25/11/2024 lúc 11:24 (GMT+7)
Breaking News

Sống chung với đại dịch Covid-19: 'Phao cứu sinh' của nền kinh tế toàn cầu?

Theo tờ Financial Times của Anh, chiến lược 'Không Covid-19' của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trở nên khó duy trì hơn bao giờ hết và nhiều khả năng sẽ phải học cách sống chung với đại dịch như cách châu Âu và Mỹ đang thực hiện.

Theo tờ Financial Times của Anh, chiến lược 'Không Covid-19' của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang trở nên khó duy trì hơn bao giờ hết và nhiều khả năng sẽ phải học cách sống chung với đại dịch như cách châu Âu và Mỹ đang thực hiện.

Ảnh minh họa - Internet

 

Khi châu Âu và Mỹ đạt những bước tiến dài trong chiến dịch tiêm ngừa Covid-19, những chia rẽ trên toàn cầu đang được phơi bày.

Thứ nhất, ở các quốc gia có thu nhập thấp hơn, tình trạng thiếu vaccine ngừa Covid-19 vẫn ở mức nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, ở thế giới các nước phát triển, trong khi các nước phương Tây đang mở cửa trở lại và chấp nhận sống chung với Covid-19 thì một số quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương vẫn đang tập trung vào việc ngăn chặn dịch bệnh này, với những rủi ro hiện hữu về kinh tế.

Chiến lược của các nước này, cũng như việc kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động đi lại, ngăn chặn sự lây lan, đang trở nên khó duy trì hơn bao giờ hết.

“Vật lộn” với phong tỏa và hạn chế hoạt động

Theo tờ WSJ, hoạt động của các nhà máy trên khắp châu Á chững lại vào tháng 8/2021, với sự gia tăng các ca nhiễm dịch Covid-19 khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và thêm những quan ngại về sự chậm lại trong quá trình phục hồi kinh tế của khu vực.

Các chỉ số đánh giá hoạt động sản xuất giảm mạnh tại các nền kinh tế lớn của châu Á, phần lớn bởi các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, tình trạng tắc nghẽn của các cảng vận chuyển và chi phí đầu vào cao hơn khiến sản xuất gặp khó khăn. Có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với một số mặt hàng của châu Á đang chững lại do người tiêu dùng ở phương Tây hạn chế chi tiêu.

Tại Malaysia, hầu hết các nhà sản xuất đã được yêu cầu giảm công suất trừ khi họ đã tiêm phòng cho ít nhất 80% công nhân nhà máy. Trung Quốc đã tạm thời đóng cửa bến chính ở cảng Ninh Ba-Chu Sơn đông đúc thứ ba thế giới vào tháng trước. Hiện nay bến này đã mở cửa trở lại.

 

Tại Trung Quốc, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Caixin - chỉ số đo lường hoạt động của các nhà máy tư nhân - đã giảm lần đầu tiên trong tháng 8/2021 kể từ khi nền kinh tế nước này bắt đầu quá trình phục hồi vào tháng 4/2020.

Chỉ số này đã giảm xuống còn 49,2 điểm so với mức 50,3 điểm trong tháng Bảy (ngưỡng 50 phân định giữa suy giảm và tăng trưởng).

Theo dữ liệu mới nhất của hãng IHS Markit, hoạt động của các nhà máy tại 7 quốc gia Đông Nam Á cũng giảm trong tháng Tám. Chỉ số PMI của 7 nước này đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, xuống còn 44,5 điểm.

Ông Alex Holmes, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi tại Capital Economics ở Singapore, cho biết: “Sự gián đoạn do dịch bệnh đã góp phần làm tăng sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ tình trạng thiếu chất bán dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao”.

Ông Holmes lưu ý rằng nhiều quốc gia ở Đông Nam Á là nhà cung cấp hàng hóa trung gian như các linh kiện dùng để sản xuất điện tử tiêu dùng và ô tô. Ông nhấn mạnh rằng, tất cả những điều này có nghĩa là những nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể sớm cải thiện được.

Một số vấn đề sản xuất có thể sẽ được cải thiện khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên. Trung Quốc dường như đã ngăn chặn một đợt bùng phát ngắn của dịch Covid-19 vào đầu mùa Hè vừa qua.

Tuy nhiên, so với các nền kinh tế giàu có hơn ở phương Tây, nhiều quốc gia châu Á vẫn thiếu nguồn lực và tầm ảnh hưởng để vượt lên dẫn trước trong việc tiêm chủng do tình trạng thiếu vaccine ở một số nơi vẫn tiếp diễn.

Một số nhà kinh tế lo ngại rằng nếu các quốc gia châu Á giảm bớt biện pháp hạn chế, nhưng chưa thể tăng tốc độ tiêm chủng nhanh hơn, thì các nước đó có thể đối mặt với rủi ro số ca nhiễm mới gia tăng và tình trạng thiếu lao động, do người dân bị cách ly ở nhà hoặc từ chối làm việc.

Mở cửa dè dặt

Trong khi đó, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vẫn đang làm gián đoạn việc đi lại ở phương Tây. Liên minh châu Âu (EU) đã khuyến nghị khôi phục các hạn chế đối với khách du lịch Mỹ chưa được tiêm phòng vì tình trạng lây nhiễm tại Mỹ đang gia tăng.

Một số chính trị gia EU cũng thất vọng rằng trong khi tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở châu Âu thấp hơn, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn duy trì lệnh cấm người nước ngoài vào Mỹ từ khu vực Schengen, cũng như từ Ireland và Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, bên trong EU, nơi đã đạt được mục tiêu tiêm chủng đủ hai mũi cho 70% dân số trưởng thành, giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 kỹ thuật số đang giúp việc đi lại dễ dàng hơn và khối đã mở lại biên giới cho các quốc gia “an toàn về mặt dịch tễ học”.

Ngược lại, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, New Zealand và một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác vẫn đóng cửa hầu hết các hoạt động du lịch.

 

Cách tiếp cận cảnh giác của những nước này đã giúp ngăn chặn dịch bùng phát trong những ngày đầu của đại dịch. Tuy nhiên, biến thể Delta đã thay đổi "phương trình" này khi cho thấy rằng virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lan truyền khi phần lớn dân số được tiêm chủng, dù cho các mũi vaccine giúp bảo vệ người bệnh khỏi những diễn biến nghiêm trọng.

Điều này đang đặt ra câu hỏi về chiến lược thoát khỏi những hạn chế chặt chẽ vẫn đang khiến khu vực châu Á-Thái Bình Dương chưa thể mở cửa trở lại đối với hoạt động kinh doanh và đi lại.

Một số nước đang duy trì các biện pháp kiểm soát đi lại dù đã thúc đẩy các chương trình tiêm chủng. Với chỉ hơn một nửa tổng dân số đã được tiêm đủ hai mũi, các doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) đang phàn nàn rằng các yêu cầu kiểm dịch siêu nghiêm ngặt đang làm tổn hại đến vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hong Kong.

Nhật Bản, nơi tỷ lệ tiêm chủng đang dần theo kịp châu Âu, đã phát hiện ra rằng hộ chiếu vaccine nhằm giúp cho du khách Nhật Bản khỏi phải thực hiện các biện pháp hạn chế ở nước ngoài chỉ được chấp nhận ở mức hạn chế, vì Tokyo đã chậm chạp trong việc cung cấp các quyền tương tự cho du khách đến từ nơi khác. Các hành lang đi lại phải hoạt động theo cả hai chiều.

 

Vaccine vẫn là chìa khóa để sống chung với Covid-19

Trong khi đó, các quốc gia như Australia và New Zealand đã đóng cửa biên giới và tuân theo chiến lược “Không Covid-19” có xu hướng không quá quan tâm đến việc tiêm chủng và điều này đã khiến họ rơi vào một tình thế đặc biệt khó xử. Một trường hợp nhiễm Covid-19 duy nhất ở trong nước đã khiến New Zealand phong tỏa toàn quốc vào tháng trước và Auckland vẫn đang thực hiện những hạn chế ở cấp độ cao nhất.

Nhưng biến thể Delta dễ lây lan hơn nhiều so với chủng virus ban đầu. Do đó đà lây lan của biến thể này là khó ngăn chặn hơn nếu chỉ sử dụng các biện pháp phong tỏa trong khi mới chỉ có khoảng 1/4 dân số được tiêm chủng đủ hai mũi.

Điều này khiến New Zealand rất dễ bị tổn thương trước một đợt bùng phát Covid-19. Hậu quả là du lịch và giáo dục quốc tế, những trụ cột của nền kinh tế New Zealand, tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ.

Với việc Australia đang chuẩn bị chuyển từ chính sách “Không Covid-19” sang dựa vào vacccine và chấp nhận số lượng ca lây nhiễm gia tăng, một số quan chức New Zealand thừa nhận có thể cần phải suy nghĩ lại về chính sách phòng chống Covid-19. Các biện pháp hạn chế cơ bản khó có thể được dỡ bỏ cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.

Trong khi đó, Singapore đang thận trọng mở cửa trở lại cho du lịch nước ngoài sau khi thông báo trong tuần này rằng họ đã tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số.

Tuy nhiên, ngay cả đối với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang cố gắng hết sức để dập dịch, tương lai có vẻ sẽ giống như những gì diễn ra ở châu Âu và Mỹ, đó là phải học cách chung sống với Covid-19.