VNHN - Chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều hoạt động từ ngày 19 đến 22/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Ðồng Mô, Sơn Tây (Hà Nội) với chủ đề: "Bản sắc văn hóa dân tộc góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".
Tham gia sự kiện có khoảng 270 nghệ nhân và các đại diện của 30 dân tộc đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước và khoảng 100 già làng, trưởng bản, nghệ nhân đang hoạt động tại các làng dân tộc thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là người các dân tộc: Mông (Hà Giang), Khơ Mú (Ðiện Biên), Thái (Sơn La), Tày (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên - Huế), Raglai (Ninh Thuận), Ê Ðê (Ðác Lắc), Khmer (Sóc Trăng); khoảng 60 người dân tộc Gia Rai (Gia Lai) và dân tộc Thái (Nghệ An); nhóm nghệ nhân trẻ các dân tộc của Kon Tum và Ðoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng.
Lễ hội các dân tộc Tây Nguyên được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
Ðiểm nhấn của chương trình là Ðêm hội văn hóa bao gồm các tiết mục tôn vinh và mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam trên một sân khấu được thiết kế độc đáo và rực rỡ, thể hiện sự đa dạng của văn hóa Việt Nam trong sự thống nhất. Bên cạnh đó, trong thời gian này, sẽ diễn ra ngày hội văn hóa các dân tộc trải đều cho các vùng, miền đất nước, tiêu biểu là trích đoạn tái hiện Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer Nam Bộ mang ý nghĩa đón mừng năm mới với hy vọng sẽ đem lại những điều may mắn, chấm dứt nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước dồi dào cho vụ mùa mới.
Trong đó, giới thiệu những nét đặc sắc của nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ðây là loại hình nghệ thuật diễn xướng tổng hợp, trong đó ca, múa, âm nhạc, vũ thuật hóa trang… mang đặc trưng riêng rất hấp dẫn. Cùng với đó là ngày hội các dân tộc Tây Bắc được thể hiện thông qua hình thức tái hiện Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái, một Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội là dịp để các thầy mo tạ ơn tổ tiên và các bậc tiền nhân đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh, cứu người và là dịp để nam, nữ thanh niên có dịp gặp gỡ nhau. Trong lễ hội còn trình diễn ẩm thực các dân tộc vùng Tây Bắc, giúp nhân dân và khách du lịch được trải nghiệm, thưởng thức hương vị ẩm thực dân tộc.
Bên cạnh đó, khu vực Triển lãm 10 năm chặng đường Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4 được trang hoàng lộng lẫy với những hoa văn trang trí kiến trúc và trang phục thổ cẩm của các dân tộc.
Có quy mô lớn nhất là khu vực triển lãm các hình ảnh, hiện vật, liên quan đến đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, giới thiệu các nội dung liên quan đến sự kiện lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến Ðại hội các dân tộc thiểu số miền nam tổ chức tại Plây Cu vào ngày 19/4/1946 tại "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam trong Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, thể hiện cho ý chí, tinh thần đoàn kết các dân tộc. Tại triển lãm, ban tổ chức lựa chọn trưng bày 50 bức ảnh giới thiệu các hoạt động tiêu biểu Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức trong 10 năm qua tại khu vực làng.
Cùng với chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, một hội nghị lớn với sự tham gia của các đơn vị chức năng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện các cơ quan quản lý văn hóa địa phương, các nhà nghiên cứu văn hóa trong cả nước, nhằm tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4.
Hội thảo nhằm đánh giá những việc đã làm, đồng thời đưa ra phương hướng, giải pháp thực hiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam trong thời gian tới, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước./.