26/11/2024 lúc 12:58 (GMT+7)
Breaking News

Sơn La xin điều chỉnh tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu trị giá 22.294 tỷ đồng

VNHN - Nhiều nội dung quan trọng của dự án PPP xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đang được đề xuất điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi tài chính.

VNHN - Nhiều nội dung quan trọng của dự án PPP xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đang được đề xuất điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi tài chính.

Phối cảnh cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa có tờ trình số 157/TTr – UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu.

Trước đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu theo hình thức đối tác công tư PPP hỗn hợp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 17/5/2019, với tổng chiều dài toàn tuyến 85km, trong đó có 49km trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, 36km địa phận huyện Vân Hồ, Mộc Châu (Sơn La). Đây là dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư khoảng 22.294 tỷ đồng, trong đó, phần Nhà nước tham gia trong dự án là quỹ đất của địa phương hai tỉnh khoảng 5.000 tỷ đồng.

Được biết, thay đổi đầu tiên mà UBND tỉnh Sơn La đề xuất liên quan đến quy mô đầu tư giai đoạn 1 dự án. Theo đó, bề rộng nền đường trong giai đoạn 1 giảm từ 17 m xuống còn 13,5 m (quy mô các cầu lớn không điều chỉnh). Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án cũng đề nghị điều chỉnh điều đầu tuyến từ vị trí Km66 + 700, Quốc lộ 6 sang Km29 đường Hòa Lạc – Hòa Bình và thay đổi hướng tuyến vượt lòng hồ sông Đà lần thứ 2, dẫn tới chiều dài toàn tuyến chỉ còn 84 km, giảm 1 km so với phê duyệt của Thủ tướng.

Trên cơ sở điều chỉnh lại hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, tổng mức đầu tư dự án được đề nghị điều chỉnh khoảng 22.033 tỷ đồng, giảm 261 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư đã được phê duyệt (22.294 tỷ đồng)

Hình thức hợp đồng dự án cũng sẽ được điều chỉnh từ hình thức PPP, loại hợp đồng BOT kết hợp BT thành BOT.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho biết việc thực hiện dự án theo hợp đồng hỗn hợp (BOT kết hợp BT) là loại hợp đồng gần như chưa từng được thực hiện tại Việt Nam, vì vậy các cơ quan Nhà nước, nhà đầu tư đều chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có quy định dừng nghiên cứu mới các dự án BT.

“Do đó, việc điều chỉnh hình thức hợp đồng dự án từ hợp đồng hỗn hợp (BOT kết hợp BT) sang hình thức hợp đồng BOT có sự tham gia của Nhà nước là phù hợp”, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.

Cơ cấu nguồn vốn dự án cũng có sự thay đổi lớn so với Quyết định số 579. Với tổng mức đầu tư mới là 22.033 tỷ đồng, phần vốn mà nhà đầu tư sẽ huy động là 12.083 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án là 9.950 tỷ đồng dưới hình thức hỗ trợ GPMB và xây dựng một phần công trình, trong đó ngân sách địa phương 2 tỉnh Hòa Bình, Sơn La tham gia là 5.000 tỷ đồng và Ngân sách trung ương hỗ trợ 4.950 tỷ đồng.

UBND tỉnh Sơn La cũng xin Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án (giai đoạn I) theo hướng thực hiện phân kỳ đầu tư thành các dự án thành phần.  Cụ thể, dự án thành phần 1 – đoạn tuyến cao tốc đi qua địa phận tỉnh Sơn La dài 35 km và đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 6 tại ngã ba Đồng Bảng, huyện Mai Châu dài 11 km, cải tạo đoạn QL43 nối với cuối tuyến cao tốc dài 3 km; tổng mức đầu tư khoảng 6.209 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2024, thu phí hoàn vốn trong 20 năm.

Dự án thành phần 2 gồm đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Hòa Bình dài 49 km, tổng mức đầu tư 15.824 tỷ đồng sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026, thời gian hoàn vốn là 24 năm.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Sơn La, sau khi hoàn thành đồng bộ tuyến đường vào năm 2026, tuyến cao tốc này sẽ kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại của tỉnh Sơn La với Hòa Bình và với Thủ đô Hà Nội, tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối đến cửa khẩu biên giới Đông Bắc và cảng biển quốc tế Lạch Huyện.

Đồng thời, giảm tải cho tuyến quốc lộ 6 đoạn Hòa Bình - Sơn La, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH các địa phương thuộc 2 tỉnh, tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các địa phương.

Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mộc Châu về Hòa Bình từ hơn 2 giờ như hiện nay còn khoảng 1 giờ đồng hồ.