Ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2022, các "ông lớn" trong làng công nghệ thế giới đã đón nhận tin không vui. Theo đó, Ủy ban quốc gia về thông tin và quyền tự do (CNIL) của Pháp thông báo phạt hai tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ là Google và Facebook về hành vi sử dụng lịch sử hoạt động của khách hàng (cookie) nhằm phục vụ mục tiêu điều phối thông tin quảng cáo.
Pháp phạt nặng Google và Facebook vì gây khó khăn cho người dùng trong việc từ chối cookie. (Ảnh: Reuters)
Hai "gã khổng lồ" nói trên nhận mức phạt lần lượt là 150 triệu euro và 60 triệu euro. Ðây được xem là con số kỷ lục về trừng phạt nhằm vào các hãng công nghệ mà CNIL từng đưa ra. Lý giải cho mức phạt nêu trên, CNIL ra thông báo nêu rõ, họ nhận thấy rằng các trang facebook.com, google.fr và youtube.com đã "không cho phép khách hàng thực hiện thao tác từ chối cookie một cách đơn giản như là thao tác chấp nhận chúng". CNIL cũng yêu cầu Google và Facebook phải điều chỉnh những bất hợp lý nêu trên trong vòng 3 tháng. Nếu không, mỗi công ty sẽ phải trả khoản tiền phạt 100.000 euro cho một ngày chậm trễ.
Trước đó, các hãng công nghệ lớn nói trên của Mỹ cũng đã hứng chịu loạt án phạt nặng từ chính phủ một số nước châu Âu. Tại Nga, một tòa án ở Moskva vừa tuyên án phạt hãng Google 7,2 tỷ ruble (tương đương 98 triệu USD) vì đã không gỡ bỏ những nội dung không phù hợp với luật pháp của nước Nga. Trước đó, Chính phủ Nga đã yêu cầu các công ty công nghệ gỡ bỏ những bài viết có nội dung phổ biến lạm dụng ma túy và trò giải trí nguy hiểm, thông tin về chất nổ và vũ khí tự chế cũng như bài viết có tư tưởng cực đoan và khủng bố. Theo hãng tin Reuters, số tiền phạt trên tương đương 8% doanh thu hằng năm của Google tại Nga và đây là lần đầu tiên Moskva áp dụng mức phạt dựa trên doanh thu hằng năm của doanh nghiệp tại nước này, cũng là một tổn thất đáng kể với Google. Trong bối cảnh Moskva siết chặt quy định đối với nhiều tập đoàn công nghệ, năm 2021, Google đã phải nộp phạt hơn 32 triệu ruble vì vi phạm những quy định của Chính phủ Nga. Tuy nhiên, trong năm 2022, không chỉ có Google mà nhiều hãng công nghệ khác đang vào "tầm ngắm kiểm soát" của Chính phủ Nga. Moskva đang xem xét luật quy định các công ty công nghệ nước ngoài như Facebook, Instagram, TikTok, Twitter, YouTube, Gmail, Google, Amazon… phải mở văn phòng đại diện tại Nga.
Trong khi đó, tại Italia, mức phạt hàng triệu USD cũng đã được đưa ra đối với các tập đoàn công nghệ Apple và Google của Mỹ. Cơ quan chống độc quyền của Italia mới đây đã công bố mức phạt 20 triệu euro đối với các hãng công nghệ nói trên vì cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền. Cơ quan chống độc quyền Italia nêu rõ lý do phạt các hãng công nghệ là vì đã vi phạm mã khách hàng gồm không cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng và sử dụng "các biện pháp mạnh" lợi dụng dữ liệu của khách hàng vì mục đích thương mại. Trước đó, cơ quan nói trên của Italia cũng đã phạt Apple và tập đoàn Amazon tổng cộng 200 triệu euro vì có hành vi hạn chế, gây bất lợi cho các nhà phân phối sản phẩm của Apple và Beats.
Những "án phạt tiền triệu" được đưa ra liên tiếp trong bối cảnh gần đây, các nước châu Âu gia tăng kiểm soát và điều tra chống độc quyền đối với các tập đoàn công nghệ. Tháng 11 năm ngoái, Nghị viện châu Âu đã nhất trí về một thỏa thuận áp dụng đối với các công ty công nghệ có giá trị vốn hóa thị trường hơn 90 tỷ USD nhằm hạn chế hành vi chống cạnh tranh trong nền kinh tế số. Dự luật của EU cấm các hành vi chống cạnh tranh, như lợi dụng vị trí thống trị trong một lĩnh vực để làm suy yếu dịch vụ của các đối thủ. Với thỏa thuận mới như trên, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định mới của EU. Ngoài các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Google, Amazon, Apple, Facebook, Microsoft, các "đại gia" công nghệ khác như Booking của Hà Lan và Alibaba của Trung Quốc, cũng sẽ bị chi phối bởi luật mới nói trên của EU.
Giới phân tích và truyền thông nhận định, các nhà lập pháp của "lục địa già" đã siết chặt quy định đối với các công ty công nghệ trong năm 2021 và chiếc "vòng kim cô" còn được siết chặt hơn trong năm nay. Theo đó, thời gian tới, rất có thể châu Âu sẽ không còn là nơi "đất lành chim đậu" với các "đại gia" công nghệ toàn cầu.