Với mục tiêu, xây dựng môi trường khám, chữa bệnh hiện đại, hướng đến bệnh viện thông minh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng công nghệ thông tin; tối ưu quy trình khám, chữa bệnh nhanh - gọn - chính xác, giảm thời gian, khối lượng thủ tục hành chính... Ngành Y tế đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi số toàn diện, mang lại những tiện ích, tạo ra thay đổi trong quản trị, khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và các hoạt động chuyên môn đã giúp cải thiện chất lượng y tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng tính hiệu quả trong chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Điển hình, tại Bệnh viện đa khoa Mộc Châu (Sơn La) đã ứng dụng công nghệ thông tin khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) để kết nối, hội chẩn liên tuyến với Bệnh viện đại học Y Hà Nội và Nhi Trung ương. Dưới sự hỗ trợ trực tuyến của các bác sỹ đầu ngành đã giúp Bệnh viện đưa ra phác đồ điều trị chính xác, giảm chi phí cho bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên. Từ kết quả đó, Bệnh viện phối hợp với Trung tâm Y tế huyện mở rộng khám chữa bệnh từ xa đến 100% trạm y tế xã trên địa bàn. Năm 2023, đơn vị đã kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương hội chẩn 13 ca bệnh nặng, đăng ký khám, chữa bệnh từ xa 39 ca, kết nối trạm y tế xã khám cho 16 ca bệnh.
Triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế, hằng năm, các bệnh viện trong tỉnh đăng ký với bệnh viện tuyến Trung ương thực hiện hội chẩn, khám bệnh khi có ca bệnh phức tạp. Tham gia các buổi hội chẩn trực tuyến do các Bệnh viện: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, đại học Y Hà Nội tổ chức. Từ tình huống cụ thể, kết hợp với hình ảnh, video và tương tác trực tuyến, các bác sỹ bệnh viện tuyến trên đã trao đổi kinh nghiệm điều trị, nâng cao năng lực y khoa cho tuyến dưới; giảm chi phí và thời gian cho người bệnh. Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc khám, chữa bệnh từ xa đã minh chứng ưu thế khi vừa đảm bảo giãn cách xã hội, vừa hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới điều trị bệnh nhân. Áp dụng khám, chữa bệnh từ xa trở thành bước tiến đột phá trong hành trình chuyển đổi số của ngành y tế.
Năm qua, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế xây dựng kho dữ liệu chẩn đoán hình ảnh y khoa, kết quả xét nghiệm y khoa, đơn thuốc điện tử, hệ thống thông tin quản lý hoạt động khám, chữa bệnh. Đồng thời, triển khai nền tảng số y tế, như hồ sơ sức khỏe điện tử, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; nền tảng tiêm chủng, xét nghiệm; tổng hợp, xây dựng 80% số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực của ngành lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT.
Hiện nay, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VssID thay thế thẻ BHYT giấy và kết hợp triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Các đơn vị trong ngành đều ứng dụng chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản điều hành và giải quyết thủ tục hành chính qua phần mềm một cửa điện tử. Đồng thời, đảm bảo thực hiện liên thông dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe qua hạ tầng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Năm 2023, có 736.000 lượt người khám bệnh bằng CCCD gắn chíp; trong đó 79,6% tra cứu thành công bằng đọc mã QR Code; 146/146 thủ tục hành chính đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia...
Hướng tới năm 2024, ngành Y tế tiếp tục số hóa dữ liệu sức khỏe của nhân dân trên cơ sở thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, hình ảnh số y khoa, các ứng dụng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh. Đẩy mạnh triển khai 4 nền tảng số y tế, là khám chữa bệnh từ xa, quản lý tiêm chủng, hồ sơ sức khỏe điện tử và quản lý trạm y tế xã, hướng tới chuyển đổi số, giảm phiền hà cho người bệnh, xây dựng y tế thông minh tạo tiện ích và tăng sự hài lòng của nhân dân.
Chuyển đổi số đã giúp các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tối ưu hóa hoạt động, bảo đảm mục tiêu nhanh, chính xác và thuận lợi, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh, tạo tiền đề xây dựng y tế thông minh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc vào bảo vệ sức khỏe nhân dân.