26/11/2024 lúc 11:33 (GMT+7)
Breaking News

Sớm ban hành Nghị định quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số để xây dựng Chính phủ điện tử

VNHN - Vướng mắc lớn nhất trong xây dựng Chính phủ điện tử là tình trạng cát cứ dữ liệu của các bộ, ngành địa phương. Trong khi đó, dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số chưa được Chính phủ ban hành.

VNHN - Vướng mắc lớn nhất trong xây dựng Chính phủ điện tử là tình trạng cát cứ dữ liệu của các bộ, ngành địa phương. Trong khi đó, dự thảo Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số chưa được Chính phủ ban hành.

Ảnh minh họa

Theo Nghị quyết số 17 ngày 7.3.2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, việc ban hành Nghị định về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số là một trong những nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện. Nghị định này được đánh giá là một văn bản quan trọng và là một trong những giải pháp chủ yếu để hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.

Khi được ban hành Nghị định này sẽ giải quyết được 8 vấn đề lớn liên quan đến chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu. Chẳng hạn, quy định bắt buộc cơ quan nhà nước chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan nhà nước khác khai thác để thay đổi phương thức hoạt động và đơn giản hóa thủ tục hành chính; quy định quy trình thực hiện việc chia sẻ dữ liệu; quy định thẩm quyền, trình tự giải quyết vướng mắc trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu… Đặc biệt, Nghị định cũng sẽ quy định cơ quan nhà nước phải chia sẻ dữ liệu của cá nhân, tổ chức cho cơ quan nhà nước khác có nhu cầu khi cá nhân, tổ chức đó đề nghị; cũng như các điều kiện bảo đảm khả năng sẵn sàng, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Đáng nói hơn, dự thảo Nghị định có một mục quy định riêng về dữ liệu mở, trong đó quy định các nguyên tắc mở dữ liệu của cơ quan nhà nước, trách nhiệm bộ, ngành, địa phương phải lên kế hoạch về mở dữ liệu đồng thời cung cấp dữ liệu mở trên Cổng thông tin dữ liệu quốc gia.

Hiện, Việt Nam có rất nhiều cơ sở dữ liệu, trong đó có một số cơ sở dữ liệu quan trọng quy mô quốc gia được xây dựng và phát huy hiệu quả, tạo tiền đề để xây dựng Chính phủ số như cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, giáo dục, khoa học và công nghệ, tư pháp… Ngoài ra, có hai cơ sở dữ liệu dùng chung vẫn chưa hoàn thành là cơ sở dữ liệu về dân cư; cơ sở dữ liệu về đất đai. Dù có rất nhiều cơ sở dữ liệu và các cơ sở này đều có tính chất nền tảng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, tuy nhiên tình trạng chung của các dữ liệu này là sự cát cứ, khó chia sẻ.

Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu khi thông tin là tài sản; hơn nữa liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn bảo mật dữ liệu và càng khó hơn khi chưa có cơ sở pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu. Kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử tại một số quốc gia cho thấy, kết nối và xử lý dữ liệu được đặt lên hàng đầu, thực hiện việc liên kết, chia sẻ dữ liệu trên một nền tảng và tích hợp dịch vụ trên toàn bộ chính quyền trung ương và địa phương cùng với khu vực tư nhân, người dân, doanh nghiệp. Như vậy, có thể thấy Chính phủ điện tử chỉ có thể thành hiện thực khi giải được bài toán kết nối, chia sẻ dữ liệu.