, đặc biệt là thiếu các sách STEM bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

2- Thiếu phòng thí nghiệm STEM, khu thử nghiệm và xưởng thực hành. 

3- Thiếu giáo viên hiểu về phương pháp nghiên cứu, có kinh nghiệm làm R&D. 

4- Tư duy toán học thường chỉ thiên về giải bài tập các loại để thi học sinh giỏi và thi đại học. Tư duy toán học gắn với thực tế đời sống và khoa học còn rất yếu kém. 

Các đề tài STEM của các học sinh trường chuyên tham gia Cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật ViSEF thường yếu kém phần này nhất. 

5- Giỏi hờ về CNTT, tức là biết dùng máy tính để viết mail, chơi FB, lập trình, chơi game nhưng kỹ năng khai thác thông tin trên mạng thì kém vô cùng.

Lý do là không có thói quen đọc sách dùng phần INDEX của mỗi cuốn sách để tra cứu từ khoá theo số trang. Đơn giản là vì sách bằng tiếng Việt đa số không có phần INDEX này và các thầy cô cũng không để ý dạy các em dù SGK bậc THPT cũng có vài quyển đã có INDEX. Tiếc là giáo trình ĐH và sách khoa học ở Việt Nam lại không đạt cái chuẩn học thuật này của sách tiểu học bên Tây. Cái này cho thấy ĐH của ta lạc hậu 300 năm về tiêu chuẩn sách (Sách vừa là bạn vừa là thầy nhưng lại lạc hậu về cả tính học thuật và nội dung). 

6- Chốt lại là trường chuyên có nhiều mặt tốt của nó, không bàn ở đây nhưng việc đào tạo các học sinh giỏi mà không đạt yêu cầu ở 05 hạng mục sau đây làm chúng ta suy nghĩ về tính hiệu quả trong thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0:

- ĐỌC và tự đọc

- STEM 

- Tiếng Anh và tiếng anh môn chuyên.

- CNTT và xử lý thông tin (từ khoá- Index)

- Đối thoại. 

GIẢI PHÁP LÀ GÌ ?

I- Một số việc cần lưu ý khi triển khai STEM trong trường học:

1- Các vấn đề về lãnh đạo và quản lý STEM: 

- Đặt mục tiêu, lập kế hoạch

-Phân công nhân sự 

- Tìm nguồn lực tài chính.

- Lập ban truyền thông  cho STEM

- Xây dựng tủ sách STEM 

- Xây dựng các CLB STEM 

- Đào tạo giáo viên 

- Lập thời khoá biểu cho STEM 

- Gây dựng chính sách STEM 

- Kết nối với các chuyên gia STEM 

- Xác định hệ thống xưởng chế tạo  và phòng thí nghiệm (kể cả đi thuê ngoài)

- Tổ chức các Ngày hội STEM

-Thành lập Trung tâm STEM (một bảo tàng nhỏ để triển lãm, lưu giữ các sản phẩm STEM ) để dạy các tiết chuyên đề STEM. 

- Kết nối quốc tế với các CLB và cuộc thi của nước ngoài 

- Kêu gọi phụ huynh học sinh và cựu học sinh cùng các tổ chức cá nhân tài trợ sách, dụng cụ thí nghiệm, bài giảng và tiền. 

2- Các hoạt động phổ cập STEM cho tất cả học sinh để “xoá mù STEM”:

Sau mỗi lần thi học kỳ, nhà trường phát động các cuộc thi làm các sản phẩm để tự trải nghiệm STEM trong 1-2 tuần để khuyến khích sáng tạo.

Cách thức thi có thể áp dụng CNTT để  tổ chức thi đơn giản và khách quan. Nhà trường giao nhiệm vụ cho các CLB STEM giúp tổ chức hoạt động này. Huy động thêm các cựu học sinh, phụ huynh hs, các tổ chức cá nhân chuyên về STEM tham gia tuần STEM ( mỗi hôm cho 01 khối trưng bày sản phẩm để các khối khác xem), khối 9 và khối 12 thì miễn chơi STEM vì chuyển cấp. 

Il- Hoạt động tạo nền tảng để cho STEM phát triển là văn hoá đọc:

Học sinh chuyên thường có nền tảng tiếng Anh tốt hơn trường thường nên chỉ cần tạo môi trường văn hoá đọc tiếng Anh là tất cả sẽ tốt lên. Sách không phải là vấn đề, nhưng tiết học tiếng Anh dành cho việc sinh hoạt sách là quan trọng. Chỉ cần đặt tiêu chí, mỗi học sinh đọc ít nhất 1 cuốn sách tiếng Anh trong một HỌC KỲ và mỗi tuần có một tiết học tiếng Anh dành cho học sinh lên thuyết trình trước lớp về cuốn sách mình ưa thích. Mỗi tiết 4-5 học sinh tham gia thuyết trình.

Khi đã có thói quen và năng lực đọc sách thì trong các kỳ nghỉ Tết và nghỉ Hè, các bạn học sinh sẽ được nhắc sẽ đọc thêm 2-3 cuốn. Như vậy ít nhất mỗi học sinh sẽ đọc ít nhất 05 cuốn sách bằng tiếng Anh trong một năm học.  

Các giáo viên tiếng Anh có thể kết hợp dạy cho học sinh kiến thức về thuyết trình, vấn đáp, làm slide và Poster.

Đặc biệt là học sinh phải được dạy ngắn gọn (15’) về cách dùng phần INDEX (để tra cứu các từ khoá theo từng số trang) khi đọc các cuốn sách khoa học tự nhiên và xã hội. Các kỹ năng và năng lực này là nội dung chúng tôi thường phải huấn luyện lại cho học sinh đội tuyển QG đi thi ISEF  

Nhà trường cần phân công rõ trách nhiệm cho các thầy cô phụ trách các mảng để lập kế hoạch cụ thể cho các lực lượng xã hội như cha mẹ học sinh và cựu học sinh dễ kết nối tiếp sức. 

THAY CHO LỜI KẾT 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (với 04 nền tảng là Robotic, Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn và Internet Vạn vật) và Hiệp ước Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP ) đang tạo ra những thách thức kinh tế, chính trị, xã hội mà Việt Nam phải đối mặt. Hiểu được vai trò quan trọng của giáo dục STEM trong giai đoạn mới này nên  Bộ GD& ĐT đã giao nhiệm vụ cho các trường học rõ nét hơn về STEM và văn hoá đọc sách để mở đường cho STEM.

Ngân sách nhà nước đang khó khăn, giải pháp ngay và luôn cần có sức trẻ và tình yêu nên ngoài việc huy động sự quan tâm của phụ huynh học sinh thì cần làm tốt vai trò KHUYẾN HỌC ( chứ không phải chỉ đơn giản là tụ họp) của các cựu học sinh. 

NGUYỄN THỊ NGỌC TÚ

HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC I

Bài được đăng trên số 72/10/2018 - Tạp chí Việt Nam Hội nhập